149Chủ Nhật, 23/04/2023, 22:12
25 · Chương II - Nói Rõ Phương Pháp Đối Trị Phiền Não - 9

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ nhật, ngày 23/04/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“CHƯƠNG II: PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ NIỆM PHẬT”

NÓI RÕ PHƯƠNG PHÁP ĐỐI TRỊ PHIỀN NÃO (PHẦN CHÍN)

Hòa Thượng nói: “Đề Kinh của “Kinh Vô Lượng Thọ” là thanh tịnh, bình đẳng, giác. Đây chính là đạo, chúng ta tu hành chính là tu điều này!”. Trước đây chúng ta thường hiểu, đạo là con đường, là lối đi, là phương pháp, Hòa Thượng nói cho chúng ta một cách rõ ràng hơn: “Đạo chính là thanh tịnh, bình đẳng, giác”. Đạo nào hướng chúng ta đến thanh tịnh, bình đẳng, giác thì đó là chánh đạo. Vấn đề then chốt của tu hành là chúng ta phải đạt được đến tâm thanh tịnh.

Sư ông Tịnh Thuận đã nhắc nhở chúng ta: “Đừng tu danh tu lợi, đừng tu dục tu tình, đừng tu quanh tu quẹo, đừng tu gian tu dối”. Hòa Thượng Tịnh Không từng nói, không phải đời này chúng ta mới gặp được Phật pháp mà chúng ta đã tu hành nhiều đời, nhiều kiếp nhưng chúng ta vẫn chưa thể khắc chế được phiền não, tập khí của mình. Hiện nay, nhiều người dạy người khác “tu danh tu lợi”, thí dụ như làm thế nào để có được nhiều phước báu, làm thế nào để đời sống thảnh thơi, an nhàn.

Chúng ta “tu quanh tu quẹo” là chúng ta không niệm câu “A Di Đà Phật” mà chúng ta tụng, niệm nhiều thứ khác nhau. “Tu gian tu dối” là người ngày nay chỉ chú trọng tu hành ở hình tướng, không chú trọng ở việc tu nội tâm. Nhiều người tu hành chỉ mong có nhiều đồ chúng nhưng trong nội tâm của họ thì vẫn còn “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”.

Dục” là ham muốn.“Tình” là cảm tình. Chúng ta “tu dục tu tình” là chúng ta cảm tình dụng sự, chúng ta phân biệt đây là con, đây là học trò, đây là trường của ta. Chúng ta chỉ nghĩ đến việc vãng sanh của mình thì đây cũng là điều không đúng. Hòa Thượng dạy chúng ta: “Chúng ta vì mình mà vãng sanh thì chúng ta không thể vãng sanh. Chúng ta phải vì chúng sanh đau khổ mà vãng sanh!”. Thích Ca Mâu Ni Phật thành Phật là để hoàn thành học vị cao nhất giúp cho việc độ sinh được tốt nhất. Đạo chính là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chánh giác. Nếu ngược lại thì đó không phải là đạo của Phật mà như người thế gian nói đó có thể là “đạo chích”, “đạo tặc”.

Tổ Sư Tịnh Độ đã dạy chúng ta “không hoài nghi, không gián đoạn, không xen tạp” nếu chúng ta không niệm “A Di Đà Phật” mà chúng ta niệm cả những câu khác thì đó là chúng ta đã xen tạp. “Không hoài nghi” là chúng ta phải tin chắc là một câu “A Di Đà Phật” có đủ năng lực đưa chúng ta vượt thoát sinh tử. Chúng ta “không hoài nghi” việc Thích Ca Mâu Ni Phật giới hiệu thế giới Tây Phương Cực Lạc cho chúng ta, chúng ta tin thế giới Tây Phương Cực Lạc là có thật!

Hòa Thượng nói: “Những việc nhiễu loạn, chướng ngại, phá hoại tâm thanh tịnh của chúng ta thì đó chính là Ma”. Chúng ta chưa đủ công phu để loại trừ những việc có thể chướng ngại tâm thanh tịnh của chúng ta thì chúng ta phải tránh né. Người xưa nói: “Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách”. Trong 36 kế, kế chạy là thượng sách. Nếu chúng ta không né tránh vì chúng ta dễ bị những cám dỗ lôi kéo mất đi tâm thanh tịnh. Năm 2019, tôi chia sẻ ở Lễ tri ân Cha Mẹ, tổ chức tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, hội trường có 3500 người tham gia, sau khi chương trình kết thúc, ngày hôm sau tôi về nhà cuốc đất, trồng rau như bình thường. Khi xong việc vì chúng sanh thì tôi mau chóng trở về chốn yên tĩnh, xa lìa danh lợi để tôi không bị chúng cuốn theo.

Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta có thể cẩn thận phòng phạm thì giúp chúng ta có duyên tốt để tăng thêm duyên đến với đạo. Cho dù chúng ta đang ở trong thời kỳ Mạt Pháp, nhiều thiên tai, nhân họa nhưng chúng ta vẫn có thể có thành tựu. Nếu chúng ta lơ là, không chú ý thì tập khí, tâm bệnh của chúng ta liền sẽ hồi phục. Nếu tập khí, tâm bệnh của chúng ta hồi phục thì tương lai chúng ta nhất định đọa lạc!”.“Phòng phạm” là chúng ta cẩn thận phòng ngừa không để phạm phải. “Đạo” ở đây nghĩa là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng giác. Chúng ta trung thành với đạo không phải là chúng ta trung thành với Phật mà là chúng ta trung thành với tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác. Rất nhiều người đã nhầm lẫn. Chúng ta rất khó khắc phục tập khí nhưng chúng lại có thể hồi phục rất nhanh. Có những người cả đời khắc phục tập khí nhưng chỉ cần một niệm buông lung thì những tập khí này hoàn nguyên y như cũ.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook