66Thứ Sáu, 05/05/2023, 11:49
37 · Chương II - Nói Rõ Các Pháp Tu Trì - 7

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ thứ Sáu, ngày 05/05/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“CHƯƠNG II: PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ NIỆM PHẬT”

NÓI RÕ CÁC PHÁP TU TRÌ (PHẦN BẢY)

Phật nói: “Nhất thiết duy tâm tạo”. Tất cả do tâm chúng ta biến hiện ra. Tu hành là chúng ta từ nơi tâm mà sửa. Chúng ta sửa tâm nhỏ hẹp thành tâm rộng lớn, tâm tư lợi thành tâm vị tha thì mọi việc chúng ta làm đều sẽ có kết quả tốt. Chúng ta không cần tìm đến nơi “thâm sơn cùng cốc” để tu hành mà việc tu hành hoàn toàn là từ nơi tâm. Tâm chuyển thì mọi thứ sẽ chuyển.

Hoà Thượng khuyên chúng ta: “Tu hành quan trọng nhất là phải nắm vững cương lĩnh, nguyên tắc. Cương lĩnh, nguyên tắc của tu hành chính là: “Phát Tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm”. “Tâm Bồ Đề” là tâm hy sinh phụng hiến, toàn tâm toàn lực vì chúng sanh. “Một lòng chuyên niệm” là chúng ta niệm một câu “A Di Đà Phật” đến cùng, không niệm những thứ khác. Khi chúng ta học 1200 chuyên đề Hòa Thượng cũng thường nhắc đến việc chúng ta phải: “Phát Tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm”. Chúng ta “phát Tâm Bồ Đề” mà chúng ta không “một lòng chuyên niệm” thì chúng ta không thể có thành tựu. Chúng ta “một lòng chuyên niệm” mà chúng ta không “phát Tâm Bồ Đề” thì chúng ta cũng không thể có thành tựu. Đa phần chúng ta chỉ chuyên làm một việc nhưng hai việc này phải tương bổ tương thành.

Hàng ngày, chúng ta vẫn chỉ niệm hơn thua, được mất, tốt xấu. Hòa Thượng từng nói: “Tâm toàn tâm toàn lực vì chúng sanh lo nghĩ là tâm Phật. Chúng ta dùng tâm này niệm Phật thì một ngày chúng ta chỉ cần niệm một vài câu Phật hiệu là chúng ta đã tương ưng với Phật”. Chúng ta niệm Phật nhưng tâm chúng ta vẫn vì mình lo nghĩ thì chúng ta không “một lòng chuyên niệm”. Chúng ta phải lý giải thấu triệt, hiểu thông những lời Phật dạy thì chúng ta mới làm được. Khi tôi chưa học 1200 chuyên đề tôi cũng hiểu hai câu này một cách lờ mờ, hiện tại, tôi hiểu rõ hơn nhưng tôi vẫn chưa thông. Nếu tôi thật sự “thông” hai câu nói này thì tôi sẽ không còn niệm những thứ khác.

Hòa Thượng nói cho chúng ta những nguyên tắc mà đồng tu Tịnh Độ phải tuân thủ. Đó là “Tịnh Nghiệp Tam Phước”, “Lục Hòa”, “Tam Học”, “Lục Độ”, “Mười Nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền”. Chúng ta phải ứng dụng những nguyên tắc này ngay trong cuộc sống thường ngày”. Trong “Kinh Vô Lượng Thọ” nói về “Tịnh Nghiệp Tam Phước” đó là: “Hiếu dưỡng Phụ Mẫu, phụng sự Sư Trưởng, từ tâm bất sát, tu Thập Thiện Nghiệp”. “Tam Học” là Giới, Định, Tuệ. “Lục Độ” là sáu phép tu của Bồ Tát: “Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ”. Khi chúng ta đối người tiếp vật thì chúng ta dùng sáu phép hoà, với mình thì chúng ta phải tu Giới - Định - Tuệ. Chúng ta phải tuyệt đối tuân thủ các chuẩn mực và luật pháp của quốc gia. Nếu suy nghĩ, việc làm của chúng ta tuân theo chuẩn mực thì thân tâm của chúng ta sẽ an vui. Chúng ta tuân theo những nguyên tắc, chuẩn mực này thì chúng ta sẽ có thể tự hành, hoá tha. Chúng ta tự sửa mình để chúng ta độ chúng sanh. Chúng ta không cần thuyết phục người khác làm theo mình, nếu họ ngưỡng mộ những việc làm của chúng ta thì họ sẽ tự đến học tập.

Hòa Thượng nói: “Trong pháp Đại Thừa, nguyên tắc cứu cánh nhất chính là phẩm nói về Bồ Tát Phổ Hiền trong “Kinh Hoa Nghiêm”. Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói về Mười Nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền. Các đồng tu học Phật một thời gian thì đều thuộc Mười Nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền là:

Nhất giả lễ kính chư Phật

Nhị giả xưng tán Như Lai

Tam giả quảng tu cúng dường

Tứ giả sám hối nghiệp chướng

Ngũ giả tùy hỷ công đức

Lục giả thỉnh chuyển pháp luân

Thất giả thỉnh Phật trụ thế

Bát giả thường tùy Phật học

Cửu giả hằng thuận chúng sinh

Thập giả phổ giai hồi hướng.”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook