155Thứ Bảy, 22/04/2023, 11:42
24 · Chương II - Nói Rõ Phương Pháp Đối Trị Phiền Não - 8

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 22/04/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“CHƯƠNG II: PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ NIỆM PHẬT”

NÓI RÕ PHƯƠNG PHÁP ĐỐI TRỊ PHIỀN NÃO (PHẦN TÁM)

Hòa Thượng nói: “Trên “Kinh Kim Cang” Phật nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh”. Tất cả tướng đích thị là hư vọng, là mộng huyễn, nếu chúng ta ở trong đó mà khởi tâm phân biệt, chấp trước thì đây là điều tuyệt đối sai lầm! Nếu chúng ta ở trong tất cả những giả tướng mà cầu để có được thì đó chúng ta đang vọng tưởng”. Ngày ngày chúng ta vẫn ở trong những mộng huyễn này mà chúng ta mong cầu. Chúng ta mong cầu có được mà chúng ta không có được thì chắc chắn chúng ta phiền não.

Phật đã nói tám cái khổ mà con người không thể tránh được đó là: Sinh – Lão – Bệnh – Tử, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ và ngũ ấm xí thạnh khổ. Chúng ta biết rõ những thứ đó là giả tướng, là hư vọng nhưng chúng ta vẫn khởi tâm mong cầu. Thí dụ, chúng ta mong lớp học này diễn ra dài lâu, chúng ta mở trường học thì chúng ta mong trường học ngày càng phát triển thì đây đều là chúng ta vọng tưởng. Trong suốt 70 năm, Hòa Thượng luôn kiên trì ở trên pháp tòa giảng giải cho chúng sanh nhưng hiện tại chúng sanh cũng không còn được nghe Ngài trực tiếp giảng nữa. Phật Bồ Tát ở thế gian, các Ngài thị hiện đến và ra đi để chúng ta hiểu sâu sắc là không có gì là thật, là bền lâu, tất cả đều hợp rồi tan. Chúng ta vẫn mong sự không thật, sự giả tạo này dài lâu, càng lâu càng tốt. Người thế gian muốn sống lâu đến 100 tuổi, nhưng khi họ 100 tuổi thì họ lại muốn sống lâu hơn nữa. Chúng sanh ở cõi trời Phi Phi Tưởng Sứ có tuổi thọ tám vạn đại kiếp nhưng thời gian đó rồi cũng sẽ hết, Thiên Nhân ở cõi đó rồi cũng sẽ phải đọa lạc. Tất cả tướng đích thị là hư vọng, nếu ở trong những hư vọng mà chúng ta vẫn khởi tâm động niệm, vẫn khởi phân biệt chấp trước thì đây là điều tuyệt đối sai lầm.

Tổ Ấn Quang dạy chúng ta: “Kiệt thành tự khả chuyển phàm tâm”. “Kiệt” là tận tâm, tận lực. Chúng ta tận tâm, tận lực thì chúng ta nhất định chuyển được tâm phàm. Chúng ta tận tâm, tận lực làm còn việc thành bại, tốt xấu là do phước của chúng sanh. Việc được tốt là do chúng sanh có phước. Chúng ta tận tâm, tận lực mà việc không tốt là do chúng sanh không có phước. Thí dụ, chúng ta làm vườn rau theo đúng quy trình nhưng thời tiết không tốt khiến vườn rau mất mùa, chúng ta không có rau tặng mọi người thì đó là chúng sanh nơi đó không có phước. Chúng ta quán sát xem chúng ta đã tận tâm, tận lực chưa? Nếu chúng ta cho rằng vườn rau của chúng ta phải xuất sắc hơn, phát triển tốt hơn những vườn rau khác thì chúng ta đã dính mắc vào “cái ta”. Đây là đại bệnh mà mỗi chúng sanh đều có.

Hòa Thượng nói: “Ở trong vọng tưởng mà chúng ta khởi lên phân biệt, chấp trước thì đây là đại chướng ngại. Việc này chướng ngại chúng ta vãng sanh và chướng ngại chúng ta công phu có lực”. Chúng ta đang ở trong đạo giải thoát mà chúng ta không được giải thoát, chúng ta đang ở trong đạo an vui mà chúng ta ngày ngày phiền não. Nếu công phu của chúng ta có lực thì chúng ta sẽ ngày ngày an vui, tự tại.

Hàng ngày, chúng ta vẫn dính mắc vào mọi thứ, ở đạo tràng thì chúng ta thấy những việc ở đạo tràng chướng ngại chúng ta, về nhà chúng ta thấy những việc trong gia đình chướng ngại chúng ta, đến nơi làm việc thì chúng ta thấy những việc ở nơi làm việc chướng ngại chúng ta. Hòa Thượng nói: “Nếu tâm cảnh của chúng ta như vậy thì chúng ta về thế giới Tây Phương Cực Lạc thì chúng sanh nơi đó cũng chướng ngại chúng ta, chúng ta cũng cảm thấy không thuận mắt, vừa lòng với họ!”. Đây là lời Hòa Thượng nói vui, nếu ở thế gian chúng ta không thông được thì chúng ta không thể về được thế giới Tây Phương Cực Lạc để chướng ngại chúng sanh cõi đó. Chướng ngại là ở nơi mỗi chúng ta. Nếu chúng ta không còn chướng ngại thì hoàn cảnh xung quanh không thể chướng ngại chúng ta. Điều này giống như, nếu chúng ta đổ nước lên lá khoai môn thì không giọt nước nào có thể đọng lại trên lá. Chúng ta tu hành thì chúng ta phải đạt đến được tâm cảnh như vậy. Mọi sự chướng ngại, vướng mắc không lưu lại trong tâm chúng ta vậy thì tâm chúng ta mới thanh tịnh. Chúng ta niệm Phật nhưng chúng ta không thể vãng sanh thì đó là do trong tâm chúng ta vẫn đầy những vướng mắc, bận tâm.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook