Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 25/04/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”
“CHƯƠNG II: PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ NIỆM PHẬT”
NÓI RÕ VỀ CÁCH GIỮ TÂM (PHẦN MỘT)
Nếu chúng ta giữ được tâm như tâm của Phật Bồ Tát thì khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế, hành động tạo tác của chúng ta mới có thể tương ưng với Phật. Hòa Thượng nói: “Người thế gian làm việc gì thì đó là việc của họ còn chúng ta phải làm tốt bổn phận của mình!”. Tổ Ấn Quang cũng dạy chúng ta: “Đốn luân tận phận”. Dốc hết trách nhiệm trong vai trò, trách nhiệm của mình. Chúng ta có rất nhiều bổn phận như bổn phận làm Cha Mẹ, làm Thầy, làm một người con, làm một công dân. Hòa Thượng nhắc, chúng ta đừng quản việc của người, chúng ta chỉ cần quản việc của mình, làm tốt bổn phận của mình.
Hàng ngày, tôi đều đi tặng quà mọi người sống quanh đây, tôi cũng thường xuyên thăm hỏi, tặng quà những người có ân tình với mình ở khắp nơi. Chúng ta thường lơi là, chểnh mảng nên chúng ta không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình. Hàng ngày, chúng ta thường cảm thấy không đủ thời gian để tận trách nhiệm, bổn phận vì chúng ta dành quá nhiều thời gian để vọng tưởng. Người xưa nói: “Mãn lý thâu nhàn”. Trong lúc chúng ta bận rộn nhất thì chúng ta vẫn có thể rút ra được thời gian để làm một việc gì đó.
Tổ Ấn Quang dạy chúng ta: “Nhàn tà tồn thành”. Lúc rảnh rỗi chúng ta giữ tâm chân thành, chuẩn mực, không để tâm chúng ta chạy rông. Chúng ta không có thời gian niệm Phật vì chúng ta dành quá nhiều thời gian để vọng tưởng. Chúng ta có thời gian làm những việc không cần thiết nhưng chúng ta không đủ thời gian làm những việc có ích.
Buổi sáng, sau khi học xong, tôi chỉ mất thời gian khoảng 5 phút để pha xong một ly sữa, nướng xong bánh hoặc nấu xong mỳ. Sau khi tôi đọc bài cúng Ông Bà, tôi đi ra vườn dọn dẹp, sau đó tôi quay về ăn sáng. Hàng ngày, chúng ta thường mất rất nhiều thời gian vào việc nấu nướng, dọn dẹp thậm chí chúng ta không có thời gian phục vụ bản thân. Nếu chúng ta không biết sắp xếp thời gian thì chúng ta không thể có thời gian hoằng dương Phật pháp, tiếp nối giáo dục Thánh Hiền. Hàng ngày, chúng ta đều đang tiêu hao phước báu trong vận mạng của mình chứ chúng ta không thể tích công, bồi đức. Hòa Thượng nói: “Hàng ngày, chúng ta đừng làm phiền chúng sanh đã là tốt cho chúng sanh rồi chứ chúng ta đừng nói là chúng ta độ chúng sanh!”.
Chúng ta có mặt ở thế gian là nhờ ơn đức, ơn tình của rất nhiều người ở thế gian. Chúng ta đã làm gì để chúng ta đền trả ơn đức này? Chúng ta đang không làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Hòa Thượng nhắc: “Chúng ta phải làm thật tốt những bổn phận, trách nhiệm của mình để làm ra biểu pháp, làm ra tấm gương cho chúng sanh!”.
Hòa Thượng nói: “Khổng Lão Phu Tử cũng dạy học trò tôn chỉ là làm người phải tận trách nhiệm, tận bổn phận. Chúng ta là người tu học, bổn phận của người tu học căn cứ theo “Kinh Vô Lượng Thọ” dạy đó là, chúng ta phải thực tiễn “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi” trong cuộc sống; hàng ngày, chúng ta phải đề khởi được: “Nhìn thấu, buông xả, tự tại, tùy duyên, niệm Phật”. Tổ Sư Thiện Đạo dạy chúng ta: “Tất cả mọi việc chúng ta đều phải làm bằng tâm chân thành nhất!”.
Hòa Thượng nói: “Đại sư Chương Gia dạy chúng ta: “Người học Phật, bất cứ sự việc gì trong cuộc sống cũng đều giao cho Phật Bồ Tát, Thần Hộ Pháp an bài”. Chúng ta không cần bận tâm đến cơm gạo, áo tiền mà chúng ta chỉ cần toàn tâm, toàn lực vì Phật pháp, vì chúng sanh phục vụ. Nhiều người hiểu lầm câu nói này, họ giao tất cả mọi việc cho Phật Bồ Tát an bài, còn bản thân họ thì tìm đến chỗ an nhàn để sống trong sự lười biếng, vọng tưởng. Chúng ta phải toàn tâm toàn lực hy sinh phụng hiến, phục vụ chúng sanh thì Phật Bồ Tát, Thần Hộ Pháp mới an bài cho chúng ta.
Từ Thích Ca Mâu Ni Phật đến các đời Tổ Sư Đại Đức đều không chọn cuộc sống an nhàn, hưởng thụ chờ đến ngày vãng sanh mà các Ngài luôn hy sinh phụng hiến vì chúng sanh. Thích Ca Mâu Ni Phật suốt 49 năm rong ruổi khắp nơi để giảng Kinh nói Pháp cho chúng sanh. Hòa Thượng nói một câu khiến tôi rất cảm động: “Các vị tra trong Đại Kinh xem trong suốt 49 năm, Thích Ca Mâu Ni Phật có ngày nào nghỉ hè không?”. Ở Ấn Độ, thời tiết rất khắc nghiệt, nhiệt độ có thời điểm lạnh đến cắt thịt nhưng cũng có lúc nắng nóng như thiêu đốt. Nếu chúng ta đều tìm nơi an nhàn, trải qua ngày tháng thì đời sau, Phật pháp sẽ ra sao?