45Thứ Ba, 12/12/2023, 13:35
246 · Giải Đáp Phật Học Nghi Vấn - Bài 7 - Hoằng Pháp Và Hộ Pháp

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 10/12/2023

**********************************

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC

Phần 3

Chương 12

 GIẢI ĐÁP HỌC PHẬT NGHI VẤN

BÀI 7-HOẰNG PHÁP VÀ HỘ PHÁP

Ngày nay, người hoằng dương Phật pháp rất ít vì nỗi e ngại tự thân năng lực không đủ. Phật hiểu rõ tâm lý này nên khuyên chúng ta không chỉ “tự hành” mà còn phải “hóa tha”.

Hóa tha” là giúp người, cũng chính là hoằng dương Phật pháp còn “tự hành” là tự mình tu. “Tự hành, hóa tha” không chướng ngại nhau. “Hóa tha” giúp “tự hành” tốt hơn và ngược lại.

Hòa Thượng khẳng định: “Ở vào xã hội hiện đại này, Phật pháp tuy là tốt nhưng người phát tâm hoằng pháp lại rất ít”.

Ngài nói: “Nhiều người khiêm tốn cho rằng mình nghiệp chướng sâu nặng, không có năng lực hoằng pháp lợi sanh nên đời này có thể vãng sanh là đã mãn nguyện”.

Tâm lý này giống như chúng ta trước đây khi chưa bố thí thì cho rằng “lấy đâu mà bố thí”. Đến khi đã bố thí rồi tức là “hóa tha” thì lại hiểu sâu hơn, do đó “tự hành” thù thắng hơn.

Nhờ “tự hành” mạnh mẽ lại khiến “hóa tha” càng lúc càng viên mãn.

Trước đây mỗi lần chúng tôi bố thí thì vẫn còn thấy xót, thường đấu tranh: “Gắng lỗ lần này thôi, lần sau sẽ lấy đủ vốn”. Phải mất vài lần như vậy, tâm mới không còn lăn tăn.

Ngày nay, nỗ lực trồng rau, làm đậu phụ cúng dường hay làm công tác giáo dục chính là “hóa tha”. Việc này không làm chướng ngại công phu tu hành niệm Phật của mỗi cá nhân.

Nếu không “hóa tha”, không làm giáo dục thì trẻ em không biết cách sống làm người tốt. Có em là người dân tộc, đầu óc rất đơn thuần, không dạy điều tốt thì em sẽ làm điều xấu.

Giống như trên Kinh mô tả “Miễn sao có lợi thì làm, chẳng màng tội lỗi bị giam bị cầm”. Đời sống của gia đình các em đang lo cái ăn, cái mặc, chỉ cần lợi trước mắt là làm.

Bản thân chúng tôi đi khắp nơi mà không rời việc “hóa tha”. Đến khi trở về nhà vẫn không hề bị chướng ngại việc tu hành, ngày ngày vẫn học tập, lạy Phật, Niệm Phật.

Nếu chỉ niệm Phật cầu vãng sanh, Hòa Thượng nói: Cách nghĩ này không sai nhưng không hoàn toàn đúng. Bạn có được lợi ích từ Phật pháp mà bạn đi rồi thì Phật pháp không có người tiếp nối”.

Vì sao Hòa Thượng nói là “bạn đi rồi” mà không nói là “bạn vãng sanh”? Vì nếu chỉ niệm Phật cầu vãng sanh thì đó là nghĩ đến chính mình nên vãng sanh hay không còn chưa rõ.

Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm”. Hai việc này phải tương trợ cho nhau, nếu thiếu một trong hai thì không vãng sanh.

Nếu không vì chúng sanh, không vì hoằng dương Phật pháp thì chúng ta chưa phát tâm Bồ Đề. Nếu vậy chúng sanh làm sao có thể tiếp cận được lợi ích của Phật pháp?

Hòa Thượng nói: “Vậy thì chẳng phải là Phật pháp bị đoạn diệt từ thế hệ của chúng ta? Từ khi Thích Ca Mâu Ni Phật sáng giáo đến nay đời đời tương truyền nên chúng ta mới có cơ duyên gặp được Phật pháp”.

Thật sự phải có tâm “Đại Từ Bi” mới nghĩ đến việc này. Nếu trước chúng ta, các tổ sư đại đức chỉ lo niệm Phật vãng sanh thì đến đời chúng ta làm sao có Phật pháp thuần chánh để tiếp nhận.

Hòa Thượng là tấm gương điển hình về việc này. Ngài từ bỏ việc tìm núi sâu và vào am tranh tịnh tu chỉ vì muốn hoằng truyền Phật pháp làm lợi ích cho chúng sanh.

Hòa Thượng nói: “Nếu đến đời chúng ta mà bị đoạn dứt rồi thì bạn làm sao có thể không xấu mặt với Phật Bồ Tát, với tổ sư đại đức.

Vậy nên làm cách nào? Hòa Thượng chỉ dạy: “Nếu không có năng lực, trí tuệ, tập khí phiền não sâu nặng nhưng chân thật phát đại tâm xả mình vì người, làm sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh thì sẽ được Phật, Bồ Tát gia trì”.

Một khi phát đại tâm, đề khởi tâm chân thành thì sẽ khai mở được bảo tàng vô giá trong tự tánh của chính mình, vốn đầy đủ năng lực, không thiếu một thứ gì cả.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook