Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bẩy, ngày 25/11/2023
**********************************
TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC
Phần 3
Chương 9
NÓI VỀ PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP THUYẾT GIẢNG
BÀI 1
Hàng Phật tử tại gia hay người học chuẩn mực của người xưa cần phát khởi tâm chân thành mà học tập làm người thuyết giảng, góp phần phát huy rực rỡ đạo đức chuẩn mực của Thánh Hiền.
“Thời buổi hiện đại, nhân tài hoằng pháp càng lúc càng hiếm. Bồi dưỡng nhân tài là việc vô cùng cần thiết và phải mất một thời gian dài bồi dưỡng giáo dục thì mới có được thành tựu,” Hòa Thượng đang nói về số người giảng Kinh thuyết Phật Pháp ngày một giảm. Lĩnh vực này dành cho người xuất gia.
Chúng ta là hàng Phật tử tại gia hoặc đang học đạo đức Thánh Hiền cũng nhận thấy người giảng về chuẩn mực Thánh Hiền càng lúc càng ít đi trong khi nhu cầu thì càng ngày càng nhiều lên. Vậy 50 đến 100 năm sau việc tiếp nối Văn hóa Truyền thống sẽ ra sao?
Hoằng truyền Phật pháp là việc của người xuất gia còn thúc đẩy Văn hóa Truyền thống, chuẩn mực người xưa thì hàng tại gia chúng ta đều có thể làm được. Ngay cả người không có học thức và năng khiếu vẫn làm được. Chỉ cần họ thành tâm thành ý muốn phát dương quang đại chuẩn mực Thánh Hiền.
Bản thân chúng tôi không có năng khiếu và lời nói không trơn tru, bóng bẩy như người khác. Thậm chí, có người nói rằng: “Thầy giảng như một ông nông dân”.
Chỗ này Hòa Thượng nói “Chúng ta giảng không được hay thì phải làm sao? Hãy cầu Phật, Bồ Tát gia trì!” Ý của Ngài khuyên chúng ta dụng tâm chân thành, toàn tâm toàn ý mà phụng hiến chứ không phải mang tâm ảo danh ảo vọng mà cầu Phật Bồ Tát.
Người có tài năng, năng khiếu tham gia giảng dạy thì tuyệt vời, nhưng người có tâm chân thành thì sẽ cảm ứng tốt hơn.
Hòa Thượng nói: “Tôi thường hay nói tôi không biết giảng Kinh. Tôi hy vọng Phật Bồ Tát mượn thân tôi để giảng. Thân thể của tôi miễn phí, tôi cho Phật Bồ Tát mượn sử dụng vô điều kiện. Phải chân thật phát tâm này”.
Chúng ta cũng học Hòa Thượng phát tâm cho Phật, Bồ Tát mượn thân này hoàn toàn miễn phí. Phát tâm này thì trong ta không còn phân biệt chấp trước. Nếu còn phân biệt chấp trước thì không thể đề khởi được tâm này.
Ngài sách tấn chúng ta: “Nhất định không được vì chính mình mà phải vì tất cả chúng sanh, phải vì Phật pháp”. Đây là Hòa Thượng đang nói với người phát tâm giảng Kinh. Còn nếu phát tâm giảng chuẩn mực Thánh Hiền thì phải vì giáo huấn của Thánh Hiền.
Hòa Thượng cảnh báo rằng: “Điều then chốt là những nhân tài giảng giải này phải là người có đức hạnh. Nếu không có đức hạnh mà chỉ có tài hoa chẳng những không thể làm được việc mà còn tạo nghiệp”.
Có một ít tài hoa, lợi khẩu, rồi nói lời trống rỗng, nói những điều mà mình chưa từng làm, vậy thì chẳng phải là tạo nghiệp hay sao? Lời sách tấn mạnh mẽ này của Hòa Thượng rất phù hợp cho những người đang làm công tác giáo dục.
Tài hoa chỉ là hỗ trợ chứ không dùng tài hoa để làm công tác giảng dạy, mà phải dùng đức hạnh. Cho nên Hòa Thượng nói: “Bồi dưỡng nhân tài không khó mà bồi dưỡng đức hạnh mới vô cùng khó”.
Người tài hoa mà không có đức hạnh dễ rơi vào cạm bẫy của “danh vọng lợi dưỡng”. Chúng ta biết việc này chắc chắn sẽ xảy ra khi chúng ta tiếp xúc với đại chúng xã hội. Tuy nhiên, chúng ta phải đối trị rất ngặt với nó mới kiểm soát được. Hoặc ta nhờ vào ai đó kiểm soát mình.
Điều này chúng tôi thể hội sâu sắc vì mình đã từng đào tạo ra những người rất giỏi, nhưng khi giỏi rồi họ lại muốn làm Thầy của Thầy và cũng có người không vượt qua được mà cứ chìm vào “danh vọng lợi dưỡng”.
Xã hội hiện đại có độ mê hoặc nhiều hơn so với xã hội thời xưa bởi “danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần”. Chúng ta từng nghe chỉ cần lợi 200 lần thì có người đã dám làm liều, mà nếu lợi gấp 1000 lần thì đúng là con người ta dễ đổ vỡ, thối thất.
Người xưa sống trong hoàn cảnh ít cám dỗ hơn nhưng họ đều hết sức cẩn thận mà phòng phạm, lo lắng bị thối chuyển. Người ngày nay rất dễ bị cám dỗ, nhưng lại tùy tiện không có thái độ phòng phạm. Đây tâm bệnh của chúng ta mà Hòa Thượng đã chỉ ra.