72Thứ Năm, 27/04/2023, 11:04
29 · Chương II - Nói Rõ Về Cách Giữ Tâm - 3

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 27/04/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“CHƯƠNG II: PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ NIỆM PHẬT”

NÓI RÕ VỀ CÁCH GIỮ TÂM (PHẦN BA)

Người xưa dạy chúng ta: “Phải giữ tâm tốt, phải làm người tốt!”. Người làm được điều này là bậc thiện nhân. Bậc thiện nhân mới là người có đủ tư cách để học Phật. Phàm phu chúng ta khởi tâm động niệm đều vì ta, vì cái của ta. Nếu chúng ta vì ta, vì cái của ta thì chúng ta sẽ luôn luôn bị tập khí dẫn đạo. Hòa Thượng từng nói: “Người một lòng hướng đạo, một lòng muốn rời khỏi vòng sinh tử thì họ luôn có tâm nhẫn nhường”.

Hòa Thượng nói: “Ngài Lục Tổ Huệ Năng nói: “Nếu là người chân thật tu hành thì không thấy lỗi thế gian”. Người có tâm vì việc lớn sinh tử thì họ sẽ có tâm cảnh giác cao độ”. Người không có tâm cảnh giác cao độ thì họ sẽ dễ bị chi phối bởi tập khí, phiền não của chính mình. Chúng ta ngày ngày chìm đắm trong “tài, sắc, danh, thực, thùy”, bị chi phối bởi “hỷ, nộ, ai, ố, ai, lạc, dục” nên chúng ta quên đi ý niệm vượt thoát sinh tử. Người có tâm vì việc lớn sinh tử thì họ sẽ không dính mắc vào những việc thế gian. “Đốn luân tận phận”, nghĩa là chúng ta dốc hết trách nhiệm trong vai trò trách nhiệm của của mình, làm ra biểu pháp cho chúng sanh nhưng chúng ta không dính mắc trong tâm. Hòa Thượng nói: “Thuận cảnh, nghịch cảnh tất cả đều là tùy duyên. Thuận cảnh cũng tốt, nghịch cảnh cũng tốt!”. Chúng ta không bị thuận cảnh lôi cuốn, không bị nghịch cảnh làm cho chán ghét, tâm của chúng ta chỉ chú trọng đến việc vượt thoát sinh tử.

Hòa Thượng nói: “Người niệm Phật chúng ta phải coi vãng sanh là việc cấp bách, cần thiết nhất! Ngoài việc cầu vãng sanh không có bất cứ việc gì đáng để chúng ta bận tâm!”. Người niệm Phật chúng ta phải xem việc niệm Phật là việc quan trọng hàng đầu. Những việc buồn vui, thương ghét, giận hờn đều là những việc không quan trọng, không đáng để tâm. Hòa Thượng nhắc chúng ta, tâm cảnh của một người niệm Phật cầu vãng sanh, đây cũng là lý do người niệm Phật rất đông nhưng người có thể vãng sanh rất ít. Ngày nay, người niệm Phật không coi việc cầu vãng sanh là việc quan trọng nhất. Hàng ngày, chúng ta dụng tâm như thế nào? Chúng ta vẫn đọc những lời phát nguyện cầu vãng sanh nhưng đó chỉ là những lời hư tình, giả ý, không phải lời thật lòng. Nếu chúng ta quán tưởng trước mặt chúng ta không phải là tượng Phật làm bằng xi-măng mà là một vị Phật thật thì chúng ta dụng tâm sẽ khác!

Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta là người chân thật có tâm từ bi, khi chúng ta gặp các đồng tham, đạo hữu làm trái quy định, phá giới, làm việc ác thì chúng ta chẳng những bao dung mà chúng ta còn dùng trí tuệ, dùng thiện xảo khéo léo nhất để cảm hóa họ. Đây chính là tâm đại từ, đại bi”. Tâm của Phật là tâm từ bi. “Từ bi” là yêu thương, bao dung, tha thứ bằng tâm chân thành. Nếu chúng ta không có tâm từ bi thì chúng ta không có tâm Phật. Chúng ta không có tâm Phật thì dù chúng ta tu hành hay chúng ta làm việc thiện thì chúng ta cũng không thể tương ưng với Phật. Hàng ngày, chúng ta vẫn nhận thấy người khác phạm quy, phá giới, làm ác nhưng chúng ta không nhìn thấy chính mình cũng đã phạm quy, phá giới, làm ác, đây chính là đại bệnh, bệnh lớn nhất của phàm phu chúng ta. Chúng ta luôn thấy người khác bất tuân, bất kính nhưng chúng ta không thấy mình cũng đang bất tuân, bất kính. Chúng ta phải chân thật phản tỉnh điều này!

Trước đây, tôi có giảng đề tài có tên là: “Phật hiệu có thể gián đoạn nhưng Phật tâm không thể gián đoạn”. “Phật tâm” là tâm Phật. Tâm Phật là tâm từ bi vô điều kiện. Nếu tâm Phật của chúng ta gián đoạn thì mọi việc chúng ta làm đều là Ma sự, chúng ta làm vì “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham, sân, si, mạn”. Hòa Thượng từng nói: “Người hết lòng, hết dạ hoằng dương Phật pháp, phục vụ chúng sanh thì đó cũng là họ đang làm việc của Phật. Người như vậy thì một ngày, họ chỉ cần niệm một vài câu Phật hiệu thì đã tương ưng với Phật”. Nếu chúng ta còn tâm “tự tư tự lợi” thì chúng ta đang không vì chúng sanh mà chúng ta vì mình mà vãng sanh. Chúng ta vì mình mà vãng sanh thì chắc chắn chúng ta không thể vãng sanh!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook