65Thứ Sáu, 01/12/2023, 22:04
237 · Nói Rõ Về Luân Thường Đại Giáo - 3

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 01/12/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 10

NÓI RÕ LUÂN THƯỜNG ĐẠI GIÁO

(BÀI 3)

Nếu chúng ta có học vị cao nhưng chúng ta không được học về luân thường thì chúng ta cũng sẽ không biết cách đối nhân xử thế. Hòa Thượng nói: “Nhà Nho dạy người, thứ nhất là phải tường tận mối quan hệ giữa người và người. Người và người ở chung với nhau tự nhiên sẽ sinh ra thân thiết, yêu thương, kính trọng, giúp đỡ, cùng nhau hợp tác”. Con người không thể sống tách khỏi cộng đồng. Nhiều người niệm Phật cho rằng họ phải tránh xa cuộc đời. Phật không dạy chúng ta tránh xa thế gian mà Ngài chỉ dạy chúng ta không dính mắc, vướng bận vào việc thế gian. Tổ Ấn Quang dạy chúng ta phải: “Đốn luân tận phận”. Dốc hết trách nhiệm trong vai trò, trách nhiệm của mình. Ở trong gia đình, trong xã hội chúng ta có rất nhiều trách nhiệm.

Ngày trước, có một người phụ nữ nói với tôi, con trai của cô hồi nhỏ cũng ăn chay, niệm Phật cùng cô nhưng bây giờ khi nó 13 tuổi thì nó bỏ nhà đi. Cô nhờ tôi gọi điện cho người con để khuyên nó. Tôi nói, đứa trẻ không biết tôi là ai, nếu tôi gọi thì nó cũng sẽ mắng tôi. Khi còn nhỏ, đứa trẻ ăn chay, niệm Phật theo Mẹ vì nó không có sự lựa chọn khác nhưng nó đã không được dạy về bổn phận làm người. Chúng ta cũng muốn vãng sanh nhưng không nghĩ cách để dạy tốt thế hệ sau thì chúng ta cũng không thể ra đi được. Có những người làm trưởng tràng, phó tràng nhưng con của họ thì là những người hư hỏng, phá hoại. Tổ Ấn Quang dạy: “Chí thành cảm thông”. Chúng ta làm mọi việc bằng tâm chân thành thì chúng ta có thể cảm đến Trời đất, hoàn cảnh tự nhiên và những người xung quanh. Phật cũng đã nói: “Cảnh tùy tâm chuyển”. Hoàn cảnh xung quanh sẽ chuyển tùy theo tâm của chúng ta. Nếu hoàn cảnh không chuyển thì đó là do tâm chúng ta vẫn “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, “tham, sân, si, mạn”.

Người xưa đã nói: “Nhân chi sơ tính bổn thiện”. Con người vốn dĩ thuần thiện, thuần tịnh, là Phật sẽ thành nên chắc chắn họ sẽ có thể chuyển. Tổ Ấn Quang cũng đã nói: “Kiệt thành tự khả chuyển phàm tâm”. Tâm chúng ta chân thành đến tột đỉnh thì chúng ta nhất định sẽ chuyển được tâm phàm. Chúng ta chuyển được tâm phàm của mình thì chắc chắn hoàn cảnh xung quanh chúng ta sẽ chuyển. Tâm chúng ta không chuyển mà chúng ta muốn hoàn cảnh xung quanh chúng ta chuyển thì điều này không thể xảy ra.

Chúng ta sống trong xã hội, chúng ta phải sống hài hoà và làm ra chuẩn mực để mọi người sinh tâm ngưỡng mộ, kính trọng và hướng đến chúng ta học tập. Điều này tôi có cảm nhận sâu sắc! Chúng ta tặng rau, tặng đậu cho mọi người nhiều năm nay, ở các vùng miền, người của chúng ta đều sống vui vẻ với những người xung quanh, mọi việc diễn ra tốt đẹp, không có chướng ngại. Chúng ta làm hoàn toàn “chí công vô tư”, không vụ lợi thì chúng ta sẽ hài hoà với mọi người. Nếu chúng ta chân thành với mọi người trong suốt 365 ngày thì mọi việc sẽ dần chuyển biến tốt đẹp. Chúng ta không cần lánh xa thế gian, tìm nơi vắng lặng để khởi tu. Chướng ngại xuất phát từ chính chúng ta nên chúng ta xa lánh hoàn cảnh thì chướng ngại vẫn sẽ hiện hữu.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta không thể cách ly khỏi xã hội để sống đơn độc. Các dân tộc phải cùng tồn tại, phát triển với tập tục, tín ngưỡng riêng của mỗi dân tộc”. Chúng ta luôn cho rằng cách làm của mình đúng, của người không đúng nên chúng ta gặp chướng ngại trùng trùng. Người khác không tu, không có phép tắc là việc của họ! Chúng ta tu hành, chúng ta có chuẩn mực, phép tắc thì chúng ta sẽ làm người khác cảm thấy ấn tượng. Chúng ta muốn tìm nơi tịch tĩnh để tu thì đây là ý niệm sai lầm, chúng ta phải tiếp xúc với mọi người để họ có cơ hội thay đổi. Thầy Thái cũng đã nói: “Cuộc đời cần có những tấm gương”. Chúng ta xa lánh hoàn cảnh thì chúng sanh sẽ không có cơ hội nhìn thấy những tấm gương. Chúng ta tiếp xúc với hoàn cảnh cũng cần phải có trí tuệ, chúng ta muốn có được tâm cảnh này thì tâm chúng ta phải chân thành, thanh tịnh. Nếu chúng ta có trí tuệ thì chúng ta sẽ cảm nhận được chúng sanh nào có thể độ. Chúng ta cần làm điều này một cách linh hoạt, viên dung. Tâm chúng ta chân thành, thanh tịnh thì hoàn cảnh xung quanh chúng ta cũng sẽ chân thành, thanh tịnh.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook