Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, Chủ Nhật, ngày 24/12/2023
**********************************
TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC
Phần 3
Chương 12
GIẢI ĐÁP HỌC PHẬT NGHI VẤN
BÀI 21: CHỐN TU DƯỠNG
Hòa Thượng chỉ dạy “Tu hành là phải giữ tâm thanh tịnh. Đây là điều quan trọng nhất. Nếu vì bất kỳ hình thức nào mà đánh mất tâm thanh tịnh thì sai rồi!”
Ngài chia sẻ: “Phàm phu nhất định sẽ bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh. Cho nên cần chọn lựa hoàn cảnh tốt. Nếu mình không có công phu, không đối trị được hoàn cảnh thì chúng ta bị cảnh chuyển”.
“Bị cảnh chuyển” nghĩa là tâm mình bị chuyển đổi theo cảnh duyên bên ngoài. Người ta thường gọi đây là “Tâm tùy cảnh chuyển”. Còn “Cảnh tùy tâm chuyển” nghĩa là hoàn cảnh bên ngoài bị chi phối và thay đổi bởi tâm mình.
Hòa Thượng nói thêm rằng: “Nếu chúng ta có thể “Cảnh tùy tâm chuyển” thì không hề gì. Chúng ta ở nơi hoàn cảnh nào cũng tốt vì nơi nào chúng ta cũng sẽ chuyển cảnh chứ không phải để cảnh chuyển mình”.
Hiện tại chúng ta đang thúc đẩy giáo dục Thánh Hiền. Nếu vì việc này mà động tâm, làm hỏng tâm thanh tịnh thì việc phục vụ chúng sanh không tốt mà chính mình còn bị đọa lạc. Tâm thanh tịnh là cảnh giới mà người tu hành cần đạt tới.
Phật Bồ Tát không phân biệt chấp trước nên tâm các Ngài thanh tịnh khiến hoàn cảnh xung quanh theo sự thanh tịnh ấy mà trở nên vô cùng tốt đẹp, do đó, bất kỳ nơi nào cũng là chốn tu hành và phục vụ chúng sanh của các Ngài.
Hòa Thượng nói: “Nơi tu hành hay đạo tràng của Phật Bồ Tát, tổ sư đại đức là tận hư không khắp pháp giới”.
Phật Bồ Tát không dính mắc vào nơi chốn tu hành, còn chúng ta phân biệt nơi này là của mình, nơi kia của người khác. Đây là điểm cực kỳ quan trọng vì nó trói buộc chúng ta.
Hòa Thượng nói: “Ta có chỗ của ta thì tâm ta dính mắc trong lục đạo luân hồi. Nếu tâm ta không có nơi nào vướng bận thì tâm mới an trụ nơi đạo.”
Một khi tâm thanh tịnh không dính mắc vào nơi chốn thì nơi tu hành mới có thể rộng khắp. Hòa Thượng nói: “Người chân tu thì chốn tu hành của họ là tận hư không khắp pháp giới. Vậy thì thật là tự tại.”
Tuy nhiên, tâm không chế và chiếm hữu lại khiến chúng ta dính mắc vào “cái ta tự tư tự lợi” và “cái của ta”. Để tháo gỡ việc này, hãy thực tập coi việc của người giống như việc của mình và làm tốt việc nhà mình mà không vướng bận thì cũng làm như thế với việc nhà người.
Bậc chân tu như Hòa Thượng đã biểu pháp cho sự tự tại này khi Ngài không có “Đạo tràng”. Ngài nói: “Đạo tràng của tôi là chiếc máy camera. Tôi đi đến đâu thì những chiếc máy cũng đi theo. Mỗi ngày tôi giảng Kinh đều từ trên mạng mà truyền phát đi. Đây chính là chốn tu dưỡng của tôi”.
Chốn tu dưỡng của Ngài là mô hình “Đạo tràng” thế kỷ 21, truyền tải Phật pháp qua mạng Internet. Hành giả ở bất kỳ vị trí nào cũng có thể cùng nghe pháp, niệm Phật. Ngài đến đâu thì nơi đó có phòng thu hình đạt chuẩn để ngài giảng pháp.
Hòa Thượng từng tâm sự rằng: “Tôi đến nhân gian này như một lữ khách và khi tôi ra đi như một lữ khách”. Lời nói này của Ngài cũng chính là cương lĩnh của người học Phật, rời xa cương lĩnh này là sai rồi.
Ngài nói làm khách thì tự tại còn làm chủ thì không. Giống như ở thuê trong khách sạn là người chủ lo toan hết. Cũng vậy, ta làm khách ở nơi nào đó để giảng dạy một chuyên đề theo yêu cầu rồi rời đến nơi khác mà không dính mắc.
Cho nên chúng ta nghe pháp là để được Hòa Thượng nhắc nhở. Nếu không nghe, chúng ta không biết cách làm đúng và không điều phục được tập khí phiền não. Khống chế và chiếm hữu là phiền não lớn nhất trong ta khiến ta mất tâm thanh tịnh, ngày càng rời xa đạo.