59Thứ Sáu, 05/01/2024, 19:16

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 05/01/2024

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 12

GIẢI ĐÁP PHẬT HỌC NGHI VẤN

BÀI 33: TỪ THIỆN XÃ HỘI

Hòa Thượng đi đến nhiều nơi trên thế giới, Ngài thấy nhiều người làm việc thiện không đúng như pháp, nhiều người làm việc thiện vì danh lợi. Ngày nay, nhiều người sợ tiền của mình bị người khác biển thủ không đến được người khó khăn nên họ không làm từ thiện nữa. Hòa Thượng nói: “Phát ý viên thành”. Chúng ta chỉ cần khởi ý thì đã là viên mãn. Chúng ta phát tâm làm việc bằng tâm chân thành thì sự việc đó đã viên mãn.

Khi chúng ta phát tâm làm việc từ thiện là chúng ta đã đồng cảm được với chúng sanh khổ nạn, chúng ta không cần quan tâm đến tiền có đến tay người nhận hay không. Nếu nhiều người cùng phát tâm chân thành thì sẽ tạo ra mảng từ trường thiện lành khiến thiên tai, nhân họa có thể chậm lại. Hòa Thượng từng nói: “Chúng ta khởi một ý niệm thiện hay một ý niệm ác thì ý niệm đó đã châu biến pháp giới”. Hằng ngày, chúng ta chỉ cần chân thành khởi lên một ý niệm thiện thì chúng sanh khổ nạn đã được nương nhờ. Chúng ta khởi lên ý niệm bất thiện thì chúng ta sẽ góp phần tạo thành thiên tai, nhân họa. Chúng ta ngồi ở trong nhà nhưng chúng ta khởi ý niệm “tự tư tự lợi” thì ý niệm này sẽ cộng dồn với những ý niệm bất thiện khác tạo thành thiên tai, nhân họa. Ý niệm bất thiện của chúng ta đã giống như “một giọt nước tràn ly”. Chúng ta khởi ý niệm thiện lành thì chúng ta giúp việc tốt sắp xảy ra sẽ được xảy ra. Chúng ta khởi ý niệm ác thì sẽ khiến cho một việc xấu sắp xảy ra sẽ xảy ra.

Hòa Thượng từng nói: “Hằng ngày, chúng ta không làm phiền chúng sanh thì đã là phước cho chúng sanh rồi! Chúng ta đừng nghĩ là chúng ta đang làm lợi ích cho chúng sanh”. Hằng ngày, chúng ta không khởi lên ý niệm bất thiện thì đã là phước cho chúng sanh. Ý niệm “danh vọng lợi dưỡng”, “tự tư tự lợi”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham, sân, si, mạn” chính là ý niệm bất thiện. Chúng ta khởi lên ý niệm bất thiện thì chúng sanh sẽ bị hại. Chúng ta là người học Phật, học chuẩn mực Thánh Hiền mà chúng ta còn có ý niệm bất thiện vậy thì những người không được học thì họ sẽ chìm đắm trong “cơm gạo áo tiền”, họ sẽ luôn đấu tranh để tìm cầu danh lợi. Xung quanh chúng ta được bao trùm bởi từ trường xấu ác, chúng ta ở trong mảng từ trường này thì chúng ta không thể thoát khỏi kiếp nạn. Hòa Thượng từng nói: “Xung quanh chúng ta được bao trùm bởi mảng từ trường xấu ác vậy thì chúng ta không gặp nạn thì ai gặp nạn!”.

Hòa Thượng nói: “Thế gian có rất nhiều tai nạn nhưng nhiều người không dám đi cứu tế những người bị nạn vì họ sợ tiền của họ không đến tay người bị nạn. Nhiều người không dám làm việc cứu tế mà đứng nhìn những người khổ nạn chết vì đói, lạnh. Nếu chúng ta làm như vậy thì chúng ta đã cảm tình dụng sự. Đây là chúng ta không có tâm chân thật từ bi.”. Tôi rất xót xa khi nghe nói ở một vùng miền nào đó học sinh không có dép để đi, Thầy cô và học sinh phải ăn cơm với muối. Có người cho rằng do những người đó không có phước nên họ phải sống trong hoàn cảnh như vậy. Đây là chúng ta không có tâm đồng cảm với chúng sanh khổ nạn, chúng sanh khổ nạn thì họ mới cần chúng ta phát tâm đại bi cứu giúp. Nhiều người cúng dường Phật rất nhiều, họ cho rằng Phật có thể ban phước cho họ. Chúng ta cứu giúp chúng sanh khổ nạn mới là chúng ta chân thật cúng dường Phật.

Người không được dạy thì họ sẽ không biết cách để tu phước, vì không biết tu phước nên họ phải chịu khổ nạn. Mỗi chúng sanh đều có tính Phật, họ không được tiếp nhận sự giáo dục nên họ không phát khởi được tính Phật vậy thì họ rất đáng thương! Chúng ta phải dùng phương tiện thiện xảo để tiếp cận chúng sanh khổ nạn. Thế gian có rất nhiều chúng sanh cang cường, họ khổ nạn nhưng họ không cần cứu giúp, nhưng chúng ta vẫn cần cứu giúp họ.

Hằng ngày, chúng ta không cần vọng tưởng, chúng ta chỉ cần làm hết sức thì chúng sanh đã được nhờ, chúng ta không cần làm những việc quá lớn lao. Thí dụ, hôm qua, tôi đi qua vườn rau thổ canh, trong vườn rau có rất nhiều lá bắp cải, su hào, tôi hái về làm hai thùng dưa muối, hôm nay tôi có thể tặng dưa cho mọi người. Tôi khởi tâm, rau ngon, sạch, bổ dưỡng, nếu tôi không làm tặng mọi người thì rau này sẽ bỏ đi một cách lãng phí. Chúng ta phải phát được tâm vì người lo nghĩ, không hoang phí, tiết kiệm những thực phẩm có được. Nhiều người đang sống một cách rất hoang phí, thậm chí có những người được tặng rau cũng rất hoang phí. Thí dụ, khi được tặng rau thuỷ canh, có những người cắt bỏ một đoạn rất dài, họ không cảm nhận được công sức của những người trồng rau. Đây là chúng ta đang lãng phí phước báu của chính mình.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook