110Chủ Nhật, 07/05/2023, 19:32
39 · Chương II - Nói Rõ Các Pháp Tu Trì - 9

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Chủ nhật, ngày 07/05/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“CHƯƠNG II: PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ NIỆM PHẬT”

NÓI RÕ CÁC PHÁP TU TRÌ (PHẦN CHÍN)

Chúng ta phải chuyển tâm ô nhiễm, cố chấp thành tâm thuần tịnh, thuần thiện. Chúng ta thường không nhận thấy sự cố chấp của chính mình. Nếu chúng ta vẫn giữ tâm cố chấp thì khi chúng ta mất thân người, ở trong cõi u hồn sự cố chấp của chúng ta sẽ còn mạnh mẽ hơn, chúng ta rất khó để thay đổi. Trong bài trước, Hòa Thượng dạy, chúng ta không những phải xả ngoại tài, mà chúng ta còn phải xả nội tài. “Nội tài” là tinh thần, là sự lao nhọc vì chúng sanh phục vụ vô điều kiện. Chúng ta phải nỗ lực vì xã hội, vì đại chúng phục vụ mà không cần báo đáp. Chúng ta không chỉ bố thí cơm, gạo, áo, tiền cho chúng sanh mà chúng ta phải chân thật mang tinh thần, thể lực của mình phục vụ chúng sanh.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta định ra thời khóa sáng sớm tối là để chúng ta thay đổi tâm hạnh, thay đổi thói quen của mình. Nếu chúng ta đã làm thời khóa mà tâm hạnh của chúng ta vẫn không thay đổi vậy thì chúng ta đã uổng phí thời gian”. Hiện tại, buổi sáng chúng ta ngủ dậy muộn, hôn trầm, buổi tối chúng ta dành thời gian ăn uống, nói chuyện thị phi. Có người ban đầu rất siêng năng học chữ Hán nhưng hiện tại họ bỏ không học nữa.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta tụng phẩm thứ sáu của “Kinh Vô Lượng Thọ” mục đích là để trong tâm mỗi chúng ta đều có 48 nguyện của Phật A Di Đà. Trong tâm chúng ta phải có 48 nguyện của Phật A Di Đà thì đó mới là chúng ta niệm Phật, nhớ Phật. Trong 48 nguyện của Phật A Di Đà đã bao gồm y chánh trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc”. Chúng ta phải có thể phát 48 nguyện giống như Phật A Di Đà để chúng ta thực hành, chuyển tải cho chúng sanh. Nếu chúng ta không lấy 48 nguyện của Phật A Di Đà làm nguyện của mình thì chúng ta đã uổng phí thời gian tu hành. Trên “Kinh A Di Đà” nói: “Thường nhớ Phật, thường niệm Phật”. Chúng ta niệm câu “A Di Đà Phật” một cách gián đoạn thì đó là chúng ta không thường nhớ Phật, không thường niệm Phật.

Hòa Thượng nói: “Thời khóa sớm của pháp môn Tịnh Độ rất quan trọng. Chúng ta tụng “Kinh Vô Lượng Thọ” là để chúng ta đề khởi, thực hành được 48 nguyện của Phật A Di Đà. Chúng ta làm được điều này thì chúng ta mới có đủ y chánh trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc, chúng ta mới đủ tư cách của một hành giả Tịnh Độ. Thời khóa tối chính là để chúng ta mỗi niệm không quên giáo huấn của Phật A Di Đà. Chúng ta phải y giáo phụng hành, như pháp tu trì lời dạy của Phật”. Chúng ta phải chân thật tu hành chứ chúng ta không chỉ nói ở trên miệng. Nhà Phật nói: “Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, đau mồm rát họng chỉ uổng công”.

Hòa Thượng nói: “Trong “Kinh Vô Lượng Thọ” từ phẩm 22 đến phẩm 27 là giáo huấn của Phật A Di Đà, trong đó nội dung là Năm Giới, Mười Thiện. Năm Giới, Mười Thiện không những là nền tảng của người tu học Đại Thừa mà còn là nền tảng của cả người tu Tiểu Thừa. Chúng ta từ chỗ này nỗ lực làm thì chúng ta niệm Phật mới có được thành tựu”. Ngày nay, nhiều người niệm Phật không có thành tựu vì họ không làm được Năm Giới, Mười Thiện. Trong lời giáo huấn sau cùng, Thích Ca Mâu Ni Phật cũng dạy chúng ta: “Cần tu Giới - Định - Tuệ. Diệt trừ Tham – Sân – Si”. “Cần” là chuyên cần. Nhiều người tu hành nhưng không giữ giới, chúng ta tu học như vậy thì trở thành chúng tat u pháp của Ma.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta học cách để làm người thì chúng ta học luân lý đạo đức. Chúng học để làm Thiên Nhân ở cõi trời Dục Giới thì chúng ta học Thập Thiện, học tâm từ bi hỷ xả. Nếu chúng ta học 48 nguyện của Phật A Di Đà, sáu phép tu của Bồ Tát, Mười Nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền đó chính là chúng ta học làm Bồ Tát Bất Thoái của thế giới Tây Phương Cực Lạc. Đây mới là điều chúng ta chân thật nên học”.

Hòa Thượng nói: “Học” không phải chỉ là chúng ta hiểu tường tận mà chúng ta còn phải làm theo. Chúng ta phải chân thật làm cho được. Chúng ta tu hành mà không có được pháp hỷ là do chúng ta bị tập khí, phiền não lôi kéo”. Chúng ta đang bị cuộn tròn trong “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham, sân, si, mạn”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook