Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 06/01/2024
****************************
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC
Phần 3 Chương 12
GIẢI ĐÁP PHẬT HỌC NGHI VẤN
BÀI 34: PHÁT NGUYỆN
Hòa Thượng nói: “Người thế gian không phân biệt được giữa phát nguyện và tâm nguyện. Tâm nguyện là vọng tưởng, là vì chính mình. Phát nguyện là chúng ta phát tâm làm những việc cụ thể lợi ích chúng sanh. Phát nguyện là tuỳ duyên, tâm nguyện luôn luôn là cưỡng cầu”. Chúng ta vì mình mà làm, mà lo nghĩ thì đó là chúng ta có tâm nguyện, vọng tưởng. Chúng ta vì người mà làm thì đó là chúng ta phát nguyện. Khi duyên chưa chín muồi mà chúng ta cố gắng cưỡng cầu thì chúng ta sẽ phiền não. Chúng ta thường không có sức định để nhận ra chúng ta đang cưỡng cầu, phan duyên.
Trên Kinh nói: “Phật pháp như một cơn mưa rào, cây lớn thì hấp thụ được lượng nước lớn, cây nhỏ thì sẽ hấp thụ được lượng nước ít hơn”. Chúng ta huân tập Phật pháp dài lâu thì chúng ta mới có thể phản tỉnh. Điều này giống như khi chúng ta đi trong sương, chúng ta không cảm thấy ướt nhưng nếu chúng ta đi trong thời gian dài thì chúng ta sẽ bị ướt.
Hòa Thượng nói: “Phật pháp gọi là phát nguyện. Người thế gian gọi là tâm nguyện. Tâm nguyện chính là dục vọng. Trên “Kinh Kim Cang” đã nói rất rõ về “Tứ hoằng thệ nguyện”, nếu chúng ta lìa khỏi bốn kiến thì đó là chúng ta chân thật phát nguyện. Chúng ta tùy duyên thì đó là chúng ta phát nguyện, chúng ta phan duyên thì đó là chúng ta có dục vọng”. Chúng ta không thấy mình làm bất cứ việc gì thì đó là chúng ta phát nguyện. Chúng ta dính mắc vào ta, thấy cái ta thì đó là chúng ta có tâm nguyện, dục vọng, vọng tưởng. Chúng ta quán sát xem chúng ta đang vì chính mình hay vì chúng sanh?
Có người hỏi Hòa Thượng, trong quá trình hoằng pháp lợi sinh, Ngài có gặp chướng ngại gì không. Hòa Thượng suy nghĩ một lát và trả lời là Ngài không gặp bất cứ chướng ngại nào. Nếu chúng ta tất cả vì chúng sanh thì chúng ta sẽ không có chướng ngại, chúng ta vì chính mình thì chúng ta mới có chướng ngại. Ở Sơn Tây, bên cạnh khu đào tạo của chúng ta có một mảnh đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm nên rắn rết hay làm tổ ở mảnh đất đó, chúng ta phát quang cỏ và trồng chuối trên mảnh đất đó, chúng ta trồng chuối giúp chủ đất, chúng ta không đòi hỏi phải được thu hoạch thì chúng ta sẽ không có chướng ngại. Nếu chúng ta muốn thu hoạch chuối cùng với họ thì có thể họ sẽ không vui.
Nguyên nhân của chướng ngại, khổ đau đều do chính mình. Chúng ta cảm thấy buồn phiền, bực tức, bệnh khổ đều do chúng ta có “cái ta”. Nếu chúng ta không có “cái ta” thì mọi việc ở thế gian sẽ bình lặng. Tất cả mọi chướng ngại đều do tâm, do nhận biết sai lầm của chúng ta. Nếu chúng ta có cái thấy, cái biết như Phật Bồ Tát đã dạy thì chúng ta sẽ không có chướng ngại. Chúng ta chấp “cái ta” chính là chúng ta “tư lợi”. Chúng ta buông bỏ “cái ta” là chúng ta buông bỏ “tư lợi”.
Cái chúng ta đáng được hưởng mà chúng ta không hưởng, chúng ta cho đi thì chúng ta không bao giờ mất. Nếu chúng ta biết rõ, chúng ta cho đi thì chúng ta cũng không bao giờ mất thì chúng ta sẽ không chấp trước. Những thứ chúng ta cho đi là vật chất, nếu chúng ta biết chuyển vật chất thành công đức, phước báu thì chúng ta là người có trí tuệ. Người không có trí tuệ thì cố gắng giữ lấy những thứ giả tạo. Hòa Thượng từng nói: “Chúng ta có phước báu, công đức thì chúng ta ở cõi nào chúng ta cũng có thể thọ hưởng. Chúng ta có vật chất thì chúng ta chỉ được sử dụng trong cõi người”. Khi chúng ta mất đi thân người, chúng ta không mang được bất cứ thứ gì. Nhà Phật nói: “Vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân”. Khi chúng ta mất chúng ta không mang theo được thứ gì ngoài nghiệp. Chúng ta tạo nghiệp thiện thì chúng ta đi vào ba đường thiện để hưởng phước, chúng ta tạo nghiệp ác thì đi vào ba đường ác để thọ báo.
Phật Bồ Tát, Tổ Sư Đại Đức luôn thong dong tự tại, còn chúng ta luôn cảm thấy khổ đau. Hòa Thượng từng nói: “Nếu chúng ta và Phật nắm tay nhau cùng đi, khi tiếp xúc với những cảnh duyên khác nhau, tâm của Phật Bồ Tát vẫn thanh tịnh, tâm của chúng ta thì bị ô nhiễm”. Cho dù Phật Bồ Tát tiếp xúc với mọi cảnh duyên thì tâm các Ngài vẫn thanh tịnh, vô nhiễm.