Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 29/11/2023.
******************************************
TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC
Phần 3
Chương 10
NÓI RÕ VỀ LUÂN THƯỜNG ĐẠI GIÁO
BÀI 2
Làm người không nằm ngoài năm mối quan hệ luân thường. Thông qua học tập mà con người xử lý tốt các mối quan hệ này. Việc học tập phải bắt đầu từ khi còn nhỏ, thậm chí từ lúc trong thai mẹ.
Hòa Thượng nói: “Người xưa đem nhân luân phân làm năm loại. Phạm vi nhỏ nhất chính là vợ chồng ở chung một gian phòng. Ngoài phòng là nhà, có cha con, anh em. Ngoài nhà là xã hội, có bạn bè, có cấp trên cấp dưới.”
“Trong đó, mối quan hệ có huyết thống gọi là thiên luân và mối quan hệ đạo nghĩa gọi là nhân luân. Cha con có tình thân là quan hệ huyết thống - quan hệ thiên luân. Bạn bè có tín, quân thần có nghĩa. Đây là đạo nghĩa được xây dựng trên mối quan hệ nhân luân,” Hòa Thượng chỉ dạy.
Ngài nói “Mục đích giáo học thời xưa có ba điều. Thứ nhất là dạy chúng ta tường tận mối quan hệ giữa người và người tức là dạy cách làm người, cách đối nhân xử thế. Đây là giáo dục luân lý.”
Việc “Giáo dục của người xưa bắt đầu từ rất nhỏ”, Hòa Thượng nói. Giai đoạn vàng chính là Thai giáo. Trong quá trình hình thành, thai nhi đều có thể tiếp nhận được giáo dục.
Có câu chuyện rằng một đứa trẻ độ tuổi mầm non, 2-3 tuổi đã biết nói lời yêu đương. Sau khi tìm hiểu thì hóa ra là lúc thời kỳ mang thai, mẹ của bé thích xem phim tình cảm Hàn Quốc khiến bé học yêu đương từ trong bụng mẹ.
Mẹ của Thầy Chung Mao Sâm khi mang thai liền về bên nhà ngoại. Từ nhỏ, Thầy được dạy cẩn thận. Bà từng nói: “Ta không thể là tiến sỹ nhưng mà là mẹ của tiến sỹ”. Bà cũng có thể chưa là Thánh nhân nhưng sẽ là mẹ của Thánh nhân.
Giáo dục thai giáo được Cổ Thánh Tiên Hiền dạy từ lâu chứ không phải là phát minh mới. Trong cuốn Đồng Môn Dưỡng Chánh, người xưa dạy: “Ấu niên dưỡng tánh, Đồng niên dưỡng chánh, Thiếu niên dưỡng chí, Thành niên dưỡng đức”.
Từ 0-3 tuổi là dưỡng tánh; từ 4-13 tuổi là dưỡng chánh; từ 13-30 tuổi là dưỡng chí và sau 30 tuổi thì dưỡng đức. Người được tiếp nhận giáo dục như vậy chắc chắn sẽ trở thành Thánh thành Hiền.
Ngày nay, nhiều người con than phiền việc Cha Mẹ bất hòa, ly dị. Chuyện này không lạ vì họ không nhận được giáo dục Thánh Hiền. Đến thế hệ chúng ta nếu không tỉnh ngộ thì đời sau vẫn đi theo lối mòn đó.
Mỗi cá nhân để ứng xử trong mối quan hệ ngũ luân thì cần nhận được “giáo dục luân lý” và trong quá trình hoàn thiện bản thân thì cần nhận được “giáo dục đời sống”.
Hòa Thượng nói: “Quy củ của nhà Nho bắt đầu từ lúc tiểu học, cùng tiểu học hiện tại thì không như nhau. Quy củ của nhà Nho là bồi dưỡng đức hạnh từ lúc nhỏ. Trẻ nhỏ biết nghe lời thì dạy chúng giữ quy củ, dưỡng thành thói quen. Trong Lễ Ký có ghi chép rằng dạy cho tiểu học là giáo dục đời sống”.
“Giáo dục đời sống” chính là quét nhà, tưới cây, nấu cơm giặt đồ, giúp ích mọi việc trong gia đình, biết hiếu thân tôn sư và ứng đối đi thưa về trình. Lúc nhỏ chỉ dạy như thế.
Về học thuật, Hòa Thượng nói: “Lợi dụng sức nhớ của trẻ mạnh mẽ thì dạy chúng học thuộc. Ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, khởi tâm động niệm, chúng sẽ nghĩ đến tiêu chuẩn của Cổ Thánh Tiên Hiền”.
Bản thân chúng tôi chứng kiến khi gọi trẻ hoài mà chúng không thưa thì nhắc “Cha Mẹ gọi”, chúng liền nghĩ đến nửa sau của câu thơ là “trả lời ngay”. Bảo chúng đi rửa thì chúng nhùng nhằng không đi rửa, chỉ cần nói “Cha Mẹ bảo” là chúng biết “chớ làm biếng”.
Đúng như Hòa Thượng nói một khi trẻ thuộc lời dạy của Thánh Hiền thì ở bất cứ hoàn cảnh nào chúng cũng nhớ ra. Ví dụ như đi đụng vào góc, đau điếng thì chợt nhớ “Rẽ quẹo rộng, chớ đụng góc”.
Hòa Thượng nhấn mạnh:“Lúc nhỏ học thuộc những thứ cần học thì cả đời không thể quên được. Không luận lúc nào, thời gian nào cũng đều nghĩ đến giáo huấn của Cổ Thánh Tiên Hiền”.
Vì không được học nên người ta tranh giành kiện tụng đất đai. Nếu được học thì liền biết: “Tiền của nhẹ oán nào sanh; Lời nhường nhịn tức giận mất.” Hay có bất hòa anh em thì “Anh em thuận hiếu trong đó”.