42Chủ Nhật, 17/12/2023, 13:28
252 · Giải Đáp Phật Học Nghi Vấn - Bài 13 - Đạo Dưỡng Sinh

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 16/12/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 12

GIẢI ĐÁP PHẬT HỌC NGHI VẤN

BÀI 13: ĐẠO DƯỠNG SINH

  Chúng ta có bệnh độc là do tâm của chúng ta không thanh tịnh, từ bi. Trong bài hôm qua, Hòa Thượng nói: “Tâm thanh tịnh có thể đề kháng bệnh độc, tâm từ bi có thể hoá giải được bệnh độc”. Hằng ngày, chúng ta chìm trong những bệnh độc là mê hoặc, vọng tưởng, phiền não, những bệnh độc này là căn gốc của mọi thứ bệnh nhưng chúng ta không chú tâm đến. Trên thân chúng ta có một vết thương nhỏ thì chúng ta cũng đã nhận ra, thí dụ chúng ta bị gai đâm thì chúng ta liền nhận ra. Bà Hứa Triết nói, mỗi lần chúng ta khởi tức giận thì ba ngày sau độc tố trong người chúng ta mới tiêu mất. Hằng ngày, chúng ta vẫn để mình nổi cơn giận vài lần, thậm chí vài chục lần. Đây là bệnh độc trong thân chúng ta nhưng chúng ta không quan tâm đến nó.

Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta có thể buông xả những thứ bệnh độc này thì thân thể của chúng ta không cần bổ phẩm, cũng không cần khắc ý để bảo dưỡng, thân thể của chúng ta tự nhiên sẽ khoẻ mạnh”. Hòa Thượng từng nói: “Tôi chưa từng uống bổ phẩm hay nước uống có màu”. Khi Hòa Thượng 80 tuổi, da của Ngài vẫn căng bóng, không có đồi mồi. Những bổ phẩm Ngài được tặng, Ngài đều đưa cho mọi người dùng. Xã hội hiện đại, con người càng có nhiều tiền thì họ càng sử dụng nhiều bổ phẩm.

Ông ngoại tôi, thân thể rất cường tráng, vạm vỡ, ông tự tại ra đi, không có bệnh khổ. Hằng ngày, ông ăn cơm chay với rau củ quả trong vườn, chấm bằng muối trắng, ớt. Ông chưa từng ăn thực phẩm chay đã qua chế biến. Thời kỳ đó, chiến tranh diễn ra rất khốc liệt Ông Bà ngoại tôi đã phải di dời qua 24 ngôi nhà khác nhau. Bà ngoại tôi cũng ăn chay trường, khuôn mặt Bà rất phúc hậu, cuộc sống khó khăn nhưng Bà luôn lạc quan. Đây là do tâm Ông Bà thanh tịnh, vô tư, không có mong cầu. Bà nội tôi cũng rất hiền, bà niệm Phật, ăn chay trường, Bà luôn mỉm cười, đời sống của bà giản dị, Bà không có bệnh khổ. Ngày tôi còn nhỏ, khi Bà nội tôi đi ăn chay, đi chùa thì đều dẫn tôi theo, tôi chưa từng nhìn thấy bà tức giận hay mắng ai. Hiện tại, tôi được tặng nhiều bổ phẩm nhưng tôi cũng không nhớ để uống, mọi người đừng nên mua những thứ này cho tôi!

Hòa Thượng nói: “Chúng ta thuận với tự nhiên thì thân thể của chúng ta tự sẽ khỏe mạnh, chúng ta khắc ý, mong cầu bảo dưỡng thân thể thì chúng ta đã làm trái với tự nhiên. Trong lịch sử đã có rất nhiều bậc Đế Vương, đại phú, trưởng giả dùng tâm lực để bảo dưỡng sắc thân của mình nhưng họ vẫn là thân đầy bệnh khổ, tuổi thọ rất ngắn. Nguyên nhân của việc này là do tâm lý của chúng ta không khỏe mạnh thì mọi thứ bảo dưỡng đều không có ích gì!”. Hòa Thượng cũng đã làm ra tấm gương cho chúng ta, cuộc sống của Ngài rất đơn giản. Hòa Thượng từng chia sẻ, mỗi bữa Ngài chỉ ăn rau xanh và một chén cháo. Ngài Lý Bỉnh Nam ăn uống cũng rất đơn giản, mỗi bữa, Ngài thường dùng một chiếc nồi nhỏ nấu mỳ với rau.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta muốn thân tâm mạnh khỏe, tự tại, hạnh phúc thì chúng ta phải nghe lời giáo huấn của Phật, đó là chúng ta đoạn phiền não, chuyển đổi ý niệm hay chính là chuyển đổi quan niệm của chính mình”. Những ý niệm “tự tư tự lợi”, ý niệm hơn thua, được mất rất độc hại với thân tâm của chúng ta. Thánh Hiền xưa đã dạy chúng ta: “Nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định”. Một bữa ăn, một ngụm nước đều do phước báu trong vận mạng đã tiền định. Chúng ta không cần có ý niệm mong cầu cho bản thân mà chúng ta chỉ cần hết lòng phục vụ chúng sanh, phục vụ xã hội là được. Tổ Ấn Quang đã dạy chúng ta: “Đốn luân tận phận”. Dốc hết trách nhiệm trong vai trò trách nhiệm của mình. Chúng ta phải làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, làm ra được tấm gương cho cộng đồng, cho xã hội. Chúng ta không làm gì mà chúng ta để mọi việc thuận theo vận mệnh thì chúng ta đã sai!

Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, Ba tôi phải làm việc rất vất vả, “một nắng hai sương”, một năm Ba tôi cấy được ba vụ lúa nên nhà tôi không bao giờ thiếu gạo, những nhà khác phải ăn cơm độn bo bo, khoai, sắn thì nhà tôi vẫn được ăn gạo trắng. Hằng ngày, Ba tôi đã phải đi làm từ 3 giờ sáng, khoảng 9 giờ tối Ba tôi mới trở về nhà. Tôi nhìn thấy sự lam lũ của Ba nên tôi học được đức tính này, tôi đã luôn nỗ lực để có thể thay đổi cuộc sống. Hiện tại, tôi “tâm nghĩ sự thành” vì tôi không nghĩ cho mình và cũng không nghĩ điều gì lớn lao. Chúng ta đã lắp đặt được một số lò đậu và vườn rau, tôi nghĩ đến việc cần có người làm, cần có đậu, cần có hạt giống, dinh dưỡng trồng rau thì những điều này tự có. Hiện tại, các chương trình chúng ta tổ chức đều diễn ra thuận lợi, chúng ta không cần kêu gọi vận động tài trợ.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook