Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 23/12/2023
****************************
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC
Phần 3 Chương 12
GIẢI ĐÁP PHẬT HỌC NGHI VẤN
BÀI 20: CHỐN TU DƯỠNG
Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta có đạo tràng thì chúng ta sẽ có rất nhiều việc ở thế tục cần phải làm, chúng ta sẽ bị mất đi tâm thanh tịnh”. Chúng ta làm nhiều việc thế tục thì tâm thanh tịnh của chúng ta sẽ bị nhiễu loạn. Thế Tôn đã làm ra tấm gương cho chúng ta, Ngài bôn ba khắp nơi, không có nơi ở cố định, việc này giúp Ngài giữ gìn tâm thanh tịnh. Có những người trước đây không có nơi để tu hành nhưng khi họ có nhiều nơi chốn để tu hành thì họ cho rằng đó là Phật A Di Đà ban cho họ. Đây là do tâm tham cầu của chúng ta. Nơi chốn tu hành phải là nơi mọi người chân thật tu học theo đúng như lý, như pháp. Khi chúng ta có nơi nào đó của mình thì chắc chắn tâm thanh tịnh của chúng ta sẽ bị nhiễu loạn. Khi đó, người bên ngoài sẽ nhìn thấy chúng ta rất động.
Hòa Thượng nói: “Tốt nhất là chúng ta không nên có nơi nào, nếu chúng ta tìm để có được một nơi thì đó là chúng ta đang tự tìm phiền phức. Nếu chúng ta muốn xây dựng một nơi nào đó để tu hành thì tốt nhất là chúng ta nên dựng một am tranh để chúng ta quay về tịnh dưỡng. Nếu chúng ta đi khắp nơi để hóa duyên vì chúng ta tìm cầu một nơi xa hoa, lộng lẫy thì chúng ta sẽ phải nhận trách nhiệm nhân quả.
Hòa Thượng từng nói: “Chúng ta đến các nơi để hoằng pháp, trong vòng một năm chúng ta có thể đi đến mười nơi, hai mươi nơi, sau khi đi hoằng pháp chúng ta lại quay về nơi để chúng ta tịnh dưỡng, tu tập”. Hôm trước, tôi đến thành phố Hồ Chí Minh, sau khi động viên, nhắc nhở mọi người xong thì tôi trở về nhà. Tôi được mọi người mời ở lại để tham gia đại hội thể dục thể thao ở Bình Dương và gặp gỡ hai trường mầm non nhưng những việc này không cần thiết, các cô tự làm được nên tôi không cần tham dự. Chúng ta phải biết việc nào quan trọng hơn, tuần sau, tôi phải dẫn mọi người đảnh lễ 500 lạy trong ngày Lễ vía Phật A Di Đà và tổ chức đại lễ tri ân Cha Mẹ, vợ chồng ở thành phố Cần Thơ nên tôi phải giữ gìn sức khỏe. Khi tôi đi ra ngoài công tác, việc ăn uống, thời tiết cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ của tôi. Chúng ta có nơi chốn nguy nga, nơi chốn lớn thì tâm “danh vọng lợi dưỡng” của chúng ta sẽ càng lớn, nơi chốn càng lớn thì những việc thế tục như được mất, tốt xấu, phải trái, đúng sai sẽ diễn ra ngày càng nhiều.
Nhà Phật thường nói: “Một hạt cơm của thí chủ nặng như núi Tu Di, đời này chúng ta không liễu đạo thì đời sau chúng ta mang lông, đội sừng để trả nợ!”. Chúng ta nhận bất cứ thứ gì của người khác thì chúng ta cũng gọi người đó là thí chủ. Chúng ta nhận sự tiện nghi do người khác sắp đặt, ban cho thì chúng ta phải gánh trách nhiệm nhân quả. Nếu chúng ta toàn tâm toàn ý vì chúng sanh phục vụ thì chúng ta không phải nhận nhân quả.
Khi tôi đến thành phố Hồ Chí Minh, tôi không có tâm cần cầu là mình sẽ ở nơi đâu, có người nói rằng, họ cảm thấy được khích lệ tinh thần khi tôi đến ở nhà họ nên họ cần cầu tôi đến. Họ gắn chìa khoá từ ngôi nhà của họ vào chùm chìa khoá của tôi và nói rằng, khi nào tôi đến thành phố Hồ Chí Minh thì tôi hãy đến đó để ở. Tôi đã từ chối nhưng họ vẫn âm thầm gắn chìa khoá nhà của họ vào chùm chìa khoá của tôi. Hòa Thượng nhắc, chúng ta không cần thiết phải xây dựng một nơi lộng lẫy, xa hoa, nếu mỗi năm, tôi đến các trường trong một tuần, sau đó tôi về nhà nghỉ ngơi thì tôi sẽ đi mất thời gian của một năm. Buổi sáng hôm qua, sau khi tôi nói với người chủ nhà là tôi sẽ trở về nhà, mọi người trong gia đình đều năn nỉ tôi ở lại. Tôi nói với mọi người, tôi đã nói là sẽ làm, dù ai có có năn nỉ thì tôi cũng sẽ không thay đổi ý định.
Mỗi chúng ta đều đang thừa hưởng ân đức rất lớn của Phật Bồ Tát của Thánh Hiền, của những người trong xã hội. Hôm vừa rồi, có một vị Bác sĩ đã nhắn tin cho Ban truyền thông của hệ thống là sau khi anh đọc cuốn “Những tấm gương đức hạnh”, anh cảm thấy rất xấu hổ. Nếu nhiều người được đọc về những tấm gương đức hạnh của dân tộc thì nhiều người sẽ phản tỉnh và sẽ “đốn luân tận trách”, dốc hết trách nhiệm trong vai trò, trách nhiệm của mình. Nếu mọi người đều dốc hết trách nhiệm làm việc thì đất nước của chúng ta sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp. Chúng ta đều đang thừa hưởng ân đức của Cha Mẹ, Thầy Cô, của Quốc gia và những người thành toàn cho chúng ta. Đây cũng chính là công đức của các “thí chủ”. Quốc gia, Cha Mẹ, Thầy Cô và rất nhiều người thành toàn cho chúng ta chính là các “đại thí chủ”, “đại ân nhân” của chúng ta. Hằng ngày, bác nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để làm ra hạt gạo, bác phu đường ngày ngày lao nhọc làm đường và rất nhiều người đang đổ mồ hôi, nước mắt giúp chúng ta có cuộc sống tiện nghi, hiện đại.