Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 01/01/2024.
******************************************
TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC
Phần 3
Chương 12
GIẢI ĐÁP HỌC PHẬT NGHI VẤN
BÀI 29: SIÊU ĐỘ
Hòa Thượng nói: “Tôi đã từng giảng qua Tam Thời Hệ Niệm. Vì sao phải giảng? Nếu không giảng thì mỗi người không khế nhập được cảnh giới.” Ta làm pháp hội là phải khế nhập được cảnh giới thì pháp hội đó mới thù thắng.
Hòa Thượng cho biết: “Người xưa dạy đọc Kinh, nghiên giáo thì phải Tùy Văn Nhập Quán.” Tùy Văn Nhập Quán chính là phải khế nhập được cảnh giới.
Ngài phân tích rằng những huấn từ khai thị trong lúc làm pháp hội “lời văn mà không hiểu thì làm sao khế nhập được cảnh giới. Cho nên nhất định phải đem phương pháp nói cho rõ ràng để mọi người tham dự có thể lý giải và hiểu thấu.
“Nếu chân thật vào được cảnh giới thì việc làm của chúng ta mới chuyển thành công đức, phước báu. Vậy thì người cần được siêu độ mới chân thật được độ.
“Vì vậy, chúng ta làm bất cứ một pháp sự gì hay việc gì thì mỗi người cần phải hiểu thấu nội dung của nó thì việc làm của mình mới đạt kết quả tốt nhất”.
Hôm trước chúng ta lạy Phật, chỉ cần lạy chứ đừng khởi tâm mong muốn “đây là cái lạy sau cùng”. Làm như vậy rất mệt mỏi. Như vậy là chưa bước vào cảnh giới. Trước đây có một vị cư sĩ nói với chúng tôi rằng Thầy ấy lạy Phật tám tiếng mà cảm giác chỉ có 10 phút.
Đó mới là bước vào cảnh giới định không thể nghĩ bàn. Chính vì thế nên Thầy chuyển đổi được hoàn cảnh của mình. Thầy có một khối u trong bao tử, không thể mổ vì vỡ ra là chết nên quyết tâm lạy Phật một ngày tám tiếng. Người ta nghĩ lễ Phật thì vận động khối u sẽ vỡ thế mà nó không vỡ, nó mất tiêu.
Cũng vậy, ta lên lớp dạy các con một cách say mê thì một ngày qua đi nhanh chóng, không thấy mệt mỏi. Như vậy là khế nhập cảnh giới. Cho nên khi thực hiện công tác siêu độ mà thành tâm thành ý tụng Kinh niệm Phật sẽ tạo thành một năng lực chuyển hóa rất mạnh mẽ.
Hòa Thượng nhắc đến câu chuyện tướng Thích Kế Quang triều nhà Minh. Trong trận chiến nhiều binh sĩ chết trận. Trong đó có một binh sĩ báo mộng cầu xin ông siêu độ vì ông là tín đồ Phật giáo kiền thành, chuyên đọc Kinh Kim Cang.
Ông đã hết mình tụng một bộ Kinh Kim Cang. Tối đó vị binh sĩ báo mộng rằng con chỉ nhận được nửa bộ Kinh nên việc siêu độ chưa viên mãn. Ông nhớ lại là trong lúc tụng thì người hầu mang nước đến, ông xua tay với ý rằng “không dùng”. Như vậy tụng Kinh đã xen tạp. Hôm sau ông tụng lại và lần này không thấy người lính đó đến báo mộng.
Cho nên công việc siêu độ, đâu có quá rườm ra như chúng ta vẫn thấy. Tổ chức quá đông người, làm chỉ với tâm vọng cầu hoàn toàn trên hình thức từ việc thắp hương, viết sớ, đốt sớ phải thế này, thế kia mới đúng. Tuy nhiên, kết quả lại không như chúng ta mong muốn.
Những câu chuyện Hòa Thượng nhắc cho thấy công việc siêu độ phải do chính những người con thành tâm thành ý thực hiện. Họ phải chuyển đổi từ nơi chính mình, từ ác thành thiện, từ mê thành ngộ, từ phàm thành thánh. Chỉ khi chuyển ác thành thiện thì thân bằng quyến thuộc cho dù đang ở cõi nào cũng được nương nhờ.
Công tác siêu độ sẽ phải tiến hành nhiều lần trong thời gian dài vì chúng ta sẽ phải đưa tiễn người thân ra đi. Đây là một thực tế. Cũng giống câu chuyện của một vị quỷ La Sát mất con đến cầu Phật cứu sống. Phật đồng ý với điều kiện bà ta hãy mang đến nắm tro trong gia đình nào không có người mất và tất nhiên, bà ta không tìm được.
Khi đối diện với thực tế người thân chúng ta sẽ dần dần ra đi như vậy, nếu chúng ta không làm đúng giáo huấn của Phật thì sẽ không có kết quả siêu độ mà có thể hao tốn nhiều tài lực.