195Thứ Sáu, 07/04/2023, 05:40

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 01/04/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

 “CHƯƠNG II : NÓI RÕ PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ” (PHẦN MỘT)

Hòa Thượng nói: “Điều kiện thấp nhất của hành giả niệm Phật là công phu thành khối. Tổ Sư Đại Đức nói: “Người đạt đến công phu thành khối là người: “Bất kiến thế gian hóa”. “Bất kiến thế gian hóa” nghĩa là “không thấy lỗi của thế gian”. “Không thấy” ở đây nghĩa là chúng ta biết rõ, biết tường tận nhưng chúng ta không chấp trước, dính mắc ở nơi tâm. “Công phu thành khối” chính là không còn thấy lỗi của thế gian. Chúng ta chuyên tâm niệm câu “A Di Đà Phật” thì chúng ta không có thời gian niệm những thứ khác. “Thế gian” là chỉ chung tất cả hoàn cảnh tự nhiên, hoàn cảnh nhân sự, hoàn cảnh thiên địa, quỷ thần. Nếu trong tất cả hoàn cảnh mà chúng ta vẫn khởi lên phân biệt, chấp trước thì chúng ta vẫn còn thấy lỗi thế gian.

Thí dụ, tôi đang ngồi học ở Sơn Tây nếu loa phát thanh phát tin tức buổi sáng thì cũng không làm ảnh hưởng đến việc học tập của tôi. “Không thấy lỗi thế gian” không phải là chúng ta bàng quan, không để ý đến mọi việc, nếu người khác có lỗi mà chúng ta có thể góp ý, chấn chỉnh thì chúng ta nỗ lực làm. Đặc biệt là đối với những việc ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng nếu chúng ta có thể ngăn cản được thì chúng ta phải làm!

Chúng ta biết tường tận lỗi của người thế gian nhưng chúng ta không để chúng dính mắc trong tâm. Có người nói với tôi rằng, có một số người khác luôn trực chờ, theo dõi để báo cáo lỗi của họ với tôi. Tôi nói với họ rằng, người khác không rảnh để báo cáo, tôi cũng không rảnh để nghe báo cáo lỗi của họ! Những lỗi lầm của chúng ta đã ở ngay trên hành động, trên biểu cảm người khác nhìn vào sẽ nhận ra chứ không cần phải có người báo cáo!

Hòa Thượng nói: “Hàng ngày, chúng ta tu hành nhưng chúng ta vẫn chỉ nhìn thấy lỗi của người, chúng ta luôn “tự dĩ vi thị”, tự cho mình là đúng. Chúng ta vẫn còn nhìn thấy lỗi của thế gian thì công phu của chúng ta vẫn chưa thành khối”. Chúng ta thường luôn nhìn thấy người khác làm những việc không đúng nhưng chúng ta không nhận ra lỗi của chính mình.

Hòa Thượng nói: “Khi chúng ta ở trong niệm Phật đường niệm Phật, trước khi niệm người chủ thất đều hô lên một câu: “Buông bỏ thân tâm thế giới nhất tâm niệm Phật”. Chúng ta khi ở nhà thì nhìn thấy lỗi của người ở nhà, đến Phật đường thì chúng ta nhìn thấy lỗi của người ở niệm Phật đường. Chúng ta luôn nhìn thấy người khác có lỗi mà không nhìn thấy lỗi của mình. Chúng ta luôn “tự dĩ vi thị”, tự cho mình là đúng. Đây là tập khí sâu nặng nên chúng ta phải đề cao cảnh giác.

Hòa Thượng nói: “Vấn nạn lớn nhất của chúng ta là chúng ta ngày ngày đi tìm lỗi của người khác mà chúng ta không quay lại tìm lỗi của chính mình”. Hôm trước, chúng ta đã học về “quán chiếu”, “quán chiếu” là chúng ta quay lại quán sát nội tâm của chính mình. Ngoài thời gian chúng ta niệm Phật, khi chúng ta khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật, hành động tạo tác thì chúng ta quán chiếu xem chúng ta đang làm vì người hay chúng ta làm vì mình. Nếu chúng ta vẫn khởi tâm phân biệt ta người, phải trái, tốt xấu thì chúng ta vẫn đang kết oán với người, oan oan tương báo sẽ không bao giờ kết thúc. Hàng ngày, chúng ta gặp chướng ngại, phiền não mà chúng ta không hiểu tại sao! Việc tạo chướng ngại là việc của người còn phiền não hay không đó là việc của chúng ta! Thầy Thái nêu một thí dụ, một người đàn ông đang đi trên đường, một người chạy đến nói với ông ta là có người đang mắng chửi ông. Người đàn ông đó liền nói, trên phố có nhiều người trùng tên, chắc là không phải họ mắng chửi ông đâu!

Hàng ngày, chúng ta không thể nhất tâm là vì chúng ta quan tâm đến những việc không cần thiết. Có những việc không liên quan đến chúng ta, có những việc chúng ta không thể quản được nhưng chúng ta vẫn muốn quản. Thí dụ, hôm nay chúng ta cử một người đi làm việc, chúng ta ở nhà lo lắng xem họ có làm được việc đó hay không. Đó là chúng ta đang muốn quản người, quản việc. Việc đó chắc chắn sẽ xảy ra, chúng ta lo lắng thì cũng sẽ không giải quyết được vấn đề.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook