72Thứ Năm, 07/12/2023, 20:23
242 · Giải Đáp Phật Học Nghi Vấn - Bài 3

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 06/12/2023

**********************************

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC

Phần 3

Chương 12

 GIẢI ĐÁP HỌC PHẬT NGHI VẤN

BÀI 3

Hòa Thượng muốn xây dựng Thôn Di Đà để chăm sóc người tu học rồi đưa họ đi làm Phật, Bồ Tát nhưng đến khi Ngài vãng sanh, Thôn Di Đà vẫn chưa hình thành. Thế mới nói “Việc tốt lắm dày vò”!

Ngài nói nơi đây dự kiến sẽ là đạo tràng thế kỷ 21, có giảng pháp, niệm Phật và mỗi tuần một lần, “sẽ có những tiết mục kịch nghệ như ca múa dân gian, biểu diễn hý kịch dân gian cổ truyền”.

Mục đích là để “người già có thời gian giải trí và có niềm an vui nhưng vẫn bình lặng và an tịnh khiến đời sống của họ ấm áp như một gia đình,” Hòa Thượng khẳng định.

Ở Xinh-ga-po đang trù bị xây dựng một Thôn Di Đà. Đối tượng mà chúng ta giúp đỡ là những người già,” Ngài nói câu này chắc cũng đã 30 năm trước.

Tâm từ bi của Ngài mong muốn “mọi người cùng nhau trải qua tuổi già có ý nghĩa, tràn đầy hạnh phúc và có một hy vọng”, chứ không phải chỉ ăn uống, nghỉ ngơi, chờ bệnh rồi chờ ra đi.

Thôn Di Đà sẽ giảng giải không nhất định là Phật pháp mà là bất cứ tôn giáo nào. Người cao tuổi tin Chúa sẽ được giảng về Chúa, tin Thánh A La thì được giảng về Thánh A La.

Hòa Thượng nói: “Người chăm sóc ở Thôn Di Đà là người phát tâm phục vụ người già như Cha Mẹ mình. Họ được đào tạo một khóa đặc biệt để làm việc một cách tốt nhất.”

Khi Hòa Thượng đề xướng Thôn Di Đà có rất nhiều người ủng hộ và đã trù bị một khoản kinh phí lớn. Người ta phát tâm cúng dường đến Ngài thì Ngài đều dành cho Thôn Di Đà.

Cả đời Ngài không quản người, việc và tiền, hoàn toàn vì chúng sinh lo nghĩ vậy mà hoài bão về Thôn Di Đà lại chưa thành dù nhiều lần Ngài được báo là mảnh đất nào đó đã được chốt để khởi công.

Ngài đã dùng hết tâm chân thành, vậy mà việc vẫn không thành. Cho nên, việc thất bại hay ngưng trệ là bình thường, còn việc thành công viên mãn mới là khác thường.

Vì sao? Vì tâm người có toàn tâm toàn lực vì chúng sanh đâu? Vẫn có tư lợi. Thậm chí khi toàn tâm toàn lực vì chúng sanh rồi thì vẫn có chướng ngại, nên Hòa Thượng nói “Việc tốt lắm dày vò”.

Tâm chúng sanh vốn ngạo mạn, không muốn có người hơn mình. Ngay việc thắp cây hương đầu tiên tại pháp hội, Hòa Thượng kể, người ta cũng tranh rồi mang ra đấu giá. Đấy là “cái ta” ích kỷ.

Khi Phật tại thế, Ngài cũng còn phải đối diện với “lục quần tỳ kheo” tuy là đệ tử xuất gia mà vẫn phạm trai pháp giới và Đề Bà Đạt Ba, em họ với Ngài mà còn muốn soán ngôi vị Phật.

Đâu phải là cứ phát tâm làm việc tốt là được ngay. Chúng tôi thấy nơi đó nghèo khổ nên định lắp đặt dây chuyền sản xuất đậu phụ cúng dường và một tháng ba lần cử người về vận hành nhưng họ vẫn không nhận.

Chúng ta khởi tâm chân thành để làm việc còn việc có thành hay không còn phụ thuộc vào cơ duyên. Hòa Thượng nói mình phát tâm mà người ta tiếp nhận là mình và người ta có phước.

Ngược lại, phước của người nơi đó cũng chưa đủ để được hưởng nên nếu ta cưỡng cầu thì sẽ sinh phiền não. Nhà Phật nói đến sự tùy duyên còn Hòa Thượng chỉ dạy là “Tùy duyên diệu dụng”.

Ngài từng giảng đề tài “Phật pháp viên dung không chướng ngại”. Có những người quá chấp mắc vào cách làm của mình khiến gặp chướng ngại khắp nơi. Phải biết tùy thuận hoàn cảnh nếu nó không vượt quá phạm vi hay giới luật.

Chúng tôi từng đến những nơi, họ hiểu sai lệch về nghiệp, chúng tôi chỉ gật đầu không nói lại. Họ không biết thế nào là trả nghiệp hay bị nghiệp dẫn dắt.

Không thể nói Phật đang trả nghiệp khi Ngài dành 49 năm bôn ba khắp nơi giảng Kinh nói Pháp. Việc Ngài làm là hoàn toàn chủ động chứ không bị động.

Cũng không thể nói Tổ Ấn Quang bị nghiệp dẫn khi cả đời “Tam Bất Quản”, luôn viết chữ “Tử” trên tổ đường để nhắc về vô thường, sách tấn mình đừng bê tha, phóng túng trong tập khí phiền não.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook