28Thứ Sáu, 15/12/2023, 08:21
249 · Giải Đáp Phật Học Nghi Vấn - Bài 10 - Nhiều Văn Hóa Sắc Tộc

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 13/12/2023.

*********************************************

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC

Phần 3

Chương 12

GIẢI ĐÁP HỌC PHẬT NGHI VẤN

BÀI 10: NHIỀU VĂN HÓA SẮC TỘC

Người tu học đang ngày càng xa rời sự bình đẳng đối đãi, vẫn là không thể dung hòa. Họ chưa nhận ra chân tướng vũ trụ nhân sanh là “Ta và chúng sanh là một thể”.

Hòa Thượng nói: “Nếu có được nhận biết này, trong Phật pháp gọi là Phật tri Phật kiến – cái thấy biết của Phật, là vào được cảnh giới của Phật.

Mỗi người chúng ta đều có thể làm được nhưng không chịu làm. Chúng ta cứ nghe theo, tin theo tập khí sai sử mà không nghe và làm theo lời Phật dạy.

Hãy quán sát những niệm và hình ảnh làm ta động tâm sẽ biết chúng chỉ là vọng tưởng. Mọi vẻ đẹp hình tướng đều là giả, rồi cũng sẽ úa tàn. Thân thể vô thường cũng sẽ già đi và yếu hơn.

Chỉ vì sự sai sử của vọng tưởng nên có phân biệt rồi chấp trước khiến ai ai cũng phải cạnh tranh, đấu tranh, được mất hơn thua, không còn đối đãi bình đẳng.

Nguyên nhân vì con người không biết rằng “Một bữa ăn, ngụm nước đều do tiền định”. Tiền định không phải là trời định mà là phước báu định sẵn.

Những gì đã có trong vận mạng thì cho dù bị cướp đoạt cũng không mất đi mà quay trở lại bằng cách nào đó. Ngược lại, vận mạng không có tài khố mà được giao cả ngân hàng thì ngân hàng sẽ sụp đổ.

Con người sống nhờ phước nên chỉ cần tích cực tạo phước. Khi đã có phước thì mọi sự thuận lợi nhưng con người không tin hoặc nửa tin nửa ngờ về điều này.

Hòa Thượng nói: “Trong vòm trời này, một sợi lông một cọng tóc cũng không sót lọt”. Vậy thì ta đâu cần bận tâm, ngày ngày phải nhìn người mà cạnh tranh, mà đấu tranh.

Càng không cần khởi phân biệt chấp chước giữa ta và người. Sẽ hoàn toàn sai lầm khi coi gia đình và con cái mình là đặc biệt; còn gia đình và con cái người khác là khác biệt.

Hòa Thượng nói: Chân thật thể hội được cả thảy vũ trụ này, cả thảy địa cầu này là một nhà, vậy thì phân tranh giữa người với người liền sẽ không có”.

Cũng sẽ không còn sự phân biệt giữa gia đình, dân tộc hay đoàn thể của mình với của người vì tất thảy đều là một thể hòa hợp với nhiều văn hóa, nhiều sắc tộc.

Hòa Thượng nói: “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh là giáo trình dạy chúng ta nhận biết về nhiều văn hóa, sắc tộc một cách lý tưởng nhất.

“Chữ Hoa biểu thị tận hư không khắp pháp giới vô số chủng tộc khác nhau. Chữ Nghiêm là không chướng ngại tức là cùng sống, tồn tại và phát triển một cách hòa bình”.

Hòa Thượng cho biết thính chúng tham dự pháp hội Hoa Nghiêm có tới 28 loại chủng tộc, đoàn thể khác nhau. Nếu nói thấu suốt thì có vô số các chủng tộc ở tận mười phương.

Ngài dẫn chứng chỗ này muốn nói rằng pháp hội của Phật không phân biệt chủng tộc tôn giáo, đều là hoan nghênh một cách bình đẳng.

Vô số chủng tộc mà vẫn cùng tồn tại hài hòa, không chướng ngại như trăm hoa khoe nét đẹp riêng của chúng. Vô số mà vẫn luôn tương thân tương ái, không có đối nghịch.

Đây chính là một thể đại đồng, nếu bước vào được là vào cảnh giới của Phật,” Hòa Thượng khẳng định.

Nhận thức được điều này sẽ khơi dậy trong mỗi chúng ta ý thức cộng đồng, trách nhiệm với những người xung quanh. Câu chuyện thời Covid đã cho thấy điều này.

Người nhiễm bệnh phải kiêng giữ cẩn thận để tránh lây nhiễm. Lễ vía Phật năm 2020, chúng ta vì cộng đồng mà đã hủy vé máy bay về Vĩnh Long vì biết khu vực này đã nhiễm dịch.

Tuy nhiên, người có ý thức cộng đồng lại đang quá ít. Họ có thể liệng chai nước, vỏ thuốc dọc bờ hồ xinh đẹp cho dù có thùng rác ở ngay gần.

Một việc nhỏ như vậy mà bỏ qua thì làm sao có thể có được ý niệm giúp ích xã hội hay đề cao thuần phong mỹ tục để giáo dục cộng đồng.

Theo Hòa Thượng chỉ dạy, con người khi sống phải biết “vì người” mà “vì người cũng chính là vì mình” bởi thế giới này là thế giới cộng sinh.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook