Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 12/12/2023
**********************************
TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC
Phần 3
Chương 12
GIẢI ĐÁP HỌC PHẬT NGHI VẤN
BÀI 9-NHIỀU VĂN HÓA SẮC TỘC
Nếu trong tâm còn cho rằng văn hóa sắc tộc của người này là đúng còn của người khác là sai hay tin Phật là đúng còn tin thần là sai thì không thể sống “Hòa” được.
Ở Ấn Độ, người dân thờ bò và trét phân bò lên người vì tin rằng sẽ được bình an. Nếu xem họ như học sinh cấp một thì việc một sinh viên đem cách giải toán cấp đại học để chữa bài cho học sinh cấp một là không phù hợp.
Nhà Nho giáo dục con người sống hài hòa, phù hợp luân thường đạo lý trong ba mối quan hệ giữa người với người, người với đại tự nhiên và người với thiên địa quỷ thần.
Nhà Nho dạy chữ “Hòa”. Nhà Phật dạy chân thành, thanh tịnh, bình đẳng. Bình đẳng không chỉ với người, mà còn với tất cả chúng sanh.
Chúng sanh là các chúng duyên hòa hợp tạo thành hiện tượng, gồm chúng sanh vô tình và chúng sanh hữu tình chúng ta. Bình đẳng với chúng vô tình như đồ vật là sử dụng đúng vai trò riêng của chúng.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta sống trong xã hội nhiều văn hóa và sắc tộc thì phải đối đãi sao cho hài hòa”. Tu hành mà không “Hòa” thì khó chuyển được phàm thành thánh.
Muốn vậy phải đem “cái thấy” của mình để qua một bên mà lắng nghe và cùng nhận biết và công nhận “cái thấy” của người khác.
Ví dụ như đến bất cứ đạo tràng nào, người ta đang tụng Kinh thì mình hòa tiếng cùng tụng Kinh thật hay. Khi trở về nơi chốn của mình thì tu hành như thế nào là việc mỗi cá nhân.
Nhưng phải nhớ rằng việc công nhận “cái thấy” của người khác vẫn phải trên nền tảng giáo huấn của Phật, Thánh Hiền, tức là “Hòa” trên chuẩn mực nhất định.
Ví dụ như họ cầu cúng quỷ thần, sát sanh hại vật, thì mình không làm theo mà chỉ cung kính quan sát, không chỉ trích: “Làm thế này là sai!”. Như vậy là phá vỡ niềm tin của người và họ sẽ nổi giận.
Còn đối với người học Phật, để đạt chữ “Hòa” cần phải xây dựng “Kiến Hòa Đồng Giải” tức là có cùng nhận thức, cùng “cái thấy” rằng “mình và chúng sanh là một thể”.
Muốn nhận diện điều này chúng ta quán sát mình là một chiếc lá trên một nhánh cây. Có bao nhiêu chiếc lá trên nhánh cây đó thì cũng có bấy nhiêu chủng tộc trên cộng đồng.
Mỗi chiếc lá hay mỗi chủng tộc nếu nhìn nhau một cách đối lập, hồ nghi thì chúng khó có thể tồn tại cùng chung sống.
Một thân cây lớn có bao nhiêu cành, nhánh, lá thì đều cùng một thể của thân cây. Hay một cánh tay có hàng tỷ tế bào và vô số gân, kinh mạch cũng là một thể của cánh tay.
Đã cùng là một thể, thì chích đau bất cứ chỗ nào cũng đều chấn động toàn thân. Cho nên “Mình là tất cả chúng sanh và tất cả chúng sanh là chính mình.” Hòa Thượng nói.
Nếu nhận biết được điều này thì “ta và người không hai”. Mọi xung đột, phân biệt, chấp trước trong ta không còn nữa. Hòa Thượng nói: “Tâm Đại Từ Bi mới tự nhiên sanh ra”.
Khi đó, Hòa Thượng chia sẻ: “Mình yêu thương tất cả chúng sanh cũng giống như yêu thương chính mình” nên khi một người đau khổ thì mọi người đều đang đau khổ.
Hiếu Kinh còn nói tất cả thân nam nhân là Cha ta thời quá khứ, là vị Phật tương lai và tất cả thân nữ nhân là Mẹ ta thời quá khứ, là vị Phật tương lai.
Phật Thích Ca Mâu Ni là Phật đã thành, tất cả chúng sanh là Phật sẽ thành, nên chúng ta đều phải kính trọng và rộng kết thiện duyên với chúng sanh để tạo ra một hoàn cảnh hài hòa.
Nếu mang tâm thái đó làm việc thiện thì sẽ cảm thông với con người và vạn vật. Còn nếu dụng tâm hài hòa niệm Phật thì khởi một câu A Di Đà Phật là đã tương ưng với Phật.