Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 15/12/2023
****************************
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC
Phần 3 Chương 12
GIẢI ĐÁP PHẬT HỌC NGHI VẤN
BÀI 12: ĐẠO DƯỠNG SINH
Mọi sự, mọi vật ở thế gian đều vận hành theo những nguyên lý, nguyên tắc nhất định. Chúng ta thuận theo những nguyên lý, nguyên tắc thì đó là chúng ta thuận đạo. Trong tu hành, chúng ta thuận đạo thì chúng ta sẽ đạt được thành tựu, trong đời sống, chúng ta thuận đạo thì chúng ta làm mọi việc đều thuận lợi, trôi chảy. “Đạo” là chuẩn mực, là đường đi. Chúng ta đi đúng đường thì chúng ta sẽ đi đến nơi. Chúng ta đi nhiều con đường khác nhau thì chúng ta giống như chúng ta đứng ở ngã ba, ngã bảy.
Ngày trước, có một bà cụ hỏi tôi, bà đã quy y sáu lần vậy thì bà quy y thêm một lần nữa có được không. Tôi nói, bà quy y thêm một lần nữa cũng được, bà đang đứng ở ngã sáu thì giờ có thêm một ngã nữa cũng không sao! Chúng ta không có một con đường nhất định thì chúng ta không thể đi đến nơi. Ở thế gian, ông bà ta cũng đã nói: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Chúng ta thông thạo một nghề thì nghề đó nhất định có thể nuôi sống chúng ta.
Hòa Thượng nói: “Phật pháp nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Tâm lý khoẻ mạnh thì sinh lý liền sẽ không có bệnh tật. Người tâm lý thanh tịnh, từ bi thì không dễ cảm nhiễm những bệnh truyền nhiễm ở thế gian”. “Sinh lý” là thân vật chất. Thân vật chất được dẫn đạo bởi tâm lý. Người tinh thần vui vẻ, sảng khoái thì cơ thể cũng sẽ khoẻ mạnh. Người luôn cảm thấy buồn bã thì cơ thể của họ sẽ có bệnh. Tâm chúng ta bị ô nhiễm nên chúng ta dễ bị nhiễm bệnh. Có người hỏi Hoà Thượng là liệu họ có thể vãng sanh được không. Hòa Thượng nói: “Chúng ta có thể vãng sanh được hay không thì chúng ta tự mình biết, việc này chúng ta không cần hỏi người khác!”. Chúng ta quán sát, hiện tại chúng ta có còn vướng bận việc ở thế gian hay không? Có người nói, họ đã xả bỏ hết tài sản ở thế gian nhưng họ vẫn còn vướng bận vào đứa cháu nội. Người cháu này cũng sẽ làm tâm của họ không còn thanh tịnh, cản trở họ tự tại ra đi.
Hòa Thượng nói: “Tâm thanh tịnh có thể đề kháng bệnh độc, tâm từ bi có thể hoá giải được bệnh độc”. Ngày nay, tâm của con người ngày càng trở nên vô cảm. Đêm hôm qua, khi tôi đi vệ sinh, tôi nhìn thấy một con chuột bị rơi vào trong bồn cầu, tôi định khi trời sáng tôi sẽ vớt nó, khi tôi nhận thấy, mình đang đắp chăn bông dày mà mình vẫn cảm thấy lạnh, nếu con chuột tiếp tục bị ướt thì nó sẽ chết. Sau đó, tôi quay lại và dùng tất, túi ni-lông cầm con chuột đặt ra ngoài. Đây là chúng ta khởi được tâm từ bi với chúng sanh.
Hiện tại, chúng ta vẫn bị bệnh vậy thì tâm của chúng ta chưa thanh tịnh. Tâm tịnh tương ưng với cõi tịnh. Tâm chúng ta chưa thanh tịnh thì chúng ta còn rất xa với thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta phải phản tỉnh về việc này, chúng ta thường tưởng rằng chúng ta niệm Phật, làm nhiều việc công đức nên chúng ta đã có thể về được thế giới Tây Phương Cực Lạc. Ở thế gian, chúng ta cũng thường tự cho rằng chúng ta làm được việc, chúng ta đang ở đẳng cấp nào đó. Phật Bồ Tát bình đẳng đối đãi với tất cả chúng sanh, tâm chúng ta đủ thanh tịnh thì khi chúng ta lâm chung, Phật A Di Đà và Thánh chúng sẽ đến tiếp dẫn chúng ta. Tâm chúng ta không thanh tịnh thì chúng ta sẽ đọa lạc, Phật cũng không thể thương tình cứu giúp chúng ta! Chúng ta còn vướng bận con cái, tài sản thì khi Phật đến đón, chúng ta cũng sẽ không muốn đi.
Hòa Thượng nói: “Người chân thật có trí tuệ có thể điều tiết tình trạng thân thể của chính mình”. Nếu cơ thể của chúng ta đang nóng, nhiệt mà chúng ta ăn nhiều đồ nóng thì chúng ta sẽ sinh bệnh. Tôi ăn uống rất đơn giản, nếu cơ thể tôi dư chất gì thì tôi sẽ không ăn những thức ăn có chứa chất đó nữa. Nếu chúng ta không điều tiết thân tâm, chúng ta thỏa mãn những yêu cầu của thân về ăn, ngủ thì chúng ta sẽ đọa lạc. Những điều làm tâm chúng ta dễ ô nhiễm thì chúng ta nên xa lánh. Tổ Sư Đại Đức tu hành có đạo lực nhưng các Ngài vẫn tìm về chốn tịch tịnh để tu hành. Chúng ta dễ bị cám dỗ bởi “tài, sắc, danh, thực, thuỳ” nhưng chúng ta không biết bảo vệ thân tâm của chính mình bằng cách viễn ly những thứ cám dỗ này.