68Thứ Sáu, 28/04/2023, 15:37
30 · Chương II - Nói Rõ Về Cách Giữ Tâm - 4

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 28/04/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“CHƯƠNG II: PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ NIỆM PHẬT”

NÓI RÕ VỀ CÁCH GIỮ TÂM (PHẦN BỐN)

Thích Ca Mâu Ni Phật nói: “Trên bước đường giải thoát ta chỉ là kẻ dẫn đường còn các con phải tự đi!”. Phật nói ra phương pháp dù phương pháp đó tốt như thế nào nhưng chúng ta không thật làm thì chúng ta không thể có thành tựu. Chúng ta tu hành nhiều năm thì chúng ta sẽ nhận thấy tập khí, phiền não của chúng ta rất đáng sợ! Nếu chúng ta không nghĩ thiện thì chúng ta sẽ nghĩ ác, thậm chí chúng ta đang nghĩ thiện thì chúng ta cũng có thể chuyển ngay sang nghĩ ác. Chúng ta không dụng tâm thì chúng ta không thể vượt qua tập khí, phiền não của chính mình!

Hòa Thượng nói: “Chúng ta giúp đỡ một cá nhân hay một đoàn thể thì chúng ta phải nhớ lời giáo huấn của Đại Sư Thiện Đạo đó là: “Chúng ta phải làm tất cả mọi việc bằng tâm chân thành”. Đại Sư Thiện Đạo là vị Tổ sư thứ hai của Tịnh Độ Tông. Trong suốt 1200 chuyên đề, Hòa Thượng luôn nhắc chúng ta phải dùng tâm chân thành. Trong chuyên đề đầu tiên, Hòa Thượng nói: “Một ý niệm thiện khởi lên thì châu biến pháp giới, một ý niệm ác khởi lên cũng châu biến pháp giới”. Một ý niệm lợi ích chúng sanh hay một ý niệm lợi mình, hại người khởi lên thì ý niệm đó cũng châu biến pháp giới. Hàng ngày, chúng ta khởi niệm thiện hay niệm ác nhiều? Chúng ta khởi niệm có lợi cho mình, cái của mình thì đó là niệm ác. Chúng ta khởi niệm lợi ích cho chúng sanh thì đó là niệm thiện. Chúng ta phải khởi niệm thiện bằng tâm chân thành.

Hòa Thượng nhắc: “Chúng ta phải làm thật, không được làm giả!”. Sự khác nhau giữa “Chánh” và “”, “Ma” và “Phật” là ở chỗ thật và giả. Phật pháp chân chính từ trong tâm “Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi” lưu xuất ra. Hàng ngày, chỉ cần chúng ta có ý niệm tư lợi thì chúng ta đã dùng “hư tình, giả ý”. Nếu chúng ta không kiểm soát thì chúng ta sẽ rất dễ phạm phải điều này. Thí dụ, khi có 50 đứa trẻ bước ra khỏi lớp học, chúng ta thường sẽ nhìn thấy con của mình đầu tiên và quan tâm hơn đến con của mình nhiều hơn đây chính là chúng ta có tư tình.

Hòa Thượng nói: “Tâm của người thế gian là “hư tình, giả ý” cho nên tất cả những việc ở thế gian đều là hư vọng. Do vậy, người xưa nói: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” là ba cõi duy chỉ là tâm, muôn pháp duy chỉ là thức. Tâm sinh ra thức, suy tưởng. Hòa Thượng nhắc, chúng ta làm lợi ích cho cá nhân hay đạo tràng thì chúng ta phải làm bằng tâm chân thành, không làm giả. Điều này rất khó nhận ra! Hòa Thượng dạy chúng ta: “Việc tốt cần làm, nên làm, không công, không đức” nhưng chúng ta đôi khi làm việc tốt là để khẳng định cái “ta”.

Hôm qua, có người hỏi tôi, khi dây truyền sản xuất đậu ở Sóc Trăng lắp đặt xong thì tôi có vào Sóc Trăng để nghiệm thu không. Tôi nói, tôi không cần phải xuất hiện để báo công với ai. Chúng ta phải làm mọi việc bằng tâm chân thành. Sự khác biệt giữa Phật pháp và thế gian chính là ở chỗ “Chân” và “Giả”. Chúng ta phải quán chiếu thì chúng ta sẽ nhận ra. Một ý niệm trước chúng ta hoàn toàn vì chúng sanh nhưng nhiệm sau của chúng ta đã là ý niệm tư lợi, khoảng cách giữa hai niệm rất gần.

Người xưa nói: “Yểm ly Ta Bà, hân cầu Cực Lạc”. “Yểm ly” là xả ly thế giới Ta Bà. Chúng ta mang thân nghiệp chướng càng lâu thì chúng ta sẽ càng tạo nghiệp. Chúng ta đang tạo nghiệp sâu đến mức chúng ta sẽ bị đọa vào A Tỳ Địa Ngục. Tâm ban đầu của chúng ta rất tốt nhưng chúng ta thường không giữ được tâm ban đầu. Người xưa nói: “Nhất niên Phật tại thiền, nhị niên Phật tại hiên, tam niên Phật thăng thiên”. Năm đầu tiên khi chúng ta tu hành thì chúng ta nhìn thấy Phật ở trước mặt, năm thứ hai thì chúng ta nhìn thấy Phật ở ngoài hiên, năm thứ ba thì chúng ta không còn nhìn thấy Phật. Tâm của chúng ta đã hoàn toàn thay đổi. Hòa Thượng luôn nhắc: “Chúng ta phải từ ở nơi tâm chân thật mà làm!”.

Chúng ta đã làm một số việc trong nhiều năm, chúng ta đã nhìn thấy rõ kết quả thì chúng ta tập trung vào làm những việc đó. Nếu chúng ta bắt đầu làm một việc hoàn toàn mới thì chúng ta có thể sẽ làm sai. Chúng ta làm theo tập khí, phiền não của mình thì chắc chắn chúng ta sẽ làm sai. Chúng ta có đại căn, đại bệnh đó là chúng ta luôn vì “ta” và “cái của ta”. Chúng ta dính vào “ta” và “cái của ta” thì chúng ta sẽ phiền não. Phật dạy Bồ Tát phải nghĩ nhiều, làm nhiều việc vì chúng sanh. “Nghĩ nhiều cho chúng sanh” là Bồ Tát Đạo. “Làm nhiều việc vì chúng sanh” là Bồ Tát Hạnh.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook