59Thứ Ba, 09/05/2023, 10:37
41 · Chương II - Nói Rõ Các Pháp Tu Trì - 11

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 08/05/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“CHƯƠNG II: PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ NIỆM PHẬT”

NÓI RÕ CÁC PHÁP TU TRÌ (PHẦN MƯỜI MỘT)

Chúng ta là phàm phu, khởi tâm động niệm của chúng ta đều là tư lợi. Trong “Kinh Địa Tạng” Phật nói: “Chúng sanh Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm đều là tội”. Chúng ta phải dụng được tâm giống như tâm của Phật Bồ Tát, của các bậc Thánh Hiền. Bài hôm trước, Hòa Thượng nhắc, chúng ta làm ra được biểu pháp cho chúng sanh thì đó là chúng ta chân thật bố thí pháp. Nếu chúng ta không thật làm mà chúng ta khuyên người khác thì người khác cũng không tin tưởng lời chúng ta nói. Chúng ta có chướng ngại vì chúng ta không thật làm. Hòa Thượng nói, chúng sanh nhìn thấy quả báo thì họ sẽ phản tỉnh, họ nhìn thấy quả báo tốt thì họ sinh tâm ngưỡng mộ, họ nhìn thấy quả báo xấu thì họ khiếp sợ.

Hòa Thượng nói: “Trên “Kinh Kim Cang” Phật khuyên bảo chúng ta phải thật làm và lão thật niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Trên “Kinh Kim Cang”, “Kinh Bát Nhã”, Phật cũng dạy chúng ta phải nhìn thấu buông xả. Tại sao Thích Ca Mâu Ni Phật phải giảng bốn chữ “nhìn thấu buông xả” trong suốt 22 năm? Có ai trong chúng ta nghe xong thì liền có thể thật buông xả không? Chúng sanh chúng ta chấp trước một cách kiên cố, chúng ta nghe rồi nhưng chúng ta vẫn nhìn không thấu, không thể buông xả. Trong tâm chúng ta từ sáng đến tối vẫn nghĩ tưởng xằng bậy, trên miệng chúng ta vẫn phê bình người khác mà chúng ta không kiểm điểm chính mình. Đây chính là chúng ta nhìn không thấu, buông không xuống”.

Tu học Phật pháp không ngoài việc thực hành ba chữ là Giới – Định – Tuệ. “Giới” là chúng ta tuân thủ quy củ, chuẩn mực, làm theo những lời giáo huấn của Phật. Tu hành quan trọng nhất chính là Định, Định chính là tâm thanh tịnh. Hàng ngày, chúng ta phải kiểm soát xem tâm chúng ta đã định chưa. Chúng ta tu hành không có Định nghĩa là tâm chúng ta không thanh tịnh, tâm chúng ta không thanh tịnh thì chúng ta không thể tương ưng với thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải có thể ở trong tất cả các cảnh giới thuận, nghịch mà khởi tu tâm thanh tịnh của chính mình. Chúng ta luôn luôn bị hoàn cảnh nhân sự quấy nhiễu, ô nhiễm vậy thì đạo nghiệp của chúng ta không thể có thành tựu. Chúng ta có Định thì chúng ta sẽ có Huệ. Chúng ta có Huệ thì chúng ta sẽ phân biệt được phải trái, thiện ác một cách rõ ràng. Chúng ta có thể phân biệt mọi việc một cách rõ ràng nhưng chúng ta tuyệt đối không khởi tâm động niệm bởi vì khi chúng ta vừa khởi tâm động niệm thì chúng ta đã rơi vào tâm ý thức. Chư Phật Bồ Tát đối với bất cứ người nào cũng không khởi tâm oán hận bởi vì Phật Bồ Tát biết người khác cũng có Phật tánh nên các Ngài cũng rất cung kính đối với họ”. Phật Bồ Tát luôn nhìn thấy tính đức của chúng sanh, chúng sanh chỉ mê nhất thời, rồi họ sẽ quay đầu giác ngộ. Phật Bồ Tát luôn chờ chúng sanh sớm giác ngộ, sớm quay đầu. Cái nhìn của Phật Bồ Tát rất khác với cái nhìn của chúng ta, chúng ta thường oán trách vì sao người khác lại có thể gây ra những lỗi lầm như vậy. Phật Bồ Tát luôn chờ chúng sanh sớm quay đầu, giác ngộ.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta đọc Kinh, niệm Phật hay ngay trong cuộc sống thường ngày, trong khi làm việc chúng ta cũng sẽ có chỗ ngộ. Chỗ ngộ chính là chúng ta phát hiện ra sai lầm của mình”. Tất cả phương diện tụng Kinh, niệm Phật, làm việc, đối nhân xử thế tiếp vật hàng ngày, nếu chúng ta dùng tâm chân thành thì chúng ta đều sẽ có chỗ ngộ. Nếu chúng ta làm một cách chểnh mảng thì chắc chắn chúng ta không có chỗ ngộ. Chúng ta phát hiện ra sai lầm, chúng ta thấy cần sửa lại sai lầm đó chính là chúng ta có chỗ ngộ. Chúng ta phát hiện ra lỗi sai và sửa lỗi đó chính là chúng ta tu hành.

Hòa Thượng nói: “Tu hành không phải là một ngày chúng ta đọc bao nhiêu quyển Kinh, lạy Phật bao nhiêu lần. Đó chỉ là tu hành trên hình thức. Công phu chân thật chính là chúng ta biết lỗi, cải lỗi. Nếu chúng ta có thể làm được bốn chữ này vậy thì mỗi một ngày đi qua đều rất thiết thực, không uổng phí”. Nếu không có hoàn cảnh khảo nghiệm thì chúng ta không thể nhận ra sai lầm của chính mình. Khởi tâm động niệm của chúng ta luôn là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên chúng ta phiền não. Phật nói: “Khi nào các ông là A-la-hán thì các ông mới có thể tin vào chính mình”. A-la-hán là các bậc đã chứng lậu thận thông không còn phải luân hồi sinh tử. Chúng ta vẫn là phàm phu, khởi tâm động niệm của chúng ta đều vì tư lợi mà làm.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook