Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 11/12/2023.
******************************************
TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC
Phần 3
Chương 12
GIẢI ĐÁP HỌC PHẬT NGHI VẤN
BÀI 8: ĐẤU TRANH
Hòa Thượng nói: “Ngày nay động loạn trên thế giới không thể giải quyết bằng cạnh tranh đấu tranh hay chiến tranh vũ lực. Việc này làm sự oán thù càng thêm lớn”.
Nhà Phật có câu: “Oan oan tương báo không bao giờ ngừng dứt”. Cho nên “Đừng bao giờ ôm giận hờn qua đêm” vì có thể trở thành bệnh nan y.
Giận hờn giữa người với người chỉ cần đối thoại hài hòa hay mỗi bên nhận một chút thiệt thòi thì sẽ vẫn là bạn. Nếu không hòa giải sẽ dẫn đến chướng ngại thậm chí báo thù nhau.
Hòa Thượng cho biết Cổ Thánh Tiên Hiền đều lấy chữ “Hòa” nhắc nhở mọi người. Ngài chỉ dạy chữ “Hòa Bình” mang đầy đủ nhân quả. Muốn “Bình” thì phải “Hòa”, “Hòa” phải từ nơi chính mình.
Trong một gia đình cũng vậy, nhất định phải “Hòa” bởi sự đối đầu không tạo nên bình an. Tâm oán thù sẽ nhận lại tâm oán thù. Đây là phản kháng phòng vệ tự nhiên khi ai đó cảm thấy sắp bị tổn hại.
Có lần chúng tôi đã phải hòa giải với các anh thợ gỗ cạnh nhà: “Chú xin lỗi! Cuộc sống vì miếng cơm manh áo nên các anh cực khổ, bé nhà chú không biết nên làm phiền các anh.”
Mấy thanh niên bàng hoàng nói: “Dạ không có gì đâu ạ!”. Điều này cho thấy nếu mình đối đầu thì theo phản vệ tự nhiên, họ sẽ đối kháng. Mình mang đến “hòa bình, hòa ái” thì sẽ nhận được hồi đáp tương tự.
Tuy nhiên, thế gian có nhiều điều bất khả kháng. Ví dụ mối thâm thù đã khiến vua Tỳ Lưu Ly nhất quyết tàn sát dòng họ Thích dù đã được Phật can ngăn.
Gặp hoàn cảnh này, Hòa Thượng chỉ dạy là không dùng tâm thù hận mà dùng tâm yêu thương. Muốn vậy, phải quán chiếu nội tâm để nhận ra sự đáng thương của thế nhân.
Hãy quán rằng chúng ta học Phật, Thánh Hiền, ngày ngày ăn chay niệm Phật mà tập khí phiền não xấu ác vẫn dấy khởi một cách khó coi, vẫn không làm được người tốt.
Huống hồ thế nhân cả đời học danh vọng lợi dưỡng, được dậy cạnh tranh, đấu tranh cần thiết thì phải chiến tranh và đang huân tập tập khí xấu ác thì làm sao họ biết hài hòa.
Hòa Thượng nói: “Trong xã hội hiện đại này, càng lúc con người càng sống trong thế giới đầy nguy hiểm, bất an”.
Xét trong phạm vi nhỏ là gia đình, nếu ngày ngày cạnh tranh, đấu tranh, thì gia đình đó không khác gì ngục tù. Tâm thái đối đầu như vậy rất bất an, khó sống.
Mở rộng hơn trong mỗi lĩnh vực ngành nghề, không thể an ổn khi tâm người cũng đều là cạnh tranh và đấu tranh. Đây là mầm mống của chiến tranh.
Sự nguy hiểm cũng đến từ việc vũ khí càng lúc càng hiện đại hay một số người sẵn sàng ôm chất nổ tự sát và nguy cơ trái đất bị hủy diệt nếu người ta sử dụng vũ khí hạt nhân.
Hòa Thượng nói: “Người chân thật có đạo đức, học vấn, lương tâm thì nhất định không phát triển vũ khí giết người hàng loạt. Trong Bồ Tát giới, việc tạo ra công cụ sát hại chúng sanh là phạm giới sát”.
Cho nên Hòa Thượng mới khuyên rằng thời gian con người gặp nhau quá ngắn, có khi chỉ một vài lần thì hãy sống hài hòa cùng giúp đỡ nhau tồn tại và phát triển.
Nếu không làm được như vậy mà tạo oán thù thì mình khổ là nhiều bởi phải luôn trằn trọc, nghĩ cách đối đầu thậm chí còn hại người tử vong.
Hòa Thượng nói: “Những hồn quỷ này, nếu trong gia đình thì đầu thai vào nhà bạn; nếu tầm quốc gia thì đầu thai làm người trong nước bạn. Vậy thì làm sao tránh được?”
Hại người thì nay người ta đầu thai làm con cháu mình. Lúc ấy mình hầu hạ phục vụ và đem hết gia tài chắt bóp bấy lâu nay dâng tặng cho chúng, để chúng phá trong chớp mắt.
Nếu không mất tài sản thì trong nhân gian có hiện tượng “con ranh con lộn”. Đó là sự đầu thai nhiều lần của những đứa trẻ vừa sinh ra không lâu thì đi ngay khiến người Mẹ đau khổ vì mất con. Người nhà có kiểm chứng bằng cách đánh dấu trên người đứa trẻ mất đó và đứa trẻ được sinh ra rồi mất đi tiếp theo cũng đều mang vết bớt tương tự dấu tích này.