133Thứ Bảy, 23/12/2023, 16:05
258 · Giải Đáp Phật Học Nghi Vấn - Bài 19 - Chốn Tu Dưỡng

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 22/12/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 12

GIẢI ĐÁP PHẬT HỌC NGHI VẤN

BÀI 18: CHỐN TU DƯỠNG

   Hòa Thượng nói: “Đạo tràng là chốn để chúng ta tu dưỡng. Chúng ta nhất định phải học thì chúng ta mới trở thành người có đạo. Ở cư sĩ Lâm Singapore, mọi người trì danh niệm Phật, trong niệm Phật đường mọi người niệm Phật không gián đoạn, giảng đường ngày ngày giảng Kinh nói pháp đây là đạo tràng có đạo. Chúng ta ngày ngày tu học thì chúng ta mới có thể trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường”. Ngày ngày, chúng ta phải nghe Kinh, nghe pháp thì chúng ta mới lĩnh hội, tiếp nhận được giáo học của Phật. Nếu chúng ta tu mù, luyện quáng hoặc chúng ta làm theo người khác mà không có đạo lý, phương pháp thì chúng ta nhất định sẽ làm sai. “Ba đường” là cõi Địa ngục, Ngạ quỷ và Súc sanh. “Trên đền bốn ơn nặng” là chúng ta báo ân Phật, ân Cha Mẹ, ân Quốc gia và ân của những người thành toàn cho chúng ta. Nếu chúng ta không làm như lý, như pháp mà làm theo tập khí, phiền não thì chúng ta chỉ tạo thêm nghiệp. Chúng ta tiếp tục tạo nghiệp thì chúng ta không thể cứu được chính mình, không thể cứu được chúng sanh ở ba đường. Hòa Thượng thường nói: “Hằng ngày, chúng ta đừng nghĩ là chúng ta đang độ chúng sanh, chỉ cần chúng ta không làm phiền chúng sanh đã là tốt cho chúng sanh rồi”.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta bình lặng quán sát, tỉ mỉ tư duy, Thích Ca Mâu Ni Phật và các đại đệ tử đều ngày ngày tự thân thúc liễm, không ngừng nâng cao cảnh giới, đồng thời ngày ngày giảng Kinh nói pháp cho chúng sanh. Ngoài hai việc này ra các Ngài không làm bất cứ việc gì khác. Cư sĩ Duy Ma Cật nói được rất hay: “Tâm thanh tịnh, tâm từ bi chính là đạo tràng”. Đạo tràng không cần chú trọng ở hình thức. Người thế gian chỉ làm đạo tràng ở trên hình thức, chúng ta là những người cần cầu giải thoát, chúng ta không làm những việc đó!”. Chúng ta muốn có tâm thanh tịnh thì chúng ta phải xả bỏ những tập khí, phiền não của chính mình. Chúng ta muốn có tâm từ bi thì hằng ngày, chúng ta đối nhân xử thế tiếp vật, hành động tạo tác, làm những việc nhỏ nhất, đều phải trên nền tảng tâm từ bi. Nếu chúng ta không có tâm từ bi thì chúng ta sẽ làm thương tổn người khác. Chúng ta làm trái với giáo huấn của Phật, của Thánh Hiền thì chúng ta đã làm thương tổn người khác. Chúng ta tặng người một món đồ thì chúng ta phải quán sát xem họ dùng tâm gì để tiếp nhận, nếu họ dùng tâm tham tiếp nhận thì chúng ta phải giáo huấn, nhắc nhở họ. Chúng ta không giúp người thoả mãn tâm tham mà chúng ta phải dùng tâm yêu thương để giúp họ. Người thế gian “cùng hung cực tham” nếu họ tham như vậy thì họ sẽ phải đi vào cõi Ngạ quỷ, họ sẽ vô cùng khổ.

Hòa Thượng nói: “Đối với Đại sư Liên Trì của Thiền Tông nơi chốn tu hành, mọi sự, mọi việc đều là tùy duyên thành tựu. Đạo tràng của Ngài không đi hóa duyên, tự nhiên mà thành tựu. Nếu chúng ta tự đi quyên góp thì đó chính là chúng ta có dục vọng, tham cầu không phải nguyện lực. Chúng ta có dục vọng thì chúng ta không thể độ được chúng sanh, tương lai chính chúng ta sẽ đọa vào tam đồ. Việc này trên Kinh “Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo” đã nói được rất rõ ràng”. “Tùy duyên thành tựu” là đủ duyên thì việc sẽ hình thành, không có một chút tâm cưỡng cầu, phan duyên. Chúng ta khởi lên tham cầu thì chính chúng ta mất đi tâm thanh tịnh. Chúng ta không thể giúp được chính mình thì chúng ta không thể giúp được chúng sanh. Đây chính là “lưỡng bại câu thương”, đôi bên đều bị hại. Hằng ngày, khi chúng ta làm bất cứ việc gì chúng ta cũng khởi tâm mong cầu. Thí dụ, chúng ta muốn việc thành công, việc diễn ra nhanh, đây chính là chúng ta có dục vọng, tham cầu. Hòa Thượng nói: “Chúng ta làm mọi việc bằng tâm chân thành thì sẽ có Long Thiên Thiện Thần gia hộ, chư Phật Bồ Tát an bài giúp chúng ta nên mọi việc đều sẽ diễn ra tốt đẹp”.

Hòa Thượng nói: “Ở Cư sĩ Lâm, người từ trên xuống dưới đều giữ một mảng hoà khí. Đây là như trong ngạn ngữ nói: “Gia hòa vạn sự hưng”. Cho dù là một đạo tràng nhỏ thì chúng ta cũng phải giữ một mảng hoà khí”. Một đoàn thể, một đạo tràng có hoà khí thì mọi việc sẽ thành công. “Hoà khí” mọi người trong đoàn thể từ trên xuống dưới đều cùng nhau tu học, cùng nhau tuân thủ chuẩn mực, giáo huấn của Cổ Thánh Tiên Hiền, của Phật. Ở thế gian, nhiều người thường nói lời khách sáo, khen tặng, tặng quà người khác để đạt được mục đích của mình. Chúng ta làm mọi việc bằng tâm chân thành thì chúng ta sẽ tạo ra một mảng từ trường an lành, mọi người đều cảm thấy được an ổn, được bảo hộ. Có những nơi, khi chúng ta bước vào chúng ta sẽ cảm thấy từ trường nơi đó không an ổn. Khi tôi tiếp xúc với mọi người, tôi sẽ cảm nhận được tâm của họ có an hay không. Nếu tâm chúng ta luôn ở trạng thái bất an thì chúng ta học Phật pháp, học chuẩn mực Thánh Hiền đều không thể có thành tựu. Người thế gian mong cầu “danh vọng lợi dưỡng” nên họ luôn cạnh tranh, đấu tranh, do vậy tâm họ luôn không an ổn.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook