Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 26/11/2023
**********************************
TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC
Phần 3
Chương 9
NÓI VỀ PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP THUYẾT GIẢNG
BÀI 2
Người học thuyết giảng Kinh Pháp hay chuẩn mực Thánh Hiền nhất định phải chú trọng đến yếu tố đức hạnh của mình, phát tâm “Tác Sư Tác Phạm” – làm thầy mô phạm ở ngay mỗi vị trí và vai trò mình đang đảm nhiệm.
Hòa Thượng nói: “Phải phát được đại tâm và lập đại chí: Học làm thầy người và hành làm khuôn mẫu cho đời thì ngay một đời chúng ta có thể được độ và còn có thể giúp ích được người khác”. Khi đó, việc học tập, lao động hay sinh hoạt của chúng ta đều đang “Tác Sư Tác Phạm”.
Kỹ Thuật giảng Kinh, thuyết Pháp rất quan trọng nhưng không khó, chỉ cần thời gian một đến ba tháng học tập là đủ. Song yếu tố phẩm đức của con người thì quan trọng hơn, hoàn toàn phụ thuộc vào mỗi đồng học phải tự giác.
Hòa Thượng nói: “Nếu không có đức hạnh thì cho dù bạn nói được hoa trời rơi rụng cũng chẳng ích gì, vẫn cứ là tự gạt mình gạt người, vẫn cứ là tạo tác ác nghiệp. Sau cùng vẫn lại đọa lạc”.
Phương pháp học tập là trùng tuyên lại ba lần 40 tập bộ sách “Con Đường Dẫn Đến Nhân Sinh Hạnh Phúc” của Thầy Thái Lễ Húc một cách nhuần nhuyễn. Từ chỗ đọc sẽ trở thành thuyết giảng lúc nào không hay. Nhưng đức hạnh thì phải tu dưỡng, theo Hòa Thượng là phải lập chí lớn tiếp nối chuẩn mực Thánh Hiền.
Đã phát tâm như thế thì nhất định mình phải “Tác Sư Tác Phạm”, phải luôn kiểm soát chính mình, để tấm gương này đạt mức tốt nhất, phẩm hạnh của mình ngày một nâng cao. Chúng sanh nhìn vào học tập cũng được lợi ích.
Đáng chú ý là phải “Lấy chí của Thầy làm chí của mình, tiếp nối hoằng truyền Thánh giáo” như lời bài hát của Thầy Định Hoằng và một nhóm các quý Thầy sáng tác. Kết quả gặt hái được là ngay trong đời này không chỉ lợi ích tha nhân mà chính mình được độ - nghĩa là vượt thoát được sanh tử.
Trong cuộc sống hằng ngày, đối nhân xử thế tiếp vật, hành động tạo tác đều phải nỗ lực tạo ra tấm gương điển phạm. Cho nên, tấm gương đó không thể mang quá nhiều tỳ vết, quá nhiều khuyết điểm sẽ khiến người khác học theo những khuyết điểm đó.
Sự nhắc nhở này của Hòa Thượng, xuất phát từ trải nghiệm sống của Ngài, rất thiết thực với chúng ta. Nếu mình chuẩn mực nghiêm túc thì người xung quanh sẽ chuẩn mực nghiêm túc. Ngược lại thì người xung quanh sẽ tùy tiện phóng túng buông lung.
Chỉ cần chủ quan thì những tập khí đó sẽ thượng phong. Nếu trong cuộc sống đều có thể “Tác Sư Tác Phạm” và ôm ấp điều này như một nguyện vọng thì nguyện vọng ấy sẽ là động lực giúp chúng ta vượt thắng tập khí, luôn tinh tấn, không buông lung giải đãi. Mỗi ý niệm, hành động đều “Tác Sư Tác Phạm” thì dần dần chúng ta sẽ chuẩn mực, tự nhiên sẽ chuyển phàm thành Thánh.
Đơn cử như việc dọn cỏ làm đất, bón phân trồng rau có thể khiến chúng ta vừa nhìn đã nghĩ rằng khó nhưng khi bắt tay vào làm thì vẫn xong việc. Tư duy này là thói quen nhiều năm sống chểnh mảng khiến cản trở năng lực vốn vô hạn của mình. Một đám cỏ cần phải nhổ hay mọi việc cần làm, hãy nghĩ mình đã bắt đầu nghiêm túc chưa? Nếu khởi động mà khó khăn thì kết quả sẽ không tốt.
Là học trò của Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, chúng ta phải phản tỉnh rằng các Ngài không hề có tâm thái chểnh mảng, buông lung, giải đãi và tùy tiện. Thế cho nên, nhất định phải tu dưỡng phẩm đức.
Hòa Thượng nói: “Bồi dưỡng đức hạnh, cơ bản nhất là tu học Tịnh Nghiệp Tam Phước trên Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Phước thứ nhất chính là năm giới mười thiện, đây là căn bản”. Nếu không làm được phước thứ nhất gồm “Hiếu dưỡng Phụ Mẫu, Phụng Sự Sư Trưởng, Từ Tâm Bất Sát, Tu Thập Thiện Nghiệp”, thì chính là phá giới.
Hòa Thượng khẳng định: “Có đức hạnh mới có thể được chư Phật Bồ Tát hộ niệm, long thiên thiện thần bảo hộ. Nếu phá giới, tâm địa bất thiện thì cho dù bạn giảng kinh có tốt và pháp duyên bạn thù thắng đến đâu đi chăng nữa, xung quanh bạn chỉ là yêu ma quỷ quái. ”