60Thứ Năm, 04/05/2023, 13:03
36 · Chương II - Nói Rõ Các Pháp Tu Trì - 6

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ thứ Năm, ngày 04/05/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“CHƯƠNG II: PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ NIỆM PHẬT”

NÓI RÕ CÁC PHÁP TU TRÌ (PHẦN SÁU)

Trong xã hội hiện đại, chúng ta muốn tiếp cận chúng sanh thì chúng ta không thể làm theo những phương thức cũ. Khi Hòa Thượng đến các quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan, Srilanka, Myanmar thì Ngài mặc y phục của Phật giáo nước đó. Hòa Thượng đã thích nghi với quá trình hiện đại hoá, toàn cầu hoá. Hoà Thượng khuyên chúng ta, khi chúng ta đến quốc gia nào xây dựng chùa thì chúng ta nên xây dựng chùa theo phong cách kiến trúc của nước đó. Tâm, nguyện, giải, hành của chúng ta giống như tâm, nguyện, giải, hành của Phật thì chúng ta mới có thể làm việc thiết thực lợi ích chúng sanh.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta học Phật thì chúng ta phải học để được giống y như Phật, tín, nguyện, hành, giải của chúng ta phải giống như Phật. Cho dù tín, nguyện, hành, giải chúng ta không giống Phật được đến 100% thì tín, nguyện, hành, giải của chúng ta cũng không khác biệt quá nhiều”. Thí dụ, khi chúng ta viết chữ Mã bằng tiếng Hán, ban đầu chúng ta vẽ chưa giống nhưng chúng ta vẽ cũng có nét tương tự, khi chúng ta có công phu thì chúng ta chỉ cần dùng một nét là có thể vẽ được chữ Mã đẹp.

Hòa Thượng nói: “Thế gian, nhiều người chỉ học Phật, nghiên cứu Phật pháp như một môn học, họ có giải nhưng không có hành, họ hiểu nhưng họ không làm, họ không có tâm nguyện của Phật, họ chính là những nhà Phật học. Người có tâm nguyện của Phật thì họ hiểu được bao nhiêu thì họ làm bấy nhiêu, họ là người chân thật học Phật. Người chân thật học Phật thì có thể liễu thoát sinh tử còn nhà Phật học thì không. Việc này chúng ta phải phân định rõ ràng!”. Chúng ta quán sát chúng ta là người đang học Phật hay chúng ta là nhà Phật học?

Chúng ta dụng tâm, nguyện tương ưng với Phật Bồ Tát, với Thánh Hiền thì chúng ta nhất định sẽ làm thành công. Nếu chúng ta không thành công thì đó là do chúng ta làm giả, chúng ta chỉ đang làm trên hình tướng. Chúng ta học Phật nhưng chúng ta không làm được Phật, chúng ta học đạo Thánh Hiền nhưng làm được Thánh Hiền, không dạy được ra Thánh Hiền vì tâm nguyện chúng ta không giống với Phật, không giống với Thánh Hiền.

Học trò của tôi không tùy tiện nhận quà do người khác tặng vì tôi cũng vậy. Nếu tôi mời ai đi ăn thì tôi sẽ đi trước để sắp xếp bàn ghế, đặt thức ăn và trả tiền. Chúng ta không được có tâm vụ lợi mà chúng ta phải tận tâm, tận lực vì người. Bố thí là chúng ta toàn tâm toàn lực hy sinh phụng hiến, chúng ta bố thí ngoại tài, bố thí nội tài và bố thí cả thời gian của sinh mạng để làm việc lợi ích cho người khác. Người thật tâm học Phật, họ hiểu bao nhiêu thì họ làm bấy nhiêu. Cho dù họ hiểu 5%, 7% thì họ cũng thật làm từng đó, ban đầu họ chưa làm giống nhưng dần dần họ làm sẽ giống.

Hòa Thượng nói: “Sáu căn của chúng ta tiếp xúc với cảnh giới sáu trần không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, mọi sự đều rõ ràng, tường tận đây gọi là chiếu kiến, là kiến văn giác tri của tự tánh. Phàm phu chúng ta hoàn toàn mê mất tự tánh, chúng ta chỉ dùng tình thức, cảm tình dụng sự. “Kiến văn giác tri” của tự tánh là cái thấy, nghe, nhận biết của tự tánh. Chúng ta dùng cảm tình chính là chúng ta dùng vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của mình. Đây là kiến giải của phàm phu. Chúng ta quán chiếu thì chúng ta sẽ nhận ra mình đang dùng cảm tình làm việc, những việc vì con, vì cháu của chúng ta thì chúng ta sẽ làm hoàn toàn khác. Chúng ta thấy con cháu của mình tuyệt vời thì chúng ta không thể nhìn thấy sai sót của chúng. Có những người thế gian, họ không học Phật nhưng họ có thể nhận biết mọi thứ rõ ràng, chuẩn mực nhưng nhiều người học Phật lại không làm được điều này. Chúng ta quán chiếu xem chúng ta có đang vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chúng ta có đang chìm đắm trong “cái ta”, “cái của ta” không?

Ngày đầu tiên khi con gái tôi sinh ra, khi bé ra khỏi lồng ấp thì vợ chồng tôi đặt bé nằm ngủ ở bên cạnh, không ôm ấp bé. Khi trưởng thành, các con của tôi tự biết chăm sóc bản thân, tự lập trong mọi việc. Khi đó, ở giường đối diện, có một người Bà nội đến thăm cháu trai mới sinh, ba đêm liền Bà đều ôm cháu đích tôn để ngủ. Khi Bà nội đã mệt, Bà về quê nghỉ thì Bố Mẹ của cậu bé phải thay nhau ôm cậu bé đó ngủ. Cậu bé vừa sinh ra đã được bảo bọc vậy thì tương lai của cậu bé đó sẽ ra sao? Người lớn đã dạy sai trẻ nhỏ, tập khí, phiền não của trẻ cũng từ đây mà phát sinh. Chúng ta tưởng mình không phân biệt, chấp trước nhưng hàng ngày, chúng ta vẫn đang chìm trong phân biệt, chấp trước. Chúng ra rời xa tình chấp, phân biệt, chấp trước thì chúng ta mới có kiến giải, có cái thấy của Phật Bồ Tát. Cái thấy của Phật Bồ Tát gọi là “chiếu kiến”, cái thấy của phàm phu gọi là tình chấp. Chúng ta vẫn đang chấp mê nặng nề vào “cái ta”, “cái của ta”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook