30Thứ Sáu, 15/12/2023, 08:21
250 · Giải Đáp Phật Học Nghi Vấn - Bài 11 - Nhiều Văn Hóa Sắc Tộc

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 14/12/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 12

GIẢI ĐÁP PHẬT HỌC NGHI VẤN

BÀI 11: NHIỀU VĂN HOÁ SẮC TỘC

  Hòa Thượng nói: “Tất cả chúng sanh cũng giống như tế bào trong mỗi bộ phận của cơ thể. Các chủng tộc, mỗi nền văn hoá khác nhau cũng giống như các bộ phận khác nhau của cơ thể, tạo nên một thể sinh mạng hoàn chỉnh tốt đẹp, viên mãn”. Nếu cơ thể của chúng ta thiếu một bộ phận thì nó sẽ không thể tồn tại. Nếu một bộ phận trong cơ thể bị bệnh thì cả cơ thể sẽ bị ảnh hưởng. Thí dụ, chỉ cần một bộ phận trên cơ thể như vòm họng, gan hay phổi bị ung thư thì cơ thể sẽ chết.

Nếu chúng ta không phân biệt, không chấp trước thì chắc chắn chúng ta sẽ không có phiền não. Nếu chúng ta bình đẳng đối đãi với tất cả các bộ phận trong cơ thể mình thì trong cuộc sống, chúng ta cũng phải đối đãi một cách hài hoà với tất cả mọi người. Chúng ta thường tự cho mình là trung tâm, không quan tâm đến những người xung quanh. Ngày nay, con người dần trở nên vô cảm, trơ trơ như gỗ đá, không cảm nhận được khổ đau của những người xung quanh. Chúng ta không có tâm đồng cảm với chúng sanh khổ nạn, chúng ta có tâm phân biệt, chấp trước thì chúng ta chưa thể bước vào được cảnh giới của Phật.

Hòa Thượng từng nói, ngày trước, có một bài báo ở Singapore có tiêu đề là: “Tham thúc đẩy xã hội tiến bộ”. Hòa Thượng nói, xã hội cạnh tranh, đấu tranh khốc liệt là xã hội của ngạ quỷ, không phải là xã hội của con người. Ngày nay, hầu hết mọi người đều tham, đều “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng” nên họ cho rằng làm như vậy là hợp lý. Hiện tại, Chính phủ nước ta đề xướng phong trào “lá lành đùm lá rách”, tương thân tương ái, nếu mọi người biết yêu thương nhau thì cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp.

Chúng ta tích cực tặng rau, tặng đậu cho mọi người, những người được nhận đều rất vui. Có những người nghi ngờ việc làm của chúng ta nhưng nghi ngờ là việc của họ còn chúng ta vẫn sẽ tiếp tục làm những việc vì cộng đồng. Đây là chúng ta đang thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Các cụ của chúng ta đã nói: “Bánh ít đi, bánh quy lại”. Chúng ta cho đi thì mọi người sẽ đáp lại chúng ta bằng tâm yêu thương, quan tâm chân thành. Người xưa cũng nói: “Người ăn thì còn, con ăn thì hết”. “Còn” ở đây là chúng ta cho đi thì chúng ta còn tình nghĩa, còn mối quan hệ thân tình.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta chân thành yêu thương, giúp đỡ các chủng tộc, các nền văn hoá khác nhau, đây chính là chúng ta đang “thực tiễn” như trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói. Trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói đến Tín, Giải, Hành, Chứng, “thực tiễn” chính là “chứng”. Chúng ta phải thực tiễn những lời dạy trên Kinh một cách cụ thể, thiết thực. Nhiều người chỉ nói trên miệng nhưng hành động của họ thì “tự tư ích kỷ”. Ngày trước, khi nhà tôi tổ chức giỗ, bà nội tôi luôn gói rất nhiều bánh để tặng những người đến tham dự và hàng xóm. Ngày giỗ là ngày chúng ta tri ân, báo ân tổ tiên, hàng xóm. Ngày nay, nhiều người coi ngày giỗ là ngày để tổ chức cỗ bàn ăn nhậu, những người đến tham dự thì đưa phong bì cho chủ nhà.

Chúng ta trồng rau bằng tâm chân thành, tâm yêu thương thì người nhận rau sẽ cảm nhận được tâm của chúng. Trước đây, khi chúng ta trồng rau chúng ta thường cảm thấy mệt, khi chúng ta tặng rau, chúng ta thường cảm thấy tiếc nhưng hiện tại, chúng ta càng làm, càng cho đi thì chúng ta càng cảm thấy vui. Đây là chúng ta chân thật có thọ dụng.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải tuân thủ, làm theo lời Phật khuyến hóa đó là “hằng thuận chúng sanh”. Chúng ta chỉ hằng thuận người, đoàn thể chúng ta ưa thích thì chúng ta chưa hằng thuận được một cách viên mãn. Chúng ta không phân biệt, chấp trước thì chúng ta mới làm được hằng thuận chúng sanh một cách viên mãn. Trên thế giới có rất nhiều phong tục, tập quán, nền văn hoá khác nhau, nếu những điều này không đúng với giáo huấn của Phật, chuẩn mực của Thánh Hiền, không đúng với phong tục tập quán của dân tộc, pháp luật của Nhà nước thì chúng ta không tán thán, không ủng hộ, chúng ta kính trọng nhưng chúng ta viễn ly. Nếu những phong tục, tập quán, nền văn hoá này đúng với giáo huấn của Phật, chuẩn mực của Thánh Hiền, đúng với phong tục tập quán, pháp luật thì chúng ta tán thán, học hỏi và có thể làm theo. Chúng ta hằng thuận những điều phù hợp với tự tánh. Tự tánh của chúng ta vốn là thuần tịnh, thuần thiện.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook