31Thứ Ba, 05/12/2023, 13:33
240 · Giải Đáp Phật Học Nghi Vấn - Bài 1

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 04/12/2023

**********************************

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC

Phần 3

Chương 12

 GIẢI ĐÁP HỌC PHẬT NGHI VẤN

BÀI 1

Trong suốt quá trình dài 70 năm, Hòa Thượng luôn giải thích nghi vấn cho đồng tu học Phật. Trong bài này Ngài giải thích nội dung: Thế nào là “Không”, “Cảm ứng”, “Thường Tịnh Ngã Lạc” và “Hàng Ma”?

Hòa Thượng giải thích chữ “Không”: “Tam tâm bất khả đắc cho nên không có chướng ngại, không có tâm năng đắc, không có tâm khống chế”.

Ngài nói: “Tất cả cảnh giới bên ngoài đều là pháp do nhân duyên sanh ra và cũng do nhân duyên mà diệt đi, không hề tồn tại. Vậy thì nếu bạn có tâm khống chế, muốn đạt được những cảnh vật, con người bên ngoài thì có phải là đang làm chướng ngại chính mình?”

Hòa Thượng khẳng định: “Tất cả pháp đều là nhân duyên sanh, không có tự tánh, đương thể tức không, đều không thể đạt được”.

Hạt đào rớt xuống nở ra thành cây. Khi ấy, hạt đào mất và cây lớn lên cho ra trái đào. Trong trái có hạt và từ hạt lại tiếp nối vòng nhân duyên mới. Nếu dính mắc vào hạt đào hay trái đào thì đều là sai.

Ý Hòa Thượng muốn nhắc rằng không nên có tâm mong cầu, tâm dính mắc mà phải dùng tâm chân thành khi đối người tiếp vật. Nỗ lực mà làm được tốt thì đó là chúng sanh có phước, ngược lại, nỗ lực mà gặp chướng ngại là do chúng sanh không có phước.

Ví dụ về lớp bồi dưỡng đào tạo thế hệ tương lai của Hòa Thượng được chuẩn bị chu đáo về nhân lực tài lực nhưng vì lý do khách quan mà học viên không đến. Ngài nói mình đã làm với tâm chân thành, lẽ ra phải mất 4-5 năm mới xong thì bây giờ đã xong rồi, đã viên mãn rồi.

Hay như nỗ lực chuẩn bị cho sự vận hành của một ngôi trường ứng dụng văn hóa truyền thống nhưng học sinh không đến vì Cha mẹ lựa chọn ngôi trường khác thì đó là việc của các Cha Mẹ, còn việc của chúng ta đã hoàn thành viên mãn rồi.

Đây là chỗ chúng ta đặc biệt chú ý, cần phải hoàn toàn không có tâm mong cầu. Bởi theo Hòa Thượng, chỉ cần khởi tâm “vì chúng sanh phục vụ” thì việc đó đã “Tác Ý Viên Thành”, đã thành công rồi.

Tuy nhiên, chúng ta thường cưỡng cầu theo ý mình. Kinh Kim Cang Phật dạy: “Tất cả những gì có hình tướng đều là hư vọng”. Nếu chấp trước dính mắc vào hình tướng thì nhất định mình phiền não mà người khác cũng phiền não vì mình.

Câu thứ hai Hòa Thượng nói đến “Cảm ứng”: “Chúng sanh có cảm thì Phật Bồ Tát có ứng. Chẳng những chúng sanh hữu tình mà chúng sanh vô tình như núi sông đất đai đều có cảm ứng”. Thế gian từng có chuyện một cây đang xanh tươi, đột nhiên vàng úa chết đi thì chỉ một thời gian sau người chủ chăm sóc cây cũng bệnh nặng và qua đời.

Thế nào là cảm ứng đạo giao? Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta khởi tâm như Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền thì sẽ được các ngài gia trì. Nếu phát tâm hoằng truyền văn hóa truyền thống của một dân tộc nào đó thì bạn sẽ được tổ tiên của dân tộc đó gia trì”.

Tuy nhiên, nếu chúng ta làm với tâm “tự tư tư lợi”, tâm mong cầu thì chỉ đơn độc một mình còn nếu “vì tất cả chúng sanh phục vụ” thì nhất định sẽ có sự đồng cảm của tổ tiên dân tộc.

Chúng ta vẫn bị “cái ta” điều khiển, trong tâm luôn là khống chế và chiếm hữu nên không tương ưng nên cũng không có cảm ứng từ long thiên thiện thần hay Phật, Bồ Tát. Các Ngài vô điều kiện phục vụ chúng sanh còn chúng ta thì có điều kiện.

Thế nào thì tương ưng? Đó là một phần thành kính được một phần lợi ích, 10 phần thành kính được 10 phần lợi ích. Vậy một triệu phần tâm thành kính thì sao?

Có người hỏi Hòa Thượng: “Mấy chục năm từ ngày đi làm đạo đến bây giờ, Hòa Thượng có bị chướng ngại không?” Hòa Thượng nói: “Không hề có chướng ngại”.

Ngài nói như vậy là muốn minh chứng cho chúng ta thấy người toàn tâm toàn lực vì chúng sanh lo nghĩ thì tất cả mọi việc làm của họ đều thuận lợi. Chướng ngại là vì ngay trong chúng ta có phiền não mà có phiền não chính là chướng ngại.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook