96Thứ Tư, 06/12/2023, 11:31
241 · Giải Đáp Phật Học Nghi Vấn - Bài 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 05/12/2023.

******************************************

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC

Phần 3

Chương 12

GIẢI ĐÁP HỌC PHẬT NGHI VẤN

BÀI 2

Người học Phật phải vào được tri kiến của Phật, thấy được “cái thấy” như Phật. Tri kiến của Phật là tất cả chúng sanh là chính mình và mình là tất cả chúng sanh.

Hòa Thượng nói: “Nếu coi hư không pháp giới là thân thể chúng ta và mỗi chúng sanh là một tế bào của thân thể. Công năng mỗi tế bào tuy khác nhau nhưng chúng đều bình đẳng như nhau”.

Mỗi bộ phận trên cơ thể đều quan trọng, chúng ta không thể ruồng bỏ một tế bào ở bất kỳ bộ phận nào vì tế bào bị bỏ rơi đó sẽ làm hư hại cả thân thể. Thế nên cần phải bình đẳng đối đãi.

Không ai nói tế bào ở tim mới là của mình, còn tế bào ở dạ dày thì không phải. Mỗi tế bào là chính mình, đều bình đẳng, có nhiệm vụ là giúp cơ thể vận hành khỏe mạnh.

Cũng vậy, dân số thế giới trên 7 tỷ người, còn ít hơn so với tế bào trên cơ thể. Tất cả chúng sanh là mỗi một tế bào và mỗi một tế bào đều là chính mình. Vậy tại sao phải đối đãi khác biệt?

Không luận là mắt, tai, mũi, nội tạng, tứ chi, da hay móng tay khi phân tích ra thì đều cấu tạo bởi các phân tử, nguyên tử và điện tử,” Hòa Thượng nói.

Ngài khẳng định: “Các tổ chức này hoàn toàn như nhau. Đây là bình đẳng. Cho nên tận hư không khắp pháp giới là một chính mình”. Đây là “cái thấy” của Phật là “Phật tri Phật kiến

Từ bấy lâu nay, chúng ta không khơi được “Phật tri Phật kiến” mà chạy theo tập khí phiền não của chính mình. Tâm chúng ta phân biệt chấp trước, làm gì cùng là “ta” và cái “của ta”.

Chính ta thích hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, tham sân si mạn”. Nếu không có cái “ta” thì không thể khởi những tập khí đó.

Hòa Thượng nói: “Vì cái ta này mà mình đã sinh tử luân hồi vô lượng kiếp và tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp”. Hiểu được chỗ này là gần vào với “Phật tri Phật kiến”.

Trong Kinh Pháp Hoa, Phật kể câu chuyện về người con thất lạc của ông Trưởng giả. Cậu có hạt minh châu vô giá trong áo mà không biết nên cứ mải lăn lộn trong cơm áo gạo tiền.

Ông Trưởng giả chính là Phật, người con là chúng ta. Hạt minh châu là Phật tánh mỗi chúng sanh đều có nhưng không nhận ra, không đi tìm nó mà cứ trôi lăn trong tập khí phiền não.

Bất cứ là ai, nếu chưa là người chứng đạo thì gần như khó thoát ra khỏi “tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, tham sân si mạn” nên phải hết sức cảnh giác.

Người xưa dạy: “Càng cao danh vọng càng dày gian nan”. Có người khi mất ánh đèn sân khấu là gần như mất một nửa cuộc đời vì họ cho đó là thật. Chìm trong hư ảo mà không phản tỉnh.

Chiếc bàn của chúng tôi sắp sập nhưng chúng tôi vẫn tận dụng không mua mới vì nó nhắc nhở mình mọi thứ đều hư ảo không thật. Mình phải đi tìm cái thật.

Mô tả sự thật, Hòa Thượng trích Kinh Kim Cang: “Tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bào ảnh, như sương như chớp lóe. Phải có cái thấy như thế.

Cách thấy này chính là cách thấy của chư Phật Như Lai, là Phật tri Phật kiến hay như Kinh Pháp Hoa nói nhập Phật Tri Kiến (vào được tri kiến của Phật),” Hòa Thượng khẳng định.

Xung quanh ta không có gì là thật! Dễ thấy nhất là chúng ta được sanh ra, lớn lên, chứng kiến mọi người xung quanh ra đi gần hết, chỉ còn một mình ta. Rồi đây ta cũng sẽ ra đi.

Mình đến thế gian này bằng Ái, “Ái bất trọng bất sanh Ta Bà” nên Phật dạy “Y Trí Bất Y Thức”. Y trí tuệ, đừng y theo tình cảm mà làm việc thì sẽ không bị chi phối bởi “ta” và cái “của ta”.

Tuy nhiên, làm thì không dễ nên Phật mới nói ra “Y Pháp Bất Y Nhân, Y Nghĩa Bất Y Ngữ, Y Liễu Nghĩa Bất Y Bất Liễu Nghĩa”. “Liễu nghĩa” là chỉ pháp hay việc làm phù hợp với năng lực thì lựa chọn, không chọn việc quá sức bởi sẽ sinh phiền não.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook