109Thứ Năm, 04/01/2024, 21:41

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 04/01/2024

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 12

GIẢI ĐÁP PHẬT HỌC NGHI VẤN

BÀI 32: TỰ ĐỘ VÀ ĐỘ THA

Nhiều người cho rằng “tự độ” và “độ tha” là hai việc tách biệt, đây là cách hiểu sai lầm, có những người tu hành nhiều năm hay người dẫn dắt đạo tràng cũng hiểu sai về việc này. Hôm nay, tôi sẽ đọc nguyên văn những lời khải thị của Hòa Thượng, nếu chúng ta có sự ngộ nhận thì chúng ta phải mau sửa đổi. Hòa Thượng nói: “Trên “Kinh Đại Thừa” nói con người phải tự độ và sau đó mới có thể độ tha. Lời của Phật nói có hàm nghĩa rất sâu rộng, một số người cắt chương đoạn ngữ nên họ hiểu sai lời dạy của Phật, họ cho rằng, trước tiên phải độ mình sau đó mới độ người”.

Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta phân việc tự độ, độ tha thành hai việc thì chúng ta đã sai rồi! Đẳng Giác Bồ Tát vẫn phải tự độ chỉ có Phật mới có thể độ tha. Trước khi chúng ta chưa giác ngộ, chưa minh tâm kiến tánh độ tha chính là tự độ, chúng ta độ tha để chúng ta học tập, sửa đổi, tự làm mới”. Chúng ta nhắc nhở người khác tu học chính là chúng ta nhắc nhở chính mình. Khi chúng ta “độ tha” là lúc chúng ta tự học tập, sửa đổi, làm mới chính mình. Rất nhiều người ngộ nhận về điều này, đoạn khai thị này đặc biệt quan trọng với người học Phật, nhiều người hiểu sai về việc này nên họ không làm những việc lợi ích chúng sanh.

Hôm trước, có một nhóm người ở một địa phương đến gặp tôi, họ nói họ muốn mở trường ở địa phương của họ. Tôi nói, việc này cần có những người ở địa phương phát tâm làm, nếu chúng ta đưa những người ở nơi có phong tục, tập quán, ngôn ngữ khác biệt đến thì người địa phương đó sẽ khó chấp nhận. Sau khi nghe tôi nói, họ không có ý định mở trường nữa, họ không muốn phát tâm làm vì họ cho rằng, trước tiên phải tự độ, sau khi tự độ thì mới độ tha, đây là cách hiểu sai lầm nghiêm trọng!

Hòa Thượng nói: “Trước khi chúng ta minh tâm, kiến tánh, mỗi ngày chúng ta giảng Kinh, thuyết pháp, chúng ta nhìn thấy thính chúng ở dưới giảng đường đều là lão sư, là bậc thiện tri thức, là giám học, là người giám sát của chúng ta”. Chúng ta phải luôn cẩn trọng trong lời nói, việc làm, lời nói và việc làm của chúng ta phải tương ưng. Người thế gian nói: “Biển học mênh mông”. Khi chúng ta chưa học thì chúng ta luôn thấy mình giỏi, chúng ta càng học thì chúng ta càng thấy mình không biết gì, chúng ta thấy mình chưa học được gì thì chúng ta càng phải nỗ lực học tập. Chúng ta trải qua hơn 1000 giờ học tập thì chúng ta mới có thể thấu hiểu về việc này! Trước khi chúng ta minh tâm, kiến tánh thì chúng ta phải y theo giáo huấn của Phật Bồ Tát, giáo huấn của Thánh Hiền.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta ở trên giảng đài là chúng ta đang hướng đến lão sư, bậc thiện tri thức, giám học báo cáo những việc chúng ta đã học, đã làm để mọi người phê bình, chỉ giáo. Chúng ta dùng tâm thái này để đứng trên giảng đường thì đây chính là chúng ta tự độ”. Rất nhiều người hiểu sai từ “tự độ”, họ cho rằng chính mình thành tựu rồi thì mới đi độ người.

Hòa Thượng nói: “Khi chúng ta đại triệt, đại ngộ, minh tâm, kiến tánh thì chúng ta nhìn thính chúng dưới giảng đài là học sinh, đó chính là chúng ta độ tha. Chúng ta độ tha và tự độ ở ngay trong giảng đường, trong mọi sự việc, nếu chúng ta rời xa quần chúng để cầu tự độ thì việc tự độ không thể thành công. Chỉ có Phật giảng Kinh thuyết pháp là độ tha, Thập Địa Bồ Tát, Đẳng Giác Bồ Tát giảng Kinh, nói pháp đều là tự độ”. Nhiều người rời xa quần chúng để tự độ, đó là họ đã tự tư, ích kỷ, chỉ cầu an cho mình, không nỗ lực vươn lên. Chúng ta làm như vậy thì chúng ta giống như con tằm tự tạo kén để quấn chặt mình, khi chúng ta ở trong kén thì chúng ta cảm thấy an ổn, khi chúng ta ra ngoài thì chúng ta sẽ động tâm.

 Hôm trước, tôi ở thành phố Hồ Chí Minh ba ngày sau đó tôi quay về Đà Lạt, mấy hôm sau, từ Đà Lạt tôi về Vĩnh Long, tôi qua chùa Phước Hậu để kiểm tra công tác chuẩn bị quà tặng, chuẩn bị thức ăn cho ngày Lễ Vía Phật A Di Đà. Sau đó, tôi về thăm nhà của Hạnh Quang, đây là cách tôi tri ân người học trò này, đây là một người có nghĩa khí, sau khi tôi không dịch đĩa của Hòa Thượng nữa thì Hạnh Quang cũng không đọc đĩa của bất cứ ai khác, chú đã học để trở thành một Thầy thuốc. Ngày Lễ Vía Phật A Di Đà, tôi dẫn mọi người đi kinh hành, lạy Phật, sau đó, tôi di chuyển về Cần Thơ. Ở Cần Thơ, tôi ở một nhà Cư sĩ vì tôi muốn giúp người này phát tâm mở lớp kỹ năng sống. Tôi nói với họ một cách mạnh mẽ rằng, người ở địa phương phát tâm đứng ra mở lớp thì chúng ta sẽ hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn cách làm. Hôm nay, tôi chuẩn bị di chuyển ra Hà Nội, tôi đã chuẩn bị lá để gói bánh tặng các Thầy Cô ở Vinh và ở Hà Tĩnh. Chúng ta chỉ cần phát tâm làm vì chúng sanh thì năng lực của chúng ta sẽ dần dần được hoàn thiện. Chúng ta phải làm lợi ích chúng sanh trên mọi phương diện. Chúng ta phải làm ra tấm gương để chúng sanh sinh tâm ngưỡng mộ và phát tâm học tập.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook