Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 21/04/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”
“CHƯƠNG II: PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ NIỆM PHẬT”
NÓI RÕ CÁCH ĐỐI TRỊ PHIỀN NÃO (PHẦN BẢY)
Mỗi chúng ta đều có tập khí, phiền não sâu nặng, những tập khí, phiền não này đã được kết tập từ vô lượng kiếp. Có người hỏi tôi, vì sao họ đã tu hành đã ba, bốn năm rồi nhưng họ vẫn chưa thể chuyển đổi tập khí, phiền não. Chúng ta đã sống trong tập khí, phiền não ba mươi, bốn mươi năm vậy mà chúng ta muốn sau ba, bốn năm tập khí, phiền não của chúng ta sẽ không còn, đây chính là chúng ta đang có tâm tham. Chúng ta cho rằng chúng ta đã tu hành ba, bốn năm nhưng trong thời gian đó, chúng ta cũng chưa chắc đã thật tu, thật học do vậy chúng ta không thể thật chuyển đổi. Chúng ta thường chỉ làm cho dễ coi hay như người xưa nói là chúng ta chỉ: “Làm bộ, làm tịch”. Nếu chúng ta thật làm thì chúng ta sẽ thật có kết quả!
Hòa Thượng nói: “Tín đồ Kitô giáo có thể thăng Thiên vì họ không có ý niệm hưởng thụ “vinh hoa phú quý” mà họ có ý niệm dâng tặng tất cả cho chúa. Nếu họ có ý niệm “vinh hoa phú quý” là của mình thì họ không thể lên Thiên đường vì họ chưa phá trừ được ý niệm về “cái ta”. Người tu hành các tôn giáo bạn muốn có được thành tựu thì họ cũng phải xa lìa “vinh hoa phú quý”. Nếu chúng ta cho rằng chúng ta đáng được hưởng thụ “vinh hoa phú quý” thì đó là chúng ta đã khẳng định “cái ta”.
Trong “Kinh Kim Cang” nói: “Nếu Bồ Tát có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng thì đó không phải là Bồ Tát”. Nếu chúng ta vẫn còn có ý niệm “cái ta”, “cái của ta” thì chúng ta không phải là người học Phật. Chúng ta phải buông xả không dính mắc ở nơi tâm. Chúng ta là đệ tử của Phật, khi chúng ta làm được bất cứ việc gì thì đó là nhờ ơn đức của Phật, công đức đó thuộc về Phật chứ không phải của chúng ta!
Khổng Lão Phu Tử cũng đã nói: “Thuật nhi bất tác”. Tất cả những lời Ngài nói đều là lời Ngài thuật lại lời của người xưa. Câu nói thể hiện sự kính nhường của Khổng Lão Phu Tử đối với các bậc tiền nhân. Thích Ca Mâu Ni Phật cũng nói: “Ta chỉ thuật lại lời mà bảy đời chư Phật đã nói”. Ngài cũng chỉ nói và làm theo lời của tiền nhân. Ngày nay, người thế gian cho rằng họ có thể tự sáng tạo, nghiên cứu và các công trình nghiên cứu đó là thuộc sở hữu của họ. Chúng ta học Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật đã dạy chúng ta, bao đời Tổ Sư Đại Đức đã làm ra điển phạm cho chúng ta, chúng ta học chuẩn mực Thánh Hiền, Khổng Lão Phu Tử đã dạy và rất nhiều tấm gương đức hạnh trong và ngoài nước đã làm ra chuẩn mực cho chúng ta vậy thì chúng ta chỉ cần nghe lời và thật làm là được! Điều tai hại nhất là chúng ta cho rằng mình “khôn” hơn Phật Bồ Tát và các bậc Thánh Hiền. Chúng ta không tin vào tiền nhân mà tự nghiên cứu ra các công trình của riêng mình. Đây là ý niệm vô cùng sai lầm!
Hòa Thượng nói: “Trong “Kinh Du Già Giới Bổn” nói: “Trọng tội thứ nhất chính là tự khen mình chê người”. Trong “Kinh Phạm Võng Giới Bổn” cũng nói: “Tự khen mình chê người là một trong bốn trọng tội”. Vì sao việc tán thán chính mình hạ thấp người khác lại nặng đến như vậy? Đó là vì chúng ta dính tướng, chúng ta chấp chặt “cái ta”. Trên “Kinh Kim Cang” nói: “Nếu Bồ Tát có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng thì đó không phải là Bồ Tát”. Nếu chúng ta có thêm cống cao ngã mạn, “tự dĩ vi thị” thì rất nghiêm trọng rồi!”. Chúng ta phiền não ngày một thêm nhiều là do chúng ta luôn thấy mình là nhất. Chúng ta thường đối trị phiền não bằng cách giống như chúng dùng đá đè lên cỏ, chúng ta tưởng rằng cỏ đã chết nhưng khi nào chúng ta bỏ cục đá ra thì phiền não vẫn còn y như cũ.
Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta có những tập khí này thì dù chúng ta làm nhiều việc tốt thì cũng chỉ có phước báu hữu lậu ở thế gian”. “Phước báu hữu lậu” là phước báu còn sót lại. Phước báu hữu lậu không giúp chúng ta vượt thoát sinh tử. Chúng ta muốn có phước báu vô lậu thì chúng ta phải trừ bỏ những tập khí này. Trên Kinh Phật dạy chúng ta: “Y giáo phụng hành”. “Y” là giống y hệt, không khác chút nào. Chúng ta làm khác đi, thêm vào một chút thì đó là chúng ta “tự dĩ vi thị”, tự cho mình là đúng. Chúng ta làm việc gì với tâm “cống cao ngã mạn” thì chúng ta sẽ luôn bị phiền não.