
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Chủ nhật, ngày 01/05/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”
“CHƯƠNG II: PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ NIỆM PHẬT”
NÓI RÕ CÁC PHÁP TU TRÌ (PHẦN HAI)
Trong bài khai thị sau cùng, Hoà Thượng nói: “Các vị cố gắng niệm Phật để vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Tôi chỉ mong gặp được các vị ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, đó là điều tôi vui nhất, bất cứ sự cúng dường nào của quý vị tôi cũng không cần!”. Mấy ngày gần đây, tôi thường truy cập vào video ở góc trên cùng, bên phải website “Tinhkhongphapngu.net”, để nghe lại đoạn khai thị này của Hòa Thượng. Chúng ta là phàm phu, chúng ta phải huân tập dài lâu, thường nghe lời nhắc nhở của Hòa Thượng để chúng ta dụng tâm hơn.
Hoà Thượng nhắc: “Tất cả những điều chúng ta gặp đều là do nhân quả, chúng ta gieo nhân nhất định sẽ gặt quả. Chúng ta không nên nghe tin tức về dịch bệnh, điều này sẽ khiến chúng ta hoang mang, chúng ta nên niệm Phật tốt hơn!”. Hiện nay, dịch bệnh cũng chỉ giống như bệnh cảm cúm, điều quan trọng là chúng ta khởi được tâm yêu thương, tâm hy sinh phụng hiến với tất cả chúng sinh. Trong gia đình, đoàn thể, chúng ta phải làm ra tấm gương thật tốt, chúng ta phải chịu khó gánh vác. Người xưa nói: “Quân tử thấy lợi không màng, thấy khó dấn thân”. Hòa Thượng nói: “Quân tử là bậc thấp nhất ở thế gian, quân tử mà chúng ta không làm được thì làm sao chúng ta làm được Phật Bồ Tát”.
Người xưa nói: “Trong mạng có nhất định có trong mạng không nhất định không”. Trong mạng chúng ta có thì chúng ta muốn tránh né, muốn bỏ đi cũng cũng không được, vậy thì chúng ta tranh giành để làm gì? Người xưa cũng nói: “Quân tử thì vui làm quân tử. Tiểu nhân thì vui làm tiểu nhân”. “Quân tử” ở đây chỉ những người có phước, có cuộc sống giàu sang, có địa vị. “Tiểu nhân” ở đây chỉ những người nghèo khó, không địa vị. Tất cả đều do phước trong vận mệnh an bài, chúng ra chỉ cần tích cực tạo phước, không cần tranh giành với người. Người khác cho chúng ta cũng không cần, chứ đừng nói chúng ta tranh giành! Hôm qua, Hoà Thượng nhắc, chúng ta đã vận dụng hạnh của Bồ Tát, hạnh của Bồ Tát Phổ Hiền trong đời sống hay chưa? Chúng ta vận dụng được thì chúng ta có hy vọng vãng sanh, nếu chúng ta không vận dụng được thì chúng ta sẽ đọa lạc. Hôm nay, Hoà Thượng nhắc đến sáu phép tu Ba La Mật của Bồ Tát.
Hòa Thượng Nói: “Bồ Tát Hạnh dạy chúng ta bố thí, dùng lời hiện đại mà nói, đây chính là dạy chúng ta hy sinh phụng hiến cho mọi người, cho đoàn thể”. Nhiều người thế gian cho rằng “bố thí” là cúng dường nhưng bố thí của Bồ Tát Hạnh dạy chúng ta phải hy sinh phụng hiến vì chúng sanh. Chúng ta phải nhường tiện nghi của đời sống của mình cho tất cả chúng sanh.
Hòa Thượng Nói: “Phật tử Đài Loan thích tu phước, họ bỏ tiền để làm việc lợi ích chúng sanh nhưng bản thân họ vẫn hưởng thụ ngũ dục lục trần”. Chúng ta hưởng phước thì chúng ta không thể tránh được sự đọa lạc. “Bố thí” là hy sinh phụng hiến cho mọi người, cho đoàn thể, đây là chân thật bố thí. Chúng ta phải xả bỏ chính mình, xả bỏ những nhu cầu cần thiết của bản thân, chúng ta chỉ cần nhận phần ít nhất. Tôi hái rau ngon để tặng mọi người còn tôi ăn rau xuyến chi mọc ở hàng rào. Rau mọi người thích ăn thì chúng ta mang tặng họ, rau họ không thích ăn thì mình ăn. Cao hơn nữa là chúng ta bố thí thói hư, tập khí của chính mình. Chúng ta vừa bố thí ngoại tài, vừa bố thí nội tài và bố thí thời gian của sinh mạng cho tất cả chúng sanh.
Hòa Thượng Nói: “Trì giới” là chúng ta tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy củ. Trong “Kinh An Lạc” cho người tại gia, Phật dạy chúng ta: “Không được trốn thuế, không được làm những việc vi phạm pháp luật”. Trong “Kinh Phạm Võng” cho người xuất gia, Phật dạy: “Không được làm giặc quốc gia, không được nói xấu lãnh đạo Tổ Quốc”. Phật dạy chúng ra chu đáo mọi bề, Ngài không những dạy để chúng ta có thể làm Phật Bồ Tát mà Ngài còn dạy chúng ta, ở quốc gia sở tại thì chúng ta phải là một công dân tốt. Chúng ta ra đường không đội mũ bảo hiểm, đi quá tốc độ là chúng ta đã vi phạm pháp luật. Ngày trước, các quốc gia có diện tích rất nhỏ, tăng đoàn có thể sang quốc gia khác để giảng Kinh, nói pháp nên Phật nhắc người tu hành: “Không được làm giặc quốc gia, không được nói xấu lãnh đạo Tổ Quốc”. Chúng ta đến một vùng thì chúng ta phải biết phong tục, tập quán, quy củ, phép tắc vùng đó.
Nâng cao hơn, trì giới chính là chúng ta không để vọng niệm, tà tri, tà kiến sinh khởi. Chúng ta giữ chặt câu Phật hiệu “A Di Đà Phật”, chính là chúng ta đang giữ giới không để tà tri, tà kiến khởi. Chúng ta không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu đó chỉ là tướng giới. Tánh giới là tâm chúng ta không để vọng niệm sinh khởi.
Hòa Thượng Nói: “Nhẫn nhục” là chúng ta phải có tâm nhẫn nại, đặc biệt là chúng ta phải nhẫn nại ở mặt nhân sự”. Chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay đều tích luỹ phiền não, ân oán, bất bình, họ có thể sẽ sẵn sàng gây bất hoà với bất cứ ai. Chúng ta phải nhẫn với người, với cả hoàn cảnh tự nhiên. Khí hậu nóng, lạnh thì đó là việc của tự nhiên nếu chúng ta dính mắc thì chúng ta sẽ phiền não. Khi chúng ta toàn tâm, toàn ý làm việc thì thời tiết nóng hay lạnh chúng ta cũng không nhận ra. Khi ông Lý Mộc Nguyên hỏi bà Hứa Triết là Bà có lạnh không thì bà Hứa Triết nói bà không biết. Bà không có tâm phân biệt, chấp trước. Chúng ta ngày ngày chìm trong phân biệt, chấp trước. Người nông thôn rất chăm chỉ, chịu khó vì họ đã hình thành thói quen dù trời rất nóng họ cũng ra đồng. Họ ngày ngày một nắng hai sương, không bỏ đồng ruộng. Ba tôi ba giờ sáng ra đồng, tám giờ tối ông mới về đến nhà.
Hoàn cảnh nhân sự, vấn đề con người bao đời nay đều phức tạp. Mỗi người đều tự cho cái thấy, cái biết của mình là đúng nên họ chướng ngại đoàn thể. Chúng ta là người học Phật, chúng ta chướng ngại người là chúng ta chướng ngại chính mình. Chúng ta: “Nhất thành bất biến”, nghĩa là chúng ta giữ thành kiến của mình thì chúng ta không thể tiến bộ, tương lai chúng ta không thể vượt thoát sinh tử. Chúng ta phải “trải sự, luyện tâm” thì chúng ta mới luyện được sự nhẫn nại.
Khi tôi ở Sơn Tây, trời rất nắng nhưng tôi vẫn làm việc bình thường, khi tôi làm việc áo tôi luôn ướt sũng mồ hôi nên tôi phải thay áo liên tục. Mọi người sợ tôi say nắng nhưng tôi không cảm thấy nóng, tôi chỉ tập trung để làm xong việc. Chúng ta phải trải qua mọi công việc để rèn luyện bản thân. Chúng ta dụng tâm thì dù chúng ta nấu ăn hay làm việc, chúng ta đều mang lại kết quả tuyệt vời. Hôm nay, chúng ta làm chưa giống thì ngày mai chúng ta nỗ lực để làm cho giống.
Hòa Thượng Nói: “Tinh tấn” là cầu tiến bộ. Con người phải không ngừng cầu tiến bộ”. Chúng ta hướng đến Phật Bồ Tát, hướng đến những tấm gương đức hạnh để cầu tiến bộ. Chúng ta có một vị lãnh tụ vô cùng tuyệt vời, Bác ở đỉnh cao của danh vọng nhưng đời sống của Bác rất bình dị. Bác rất bận rộn nhưng Bác vẫn ngày ngày tự học, vẫn tự chăm sóc cây, nuôi cá. Chúng ta cũng có thể làm được mọi việc rất tốt.
Kinh Hoa Nghiêm nói: “Một là tất cả, tất cả là một”. Một việc thông thì tất cả mọi việc đều thông. Một không thông thì tất cả đều không thông. Nếu tâm chúng ta thông thì mọi việc đều thông. Chúng ta chìm đắm trong danh vọng thì chúng ta sẽ dính mắc vào nó. Những tấm gương đức hạnh có đời sống rất giản dị. Khi Bác được tặng một con nai, một số người bảo bác làm thịt nhưng Bác bảo mọi người thả con nai về rừng bảo tồn động vật. Đây chính là tâm từ bi, yêu thương của Phật. “Tinh tấn” không phải là hàng ngày chúng ta tụng nhiều thời Kinh, mà là chúng ta cầu tiến bộ, luôn thay đổi tự làm mới, thay đổi thói quen cũ. Chúng ta phải một ngày mới, ngày ngày mới!
Hòa Thượng Nói: “Chúng ta phải thay đổi để đem sự tiến bộ của chúng ta đi phục vụ, làm việc lợi ích chúng sanh”. Có những bậc đại đức tu trì tốt nhưng không hoằng pháp lợi sanh, không làm việc lợi ích chúng sanh. Chúng ta phải đem năng lực của mình để làm lợi ích cho tha nhân. Nhiều người sợ khó, sợ khổ cực nên họ không làm. Thời gian của sinh mạng chúng ta rất ngắn ngủi, có những việc nếu chúng ta không làm ngay thì khi chúng ta muốn làm, chúng ta cũng không còn cơ hội.
Hòa Thượng Nói: “Nhiều người không nỗ lực làm lợi ích chúng sanh vì họ chỉ tự khống chế mình trong một phạm vi nhất định”. Chúng ta thường tự vẽ một vòng tròn và khống chế mình trong chiếc vòng đó, chúng ta không cầu tiến bộ. Thí dụ, chúng ta là một cô giáo thì chúng ta không giới hạn là mình chỉ làm một cô giáo, chúng ta phải nỗ lực để có thể làm lãnh đạo, làm chủ trường, làm lãnh đạo của các cô giáo. Xã hội có những hình thái mới hiện đại thì chúng ta cũng phải hòa nhập, thích nghi với những hình thái đó. Chúng ta hòa nhập thì chúng ta mới có thể làm lợi ích chúng sanh. Mục đích của Phật Bồ Tát là giúp chúng sanh có được lợi ích, được an vui chứ không phải để chúng sanh đi theo các Ngài,
Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải thích hợp với toàn cầu hoá, hiện đại hoá, đời sống hoá. Chúng ta ở ngay trong đời sống cầu giác, cầu huệ, tu lục độ, mười nguyện. Chúng ta tỉ mỉ quan sát 53 vị thiện tri thức trong “Kinh Hoa Nghiêm”, các vị làm trong những ngành nghề khác nhau và có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh”. Hoà Thượng tiếp nhận nền giáo dục rất cổ xưa, nền giáo dục trước chúng ta hàng trăm năm nhưng Ngài khuyên chúng ta phải toàn cầu hoá, hiện đại hoá, đời sống hoá đây là Ngài chân thật tinh tấn. Chúng ta chưa đọc “Kinh Hoa Nghiêm” thì chúng ta có thể học 350 tấm gương đức hạnh trong cuốn “Những Tấm gương đức hạnh Việt Nam”.
Hòa Thượng nói: “Thiền định” là chính mình phải có sức định, có lập trường. Chúng ta phải đối trị một cách mạnh mẽ, kiên định đối với tập khí, phiền não của mình”. “Định” là không bị ngoại cảnh làm giao động. Chúng ta chỉ cần giữ chặt câu “A Di Đà Phật”, giữ chặt quy củ, phép tắc thì tâm chúng ta sẽ được an định. Khi chúng ta an định trong quy củ, phép tắc thì chúng ta sẽ cảm thấy tự tại, giải thoát. Chúng ta ăn chay, giữ giới thì chúng ta sẽ không giao động bởi hoàn cảnh. Một món chay rất ngon thì tôi cũng chỉ ăn hai, ba miếng. Mười năm nay, mỗi bữa tôi chỉ ăn một chén cơm. Chúng ta chỉ nên ăn no đến tám phần. Chúng ta ăn quá no thì “căng da bụng, trùng da mắt”.
Hòa Thượng nói: “Bát nhã” là trí tuệ. Chúng ta phải tường tận, rõ ràng, thấu đáo thiện ác, chân giả của mọi người, mọi sự, mọi việc”. Hàng ngày, chúng ta phải đối trị ba nghiệp thân, khẩu, ý. Thân thì không sát, đạo, dâm; miệng thì không nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác và nói lời thêu dệt; ý thì không tham, sân, si. Nếu chúng ta làm đúng những điều này thì đó là thiện, chúng ta làm trái những điều này thì đó là ác. Chúng ta phải đối trị các tập khí “tự tư tự lợi”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “danh vọng lợi dưỡng”, “tham, sân, si, mạn”. Có người nói với tôi, họ không ngờ một người nào đó lại có tính cách như vậy. Tôi nói, tôi biết điều đó lâu rồi. Tâm chúng ta lắng đọng thì chúng ta sẽ nhìn rõ mọi sự, mọi việc. Trong cuộc sống, tâm của chính chúng ta bao chao, xao động mà chúng ta còn không nhận ra! Chúng ta sống lừa dối, không thật thì trí tuệ của chúng ta sẽ bị che mất.
*****************************
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy có thể còn sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!