45Thứ Ba, 05/12/2023, 10:19
239 · Nêu Ra Kinh Điển Nên Đọc - 1

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 03/12/2023

**********************************

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC

Phần 3

Chương 11

NÊU RA KINH ĐIỂN NÊN ĐỌC

Phật từ tâm thanh tịnh mà lưu xuất ra Pháp cần nói, do đó, người học Phật cũng phải từ tâm chân thành, thanh tịnh mà khế nhập, mà truy cầu học vấn. Tuy nhiên, ngày nay người ta đọc tụng rất nhiều Kinh điển mà quên mất rằng pháp nào đưa chúng ta trở về tâm thanh tịnh thì đó mới là pháp thù thắng.

Người học Phật dường như quên mất điều Phật dạy trên Kinh Hoa Nghiêm rằng: “Một thông thì tất cả đều thông. Một chính là tất cả, tất cả chính là một”.

Cho nên, tháng Giêng, người ta tụng Kinh liên quan đến cầu phước; tháng Ba và Tư tụng Kinh liên quan đến cầu an; tháng Bẩy thì cầu siêu và tháng Mười là cầu an tích phước. Về pháp tu, người thì nói Thiền Mật hay Thiền Tịnh song tu tốt, người khác lại bảo Thiền Mật Tịnh tam tu cũng rất tốt. Việc này khiến người học Phật hoang mang, bất an không biết thế nào là tốt.

Sở dĩ Phật nói ra nhiều pháp môn, có tới 84.000 - đây là con số tượng trưng, là vì căn tính chúng sanh khác nhau, phù hợp pháp nào thì Phật nói pháp đó. Phật Pháp là pháp bất định. Giống thuốc kê đơn: Người cơ địa khác nhau thì không thể uống thuốc giống nhau. Uống quá liều thì sẽ chết. Nếu không chết thì cũng sanh bệnh. Tu quá nhiều pháp không thể thành tựu mà chỉ tăng thêm phiền não.

Hòa Thượng nói: “Ngày trước, Pháp Sư Hoằng Nhất dạy bảo phật tử tri thức học tập từ Kinh Hoa Nghiêm Sớ Sao. Hoa Nghiêm Sớ Sao dùng lời hiện đại mà nói chính là Phật học khái luận. Không luận chúng ta tu học một pháp môn nào, nhưng từ một khái luận này mà bắt đầu. Trước tiên phải hiểu hoàn toàn diện mạo của nó, sau đó mới chuyên công một môn.

Chúng ta nghe đoạn này không khéo lại tạp loạn. Đây là Hòa Thượng giảng cho những người chưa vào Pháp môn, dẫn dắt họ đi vào chính lộ.

Đối với hành giả tu Tịnh Độ, Hòa Thượng chỉ dạy “Kinh điển của Tịnh Độ Tông có năm Kinh, một Luận. Đây là khóa học cần phải tu. Nếu có năng lực và thời gian thì xem nhiều chú giải của Tổ sư Tịnh Độ như là Tịnh Độ Thập Yếu của Ngẫu Ích Đại Sư hay Tịnh Độ Tầm Thư của Cư sĩ Mao Lăng Vân. Nội dung sưu tập phong phú, số lượng lớn, đáng để đồng tu Tịnh Độ làm tư liệu học tập và tham khảo”.

Trên đây là sách tham khảo về Tịnh Độ. Còn chúng ta đã có Hòa Thượng rồi! Bản thân Ngài thông tông thông giáo với 70 năm cuộc đời đã tham chiếu qua những bộ sách này, đã hành pháp và đã thực nghiệm. Chỉ cần nghe theo Hòa Thượng, chúng ta đã là “ngư ông đắc lợi” rồi!

Hòa Thượng nói: “Người sơ học đều phải xem năm Kinh một Luận thì đối với việc tu học Tịnh Tông mới có thể dần dần mở ra được tâm lượng. Thế nhưng, những bộ sách đó chỉ là trợ tu còn chủ tu là một bộ Kinh”. Ý Ngài là nếu chúng ta chọn một bộ Kinh Vô Lượng Thọ làm chủ tu thì những bộ Kinh khác chỉ để tham khảo, giúp mình liễu giải hơn đối với Tịnh Độ.

Đây chính là nhất môn thâm nhập. Kinh Hoa Nghiêm dạy “một thông thì tất cả đều thông”. Vậy “một” đến từ đâu? Phải quay về tâm chân thành, tâm thanh tịnh mà thể nhập ở một pháp nào đó. Nhờ tâm chân thành mà Hòa Thượng lúc còn tại thế không những giảng thấu triệt Phật Pháp mà còn giảng giải tất cả các pháp ở thế gian như Nho giáo, Đạo giáo, Khổng giáo và các tôn giáo khác.

Còn chúng ta chạy đông chạy tây để cầu pháp mà không biết được rằng chỉ cần trở về tâm thanh tịnh, tâm chân thành thì không chỉ thiện hữu tri thức mà thậm chí Phật Bồ Tát sẽ tự tìm đến chúng ta vì các Ngài nhìn thấy “chúng sanh ứng cơ” – cơ duyên được độ đã chín muồi.

Hòa Thượng nói : “Bạn ở giữa cuộc đời mênh mông đầy đau khổ này, bạn tưởng là có một mình sao? Phật Bồ Tát luôn theo dõi bạn, chỉ cần đến lúc được độ thì các Ngài liền đến ngay”. Tuy nhiên, một khi tâm chân thành chưa đủ, khởi tâm động niệm vẫn là ảo danh ảo vọng, “tự tư tự lợi”, hưởng thụ “năm dục sáu trần, tham sân si ngạo mạn” thì sẽ không có sự gia trì của Phật Bồ Tát và long thiên thiện thần hộ pháp.

Cho nên Hòa Thượng thường nói Phật pháp là nội học, tức hướng đến tâm chân thành, thanh tịnh mà tìm cầu học vấn. Còn hướng ngoại truy cầu thì không thể hiểu sâu rộng. Như có người bố thí rất nhiều tiền tài nhưng không đạt được kết quả bởi họ ngoại tâm mong cầu, làm vì háo danh, làm trên hình thức và muốn có sự tán tụng của người khác còn nội tâm thì không hề chuyển đổi.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook