37Thứ Ba, 05/12/2023, 10:19

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 02/12/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 10

NÓI VỀ GIÁO DỤC GIA ĐÌNH

Hòa Thượng nói: “Người xưa có giáo dục gia giáo và giáo dục học đường. Giáo dục học đường chính là giáo dục tư thục. Trong “Lễ Ký”, thiên “Khúc Lễ” và thiên “Nội Tắc” giảng rất tường tận về việc này”. Khi trẻ còn nhỏ, chúng ta phải bồi dưỡng cho trẻ năng lực phân biệt chân vọng, tà chánh, phải quấy, hoạ phước.

Ngày trước chúng ta không được học nên hiện tại, chúng ta luôn làm theo tập khí, phiền não của mình. Thầy Thái từng nói: “Chúng ta chưa được học làm vợ, làm Cha, làm Mẹ mà chúng ta đã phải làm vợ, làm Cha, làm Mẹ!”. Chúng ta muốn làm Phật Bồ Tát thì trước tiên, chúng ta phải làm được phàm phu tiêu chuẩn. Ngài Viên Liễu Phàm đã làm được như một phàm phu tiêu chuẩn. Chúng ta muốn làm Phật Bồ Tát thì khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của chúng ta phải giống với Phật Bồ Tát. Trách nhiệm của chúng ta trong gia đình, đoàn thể rất nặng nề nếu chúng ta làm theo cách nghĩ, cách làm của mình thì chúng ta sẽ chướng ngại người khác.

Hòa Thượng từng nói: “Hằng ngày, chúng ta không làm chúng sanh phiền não đã là phước cho chúng sanh rồi”. Mỗi ngày, tôi đều quán sát mình có đang làm phiền người khác không. Lời nói của chúng ta có thể khiến cho người khác phiền lòng nhưng chúng ta nói với mục đích là để người đó tốt hơn thì chúng ta sẽ không tạo nghiệp. Tôi nhìn thấy hai mẹ con ngồi nói chuyện, người con nói cho người mẹ biết một số website là trang lừa đảo. Chúng ta không có năng lực phân biệt thiện ác, phải trái, tốt xấu thì chúng ta sẽ gặp đại hoạ!

Hòa Thượng nói: “Người có năng lực phân biệt thiện ác, phải trái, tốt xấu thì cả đời nhất định có thể “kiến công lập nghiệp”. “Kiến công lập nghiệp” không phải là chúng ta xây dựng cơ đồ cho chính mình mà chúng ta vì dân tộc, quốc gia phục vụ. Người có năng lực phân biệt thiện ác, phải trái, tốt xấu thì họ sẽ biết vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Một người có thể vì quốc gia, dân tộc thì họ phải sinh ra trong một gia đình có giáo dục chuẩn mực. Hòa Thượng từng kể, khi Cha của Hòa Thượng dẫn Ngài đến gặp Thầy để xin học, Cha của Ngài lạy ba lần, khấu đầu chín lần trước bàn thờ Tổ, sau đó lạy ba lần, khấu đầu chín lần trước mặt Thầy giáo. Hòa Thượng nhìn thấy Cha của mình kính trọng Lão sư như vậy thì Ngài không dám có một hành động bất tuân nào. Người ngày nay, không biết về những việc này, tôi cũng vậy, khi tôi biết về giáo dục truyền thống thì những người con của tôi đã trưởng thành. Nếu chúng ta xây dựng được giáo dục gia đình chuẩn mực thì những đứa trẻ lớn lên sẽ trở thành những người làm lợi ích cho quốc gia, dân tộc. Những đứa trẻ này chính là hiền tài, là nguyên khí của quốc gia.

Những đứa trẻ lễ phép, biết phân biệt tốt xấu, một phần là do chúng được giáo dục, một phần là do chúng có thiên tính thiện lương. Tôi được xem một video do một nhóm người thực hiện khảo sát, họ đưa cho đứa trẻ một hộp thức ăn và nói, nếu đứa trẻ ném hộp thức ăn đi thì họ sẽ cho nó tiền. Trong mười đứa trẻ tham gia thử thách thì có chín đứa trẻ ném hộp thức ăn đi và nhẫm chân lên thức ăn. Có một đứa trẻ được dạy rằng thức ăn là để nuôi dưỡng cơ thể nên nó đã từ chối ném hộp thức ăn đi. Tôi cảm thấy xúc động rơi nước mắt khi xem video này. Bên dưới hộp thức ăn đó mà đứa trẻ cầm có dòng chữ là bạn được tặng một ngôi nhà hoặc một chiếc xe ô-tô. Khi được nhận phần quà, người mẹ của đứa trẻ đã khóc vì cảm động. Đây là kết quả của sự giáo dục gia đình. Những đứa trẻ ném hộp thức ăn đi là những đứa trẻ không có năng lực phân biệt chân vọng, thiện ác, phải trái, tốt xấu, hoạ phước. Chúng ta muốn biết những điều này thì chúng ta phải được tiếp nhận giáo dục truyền thống từ gia đình.

Hòa Thượng nói: “Từ xưa đến nay, giáo dục dân tộc luôn được xem trọng nhất, giáo dục dân tộc gồm giáo dục gia đình, giáo dục học đường và giáo dục xã hội. Ba hình thức giáo dục này hoà thành giáo dục chỉnh thể giúp xã hội an định, phồn vinh, hưng vượng, quốc gia hùng cường, thế giới hoà bình. Có được sự giáo dục tốt đẹp thì chúng ta mới có thể cứu chính mình, cứu gia đình, cứu xã hội”. Người xưa nói: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Làm người trước tiên phải biết lễ nghĩa, Thầy phải ra Thầy, trò phải ra trò. Mỗi chúng ta phải làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình. Tổ Ấn Quang nói: “Đốn luân tận phận”. Chúng ta phải dốc hết trách nhiệm trong vai trò, trách nhiệm của mình. Nếu một người mà mắng chửi Cha Mẹ thì người đó không thể là người tốt, họ làm mọi việc đều do vụ lợi. Người xưa nói: “Một vị quan tốt xuất phát từ một người con hiếu hạnh”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook