160Thứ Bảy, 29/04/2023, 12:52

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 29/04/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“CHƯƠNG II: PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ NIỆM PHẬT”

NÓI RÕ CÁC PHÁP TU TRÌ (PHẦN MỘT)

Chúng sanh có căn tánh khác biệt nên Phật phải nói ra rất nhiều pháp môn, chúng ta phải chọn lựa pháp môn phù hợp với căn tính của mình. Hòa Thượng nói: “Chúng ta đều mong cầu có phước huệ, kỳ thật là trong tự tánh của chúng ta đều có phước huệ đầy đủ một cách viên mãn. Hiện tại, phước huệ của chúng sanh không hiển lộ là do hai loại chướng ngại là phiền não chướng và sở tri chướng”. “Sở tri” là cái biết của chúng ta. Hàng ngày, chính phiền não và cái biết của chúng ta đã chướng ngại trí tuệ tròn đầy của chúng ta.

Hòa Thượng nói: “Phiền não chướng ngại phước đức, sở tri chướng ngại trí tuệ của chúng ta. Chỉ cần chúng ta phá trừ hai chướng này thì phước đức và trí tuệ của chúng ta liền hiện tiền. Chúng ta muốn phá trừ chướng thì chúng ta phải tu hành. Phước huệ vốn dĩ chính là tính đức, nếu chúng ta không tu đức thì phước huệ của tự tánh không thể hiện tiền”. Chúng ta có phiền não, có sân hận thì chúng ta đã thiêu đốt cả rừng công đức. Chúng sanh ngông cuồng nên họ cho rằng “cái biết” của mình là “thật biết”. Có những người còn cho rằng họ còn hiểu biết nhiều hơn Phật Bồ Tát. Chúng ta có năng lực tu hành thì phước đức, trí tuệ từ nơi tự tánh của chúng ta sẽ hiện tiền. Thí dụ, chúng ta muốn có phước thì chúng ta phải tích cực tu phước. Không phải chúng ta có tiền thì chúng ta mới có thể tu phước mà chúng ta có thể tu phước bằng cách bố thí nội tài hoặc ngoại tài. Bố thí ngoại tài chúng ta bố thí tiền tài. Bố thí nội tài là chúng ta bố thí năng lực, tài nghệ của mình.

Tôi xuất thân trong một gia đình nông dân, hàng ngày, Cha Mẹ tôi ra đồng từ 3 giờ sáng đến 8 giờ tối. Khi tôi học được một chút kiến thức thì tôi nghĩ ngay đến việc chia sẻ với mọi người. Tôi càng dạy học thì năng lực của tôi càng được nâng cao. Khi tôi được nghe đĩa của Hòa Thượng, tôi nhận thấy lời giảng của Ngài vô cùng hay nên tôi muốn dịch đĩa của Ngài để nhiều người được tiếp nhận. Ban đầu, tôi dịch và viết bằng tay, tôi đã viết hết hơn 10 cuốn vở 100 trang. Đây chính là tôi đã tích cực bố thí nội tài.

Chúng ta muốn tu phước thì chúng ta phải bố thí. Chúng ta tu đức bằng cách tu hành, chính là chúng ta đối trị, đuổi cùng diệt tận tập khí của mình. Hòa Thượng nói: “Tài, sắc, danh, thực, thùy, Địa ngục ngũ điều căn”. Nếu chúng ta chểnh mảng thì chúng ta sẽ bị tập khí dẫn dụ. Người xưa dạy: “Với người thì chúng ta phải khoan dung đến ba phần. Với tập khí, phiền não của mình thì chúng ta phải đuổi cùng, diệt tận”. Chúng ta không được để tập khí, phiền não của mình manh nha, dấy khởi.

Tối hôm qua, tôi dạy lớp chữ Hán nên 10 giờ tôi mới đi ngủ, sáng nay, khi chuông báo thức reo, ý niệm đầu tiên của tôi là tôi cảm thấy mình bị làm phiền. Ngay sau khi khởi ý niệm đầu tiên thì ý niệm thứ hai của tôi đó là, tôi nhận ra chuông báo thức đã reo đã đến giờ cần phải dậy. Tập khí của chúng ta rất đáng sợ! Từ khi tôi chuyển đến đây, gần 15 năm qua, tôi chưa bao giờ dậy sau hơn 4 giờ vậy mà tập khí của tôi vẫn còn nguyên. Chúng ta không đuổi cùng diệt tận thì chúng ta không thể khắc chế được tập khí. Chúng ta tu phước bằng cách bố thí, bố thí nội tài còn quan trọng hơn bố thí ngoại tài, phước của bố thí nội tài nhiều hơn phước của bố thí ngoại tài.

Hòa Thượng nói: Trên “Kinh Quán Vô Lượng Thọ” dạy người, trước tiên phải tu tam phước. Tri kiến này chính là trí tuệ chân thật. Nếu chúng ta nỗ lực làm thì chúng ta liền có phước. Chúng ta phải tin tưởng, tường tận đạo lý này mà từ đó phát tâm tu học”. Trên Kinh nói, phước đầu tiên là: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, tu thập thiện nghiệp”. “Phụng sự Sư trưởng” là chúng ta “y giáo phụng hành”, chúng ta làm y theo lời dạy của các Ngài. Người thế gian có tâm tư lợi nên họ cho rằng “phụng sự Sư trưởng” là lo lắng việc cơm, áo, gạo, tiền cho Sư trưởng.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta đều biết rõ Tam phước nhưng chúng ta không làm được bởi vì chúng ta chưa nhận biết đủ. Chúng ta nhận biết chưa đủ vì chúng ta chưa có trí tuệ. Nếu chúng ta nhận biết được một phần thì chúng ta chăm chỉ nỗ lực làm một phần, chúng ta nhận biết được hai phần thì chúng ta làm hai phần. Người hoàn toàn không chịu làm chính là người không có phước và huệ. Tu phước và tu huệ là hai thứ tương bổ, tương thành”. Nhà Phật nói: “Phước huệ song tu”. Chúng ta phải vừa tu phước, vừa tu huệ. Trong nhà Phật có câu: “A-La-Hán nếu không có phước thì khi đi khất thực cũng về tay không”. A-La-Hán là bậc đã chứng lẩu thận thông nhưng nếu các Ngài không có phước thì khi đi khất thực cũng không có người bố thí.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook