Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ nhật, ngày 17/12/2023
****************************
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC
Phần 3 Chương 12
GIẢI ĐÁP PHẬT HỌC NGHI VẤN
BÀI 14: ĐẠO DƯỠNG SINH
Hòa Thượng nói: “Cổ Thánh Tiên Hiền buổi sáng ăn được ngon, buổi trưa ăn được no, buổi tối ăn ít. Cho nên nhà Phật nửa ngày ăn một bữa là rất có đạo lý. Hiện tại, nhiều người buổi tối không ăn nên sức khỏe của họ không tốt nguyên nhân do họ có quá nhiều vọng tưởng”. Ban ngày chúng ta hoạt động nên chúng ta rất cần năng lượng. Chúng ta thường tiêu hao 90% năng lượng bởi vọng tưởng, phiền não. Khi chúng ta ngủ các cơ quan đều hoạt động chậm lại, hệ thống tiêu hoá nghỉ ngơi nên cơ thể không cần tiêu thụ nhiều năng lượng. Khi chúng ta có tuổi chúng ta sẽ có cảm nhận rõ ràng, nếu chúng ta ăn no quá chúng ta sẽ cảm thấy khó tiêu, mệt, khó ngủ.
Hòa Thượng nói: “Ăn uống là bổ sung băng lượng, mỗi người có tình trạng tiêu hao năng lượng khác nhau, chúng ta tiêu hao từ 90% đến 95% năng lượng bởi vọng tưởng”. Chúng ta tiêu hao năng lượng chủ yếu do vọng tưởng nên những vị tu hành có sức định có thể ngồi thiền đến 20 ngày mà không cần ăn. Nếu chúng ta nhiều vọng tưởng mà chúng ta không ăn chiều thì thân thể của chúng ta sẽ ngày càng yếu. Nhiều người không ăn chiều nhưng họ cố ăn nhiều vào buổi trưa, cách làm này trái ngược với đạo dưỡng sinh. Buổi tối, chúng ta ăn ít, không ăn quá no là được. Hơn 10 năm nay, tôi chỉ ăn đến 80 phần no.
Một vị Tổ sư của Thiền Tông cũng từng nói: “Đói ăn, khát uống, mệt ngủ khì”. Đây là trạng thái tự tại không bị sai khiến bởi tập khí, phiền não. Chúng ta nên ăn lượng thức ăn phù hợp tình trạng cơ thể, ăn trong sự chủ động, không để bị sai khiến bởi dục vọng. Chúng ta kiểm soát được dục vọng thì chúng ta sẽ không bị béo phì, mệt mỏi. Chúng ta chỉ nên ngủ vừa đủ, chúng ta thường ngủ li bì, không ngủ trong trạng thái an tịnh nên chúng ta ngủ nhiều vẫn mệt. Nhiều người chỉ cần ngủ 15 phút là khoẻ mạnh, tỉnh táo.
Hòa Thượng nói: “Ngày xưa, người tu hành có ít vọng niệm nên họ không muốn ăn, tâm họ không khởi tham muốn. Tâm địa của họ thanh tịnh nên mỗi ngày chỉ cần một chút thức ăn là đủ bổ sung nhu cầu của cơ thể. Người có quá nhiều vọng tưởng thì không thể làm được điều này, nếu họ không cung cấp đủ năng lượng thì sức khoẻ của họ sẽ có vấn đề”. Người tâm lý bị loạn động thì cơ thể của họ cần bổ sung nhiều năng lượng. Người tâm địa thanh tịnh thì cần ít năng lượng. Những người tu hành chứng đạo thì họ có thể ngồi thiền trong 7 ngày, 21 ngày mà không cần ăn.
Thích Ca Mâu Ni Phật một ngày ăn một hạt mè. Tâm địa của Ngài thanh tịnh nên Ngài chỉ cần một năng lượng rất nhỏ để kích năng lượng. Trong ngày, nếu chúng ta chỉ ăn một bữa nhưng khi chúng ta chuẩn bị đi ngủ mà chúng ta bị cơn đói bức bách thì đây do tâm chúng ta chưa thanh tịnh. Chúng ta ăn không phải để thỏa mãn tâm tham cầu mà để trị bệnh đói. Chúng ta ngủ vừa đủ để các cơ quan được nghỉ ngơi. Có những người hôn trầm rất nghiêm trọng, đây là do nghiệp chướng nên họ phải tích cực lạy sám hối.
Hòa Thượng nói: “Một số người ăn một bữa nhưng họ ăn lượng thức ăn của ba bữa ăn trong một bữa. Chúng ta ăn như vậy thì chúng ta nhất định bị đau bao tử!”. Trên mặt hình thức, chúng ta tưởng chúng ta làm như vậy là chúng ta đã làm được nửa ngày ăn một bữa. Đây là chúng ta đã rơi vào tâm hư danh. Có những trưởng tràng muốn làm ra biểu pháp nên họ một ngày ăn một bữa nhưng họ không cảm thấy tự tại.
Khi chúng ta quá đói hay chúng ta quá no thì chúng ta đều vọng tưởng. Chúng ta quá đói thì chúng ta nghĩ đến thức ăn, chúng ta quá no thì chúng ta bị hôn trầm. Người xưa nói: “Căng da bụng chùng da mắt”. Chúng ta không cần ăn quá no. Chúng ta không ăn chiều nhưng chúng ta vẫn khởi lên mong muốn được ăn thì điều này chứng tỏ cơ thể của chúng ta đang rất cần năng lượng. Mỗi bữa chúng ta ăn một bát cơm kèm rau, canh thì chúng ta đã no đến 80 phần, chúng ta ăn như vậy thì chúng ta sẽ không phải đối trị cơn đói. Cơ thể của chúng ta không cần quá nhiều tinh bột. Điều quan trọng là chúng ta đối trị tâm tham chứ không phải chúng ta thay đổi hình thức tham. Chúng ta phải đối trị tâm tham ăn, tham ngủ, tham danh lợi.