40Thứ Ba, 28/11/2023, 10:23
234 · Nói Về Phương Pháp Học Tập Thuyết Giảng - 3

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 27/11/2023.

**********************************

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC

Phần 3

Chương 9

 NÓI VỀ PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP THUYẾT GIẢNG

BÀI 3

Người làm công tác giảng dạy, trong quá trình tu học hay làm việc, “phải có tâm đắc” mới làm ra kiệt tác và việc giảng dạy chính là phương pháp tu định.

Hòa Thượng nói: “Quan trọng nhất chính mình học tập phải có tâm đắc. Đây là điểm mấu chốt.” Khi ấy, bài giảng mới có vị đạo và người nghe nhất định sẽ bị thuyết phục.

Ngài khẳng định: “Nếu không khế nhập cảnh giới này thì cho dù nói hay đến đâu đi chăng nữa, người nghe cũng không cảm thấy thú vị. Bởi vì bạn nói cảnh giới của người khác chứ không phải nói ra cảnh giới nội tâm của bạn. Không phải từ trong tự tánh của chính mình lưu xuất ra.”

Người học tập giáo huấn của Phật, Thánh Hiền phải có sự cảm nhận, thể hội ở nội tâm thì khi thuyết giảng mới mạnh mẽ, chân thật. Lời nói xuất phát từ nội tâm sẽ chinh phục người nghe như khi làm thơ, thơ xuất ra từ nội tâm sẽ động lòng người.

Tuy nhiên, Hòa Thượng nhấn mạnh “Từ ở trong tự tánh mà lãnh ngộ được, mà lưu xuất ra thì vẫn là còn cạn. Nó hoàn toàn ở nơi tự tánh của mình rồi, nó lưu xuất ra thì mới là sâu.” Thật vậy, sự lãnh ngộ phải thật sự ở nơi chính mình, đã là của chính mình rồi lưu xuất ra thì mới là sâu.

“Việc này phải thông qua sự dụng công thường ngày của chính mình,” Hòa Thượng nói, ý của Ngài là phải thật làm, thật thể hội, khiến nó trở thành một việc bình thường diễn ra hằng ngày của chúng ta, chứ không phải mới diễn ra hoặc lúc có lúc không.

Quá trình học tập thuyết giảng, Hòa Thượng chỉ dạy là “Mỗi ngày chí ít tập giảng một tiếng rưỡi hoặc tốt nhất là giảng hai tiếng đồng hồ không được gián đoạn. Mỗi ngày niệm Phật chí ít tám giờ đồng hồ, không ngày nào trống qua”.

Một khi phát được tâm này, Hòa Thượng khẳng định là “sẽ được chư Phật Như Lai gia trì. Không sợ bạn không có trí tuệ, quan trọng là chính mình có làm hay không!

Niệm Phật tám giờ thì chúng ta chưa làm được do đó, phải đưa ra lựa chọn phù hợp. Chúng ta chọn làm việc và trong quá trình làm việc thì giữ tâm thanh tịnh. Nhiều năm qua chúng tôi ghi nhớ và thực hành lời dạy của Hòa Thượng về người quân tử nên dụng tâm: “Thấy lợi không màng, thấy khó dấn thân vào” để làm các việc lợi ích chúng sanh và niệm Phật.

Vấn đề ở chỗ chính mình có chịu làm, có phát tâm làm hay không. Nếu bạn giảng 10-20 năm thì có lý nào mà không thành công. Chúng ta giảng Kinh hay làm công tác giảng dạy, cũng là phương pháp tu tam muội (tức là tu định). Đây là ngôn thuyết tam muội. Hy vọng đồng học chúng ta đều có thể chăm chỉ nỗ lực, chính mình phải khích lệ chính mình.

Thời gian đầu khi học tập Khai Thị 1200 Đề Tài của Hòa Thượng Tịnh Không, chúng tôi cảm thấy vô cùng khó, nhưng rồi cũng vượt qua. Những buổi học sau có thể nói là buông bỏ hết thân tâm thế giới. Đó là một giờ chúng tôi sống trong sự thanh tịnh, lắng lại hết phiền não vọng tưởng.

Trải nghiệm này thật đúng như Hòa Thượng đã nói, giảng dạy chính là phương pháp tu tam muội. Đây là cảnh giới của Hòa Thượng khi bao năm giảng dạy, Ngài sống trong định, không bị “danh vọng lợi dưỡng” làm dao động. Ngài vì lợi ích cho chúng sanh mà sách tấn mọi người cùng làm để đạt được tâm đắc.

Chúng ta không đạt được tâm đắc tức là chưa có niềm vui. Có lẽ vì “danh vọng lợi dưỡng” hay sự được mất, hơn thua vẫn đang chi phối, ngự trị trong chúng ta. Cũng như vậy, có người khởi tâm động niệm đều vì mình, vì gia đình mình còn Hòa Thượng suốt cuộc đời toàn tâm toàn lực đều vì chúng sanh.

Cho nên, Ngài quan tâm đến việc kế thừa mạng mạch hoằng truyền Phật Pháp và giáo huấn Thánh Hiền. Người tại gia tuy bị cơm áo gạo tiền bủa vây nhưng vẫn có người làm tốt việc này ví dụ như cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Theo Hòa Thượng, quan trọng là phát đại tâm đại chí thì thuyết giảng 5, 10 hay 20 năm nhất định sẽ thành công.

Nếu thuyết giảng được thấu triệt thì tạo thuận lợi để thực tiễn tốt hơn. Thông qua việc tặng rau và đậu phụ cho đại chúng trong tâm yêu thương, chúng ta đã thực tiễn được lời dạy về bố thí cúng dường của Phật Đà và Thánh Hiền. Còn khi đối nhân xử thế tiếp vật hay trước lúc hành động tạo tác, chúng ta nhớ ngay tới và thực hiện theo lời giáo huấn của các Ngài.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook