48Thứ Ba, 02/05/2023, 17:40
34 · Chương II - Nói Rõ Các Pháp Tu Trì - 4

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ thứ Hai, ngày 02/05/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“CHƯƠNG II: PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ NIỆM PHẬT”

NÓI RÕ CÁC PHÁP TU TRÌ (PHẦN BỐN)

Nếu như chúng ta có thể đem sáu phép tu của Bồ Tát và mười nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền ứng dụng trong đời sống hàng ngày thì đời sống của chúng ta nhất định sẽ an vui, tự tại. Cuộc sống hàng ngày chính là cơ hội tốt nhất để chúng ta tu Bồ Tát Đạo, hành Bồ Tát Đạo, chúng ta làm bất cứ việc gì cũng là chúng ta đang tu Bồ Tát Đạo, hành Bồ Tát Hạnh. Nếu chúng ta không tu Bồ Tát Đạo, hành Bồ Tát Đạo ngay trong cuộc sống hàng ngày thì chúng ta tu Bồ Tát Đạo, hành Bồ Tát hạnh ở đâu?

Hòa Thượng nói: “Trong cuộc sống, nếu chúng ta tu Bồ Tát Đạo, hành Bồ Tát Hạnh thì chúng ta sẽ luôn tràn đầy pháp hỷ, đây là chúng ta chân thật là chuyển phiền não thành Bồ Đề, chuyển mê thành giác ngộ. Nếu người thế gian cảm thấy công việc của họ rất phiền phức thì họ sẽ khổ nói không ra lời, sẽ oán trời, trách người. Bồ Tát Đại Thừa cao minh, chỉ cần chúng ta chuyển đổi ý niệm oán trời, trách người thành ý niệm hy sinh phụng hiến thì chúng ta chính là Bồ Tát. Chúng ta làm việc một cách cần cù là chúng ta kết pháp duyên với tất cả chúng sanh, là thành tựu bố thí Ba La Mật của chính mình”.

Một ngày, chúng ta đi làm tám giờ, nếu chúng ta cảm thấy công việc mệt mỏi, chúng ta mong hết giờ để được về thì chúng ta sẽ cảm thấy thời gian rất dài. Chúng ta càng nhìn đồng hồ thì chúng ta càng cảm thấy thời gian trôi qua chậm. Nếu chúng ta tận tâm tận lực làm thì chúng ta cảm thấy thời gian trôi qua rất nhanh. Nếu một ngày, chúng ta làm việc với tâm oán trách thì chúng ta cũng phải làm việc tám giờ, chúng ta làm với tâm phục vụ, tâm hy sinh phụng hiến thì chúng ta cũng phải làm tám giờ. Tâm của người muốn phục vụ, muốn hy sinh phụng hiến thì sẽ luôn tự tại, an vui. Chúng ta luôn cảm thấy một ngày đi làm thời gian trôi qua rất chậm nhưng một tuần đi chơi thì thời gian trôi qua rất nhanh. Chúng ta đang trong kỳ nghỉ lễ dài năm ngày, hôm nay đã ngày thứ ba, chúng ta đang cảm thấy thời gian trôi qua rất nhanh.

Ngày trước, khi tôi đi ngang qua một bờ Kênh, tôi nhìn thấy nước dưới Kênh rất bẩn, các bác công nhân đang lặn xuống để múc đất bùn sình lên, các bác làm việc rất hăng say dù không có quần áo bảo hộ. Tôi mua năm cốc nước mía mời các bác uống để bày tỏ lòng tri ân về sự lao nhọc của các bác với cộng đồng.

Trong cuộc sống, nếu chúng ta luôn nhớ là chúng ta đang tu Bồ Tát Đạo, đang hành Bồ Tát Hạnh thì chúng ta sẽ thấy mọi việc nhẹ nhàng. Nếu chúng ta mang ý niệm của phàm phu thì chúng ta sẽ luôn oán trời, trách người. Chúng ta chỉ cần chuyển đổi ý niệm thì phiền não sẽ chuyển thành Bồ Đề. Nếu chúng ta có tâm oán hận thì chúng ta sẽ đi vào sinh tử luân hồi, chúng ta có tâm tự tại, an vui thì chúng ta đang ở cõi Niết Bàn. Vậy thì chúng ta ở trong vòng sinh tử hay chúng ta ở cõi Niết Bàn là do Phật ban cho chúng ta hay do chúng ta tự ban cho mình? Hàng ngày, chúng ta phải chuyển đổi ý niệm của phàm phu thành tâm của Phật Bồ Tát. Tâm của phàm phu luôn sợ được mất, sợ hơn thua, sợ thiệt thòi. Tâm của Bồ Tát là một mảng chân thành, các Ngài có tâm đến thế gian là để phục vụ, để hy sinh phụng hiến cho chúng sanh.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta vừa chuyển đổi ý niệm thì tâm chúng ta an vui, hạnh phúc vô cùng, vô tận, chúng ta liền đạt được lìa khổ, được vui. Chúng ta đừng mong muốn về được thế giới Cực Lạc nếu ngay hiện tại chúng ta không có Cực Lạc”. Cực Lạc chính ở ngay tâm chúng ta. Cuộc sống thường ngày chính là nơi chúng ta tu Bồ Tát Đạo, hành Bồ Tát Hạnh, thực hiện mười nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền. Mười nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền chính là hiếu và kính, hiếu thảo, kính trọng tất cả chúng sanh. “Chúng sanh” là chúng duyên hòa hợp tạo nên hiện tượng. Cây hoa, cái bàn cũng là chúng sanh. Chúng ta đối với tất cả mọi sự, mọi việc, mọi vật ở thế gian đều phải có tâm hiếu kính.

Trong cuộc sống thường ngày, nếu chúng ta ứng dụng sáu phép tu của Bồ Tát là: “Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ” thì chúng ta sẽ luôn cảm thấy tự tại, an vui. Người thế gian lo được mất, thành bại còn chúng ta chỉ ngày ngày có tâm phục vụ, tâm hy sinh phụng hiến, cho đi. Chúng ta có mặt ở thế gian này là để phục vụ, là để hy sinh phụng hiến. Hòa Thượng nói: “Cùng ở chung trong cõi Ta Bà, họ thì khổ không nói ra lời còn chúng ta thì an vui, tự tại!”. Sự an vui, tư tại này không phải đấng bề trên hay Phật Bồ Tát ban cho chúng ta mà chỉ cần chúng ta chuyển đổi ý niệm thì chúng ta liền có được!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook