114Thứ Bảy, 25/11/2023, 09:32
231 · Đề Xướng Hiếu Đạo Và Sư Đạo - 8

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 24/11/2023

**********************************

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC

Phần 3

Chương 8

ĐỀ XƯỚNG SƯ ĐẠO VÀ HIẾU ĐẠO

BÀI 8

Người học Phật ở bất kỳ nơi đâu, làm bất kỳ công việc gì mà có thể dụng tâm “Hiếu Kính” từ trong tánh đức lưu lộ một cách tự nhiên thì chính là đang hành Bồ Tát đạo, chính là đang tu hành thành Phật.

Hòa Thượng nói: “Phật Bồ Tát đến nơi nào để tu vậy? Ở trong viện dưỡng lão thì tu hành cũng thành Phật, thành Bồ Tát. Ở nơi đây hành Bồ Tát đạo, tu Bồ Tát hạnh.

Câu nói này của Ngài cho thấy chỉ cần chúng ta dụng tâm “Hiếu Kính” thì không chỉ ở trong viện dưỡng lão mà ngay trong trường học, trong công ty, trong mọi môi trường làm việc, chúng ta đều có thể tu hạnh của Bồ Tát.

Vậy phải “Hiếu Kính” như thế nào? Đó là hiếu thuận với tất cả người già và tôn kính họ như tôn kính Phật Bồ Tát, Thượng Đế, cũng chính là đã nâng cao được “Hiếu dưỡng Phụ mẫu” thành hiếu dưỡng với tất cả chúng sanh.

Hay như Ngài Phạm Trọng Yêm từng nói: “Lão ngô lão dĩ cập nhân chi lão, ấu ngô ấu dĩ cập nhân chi ấu” - thấy người già như thấy Cha Mẹ mình, thấy người trẻ như thấy con em mình. Chăm sóc họ như chính người thân của mình.

Cho nên trước tiên chúng ta thực hành “Hiếu Thân Tôn Sư” với Cha Mẹ và Thầy mình. Từ tinh thần cá nhân đó mới có thể bước sang tinh thần phục vụ xã hội đại chúng. Ví dụ một vị quan tốt phải xuất thân từ người con hiếu hạnh, biết yêu cha mẹ mình thì mới biết yêu thương cha mẹ của thiên hạ

Hiếu Kính” nhìn từ góc độ nhân quả, Hòa Thượng nói: “Chúng ta rồi cũng sẽ già, nếu có thể chăm sóc, kính yêu nuôi dưỡng người già thì tương lai chính mình có quả báo thù thắng”.

Nhân gian thường nói “Kính Lão Đắc Thọ”. Kính già thì mới được làm người già vậy nuôi dưỡng phụng dưỡng chăm sóc người già thì chúng ta sẽ được phước báu có người chăm sóc chúng ta. Đây chính là sự vận hành của nhân quả.

Tuy nhiên, Hòa Thượng cảnh báo rằng: “Nếu chúng ta sợ được mất, sợ thành bại, sợ tốt xấu mà không dám làm thì đến khi về già, bạn sẽ không có người chăm sóc. Lúc này, bạn mới cảm nhận được sự thống khổ, có hối hận cũng không kịp

Gần đây chúng tôi phản tỉnh lớp trẻ rằng nếu không tích cực hy sinh phụng hiến thì khi về già muốn làm cũng không được vì tâm có thừa mà sức không đủ. Tuổi trẻ đừng bao giờ sai lầm khởi ý niệm nghỉ ngơi mà hãy cố gắng tạo ra nhiều sản phẩm, tạo nhiều công việc giúp ích chúng sanh.

Chúng tôi cũng kêu gọi các bạn trẻ không nên lãng phí ngày Chủ Nhật mà hãy đến các nơi nuôi già, dạy trẻ, xông pha các lớp học “Trải Nghiệm Sống” để làm những việc lợi ích người khác, thực tiễn tâm từ bi bác ái của mình. Việc này chính là cách tu phước, tích phước và tiết phước thì tuổi già sẽ an ổn một cách tự nhiên.

Ngược lại, nếu ngồi đó vọng tưởng sợ được mất, lời lỗ, hơn thua mà không quyết tâm làm các việc “Hiếu Kính” thì khi về già không có người chăm sóc, lúc đó mới cảm nhận sự thống khổ, có hối cũng không kịp!

Trong nhiều năm qua, cho dù có bệnh, chúng tôi luôn tự nghĩ rằng mình còn khỏe nên phải cố gắng làm những việc lợi ích chúng sanh. Ý niệm “Ngày Nghỉ” hay làm việc để tích công bồi đức chúng tôi cũng không hề có. Nếu trạng thái này đạt được 100% thì sẽ trở thành công đức, sẽ giúp chúng ta thoát sinh tử.

Nỗ lực trên có được là do năng lực của chúng ta là vô hạn. Tuy nhiên, chúng ta luôn bị vọng tưởng và các tập khí xấu ác ngăn ngại khiến mình lơ là, qua loa, chểnh mảng, phòng túng, tùy tiện.

Chúng ta phải mau mau thay đổi tập khí của mình bởi càng để lâu tập khí biến thành tự nhiên thì rất khó. Bước qua tuổi 40 đã khó, 50 tuổi khó hơn, 60 tuổi gần như tập khí trở thành tự nhiên và sau 70 tuổi là vô cùng khó.

Ngày nay nhiều người học Phật sống tùy thuận theo vọng tưởng, tập khí phiền não của mình. Họ chỉ quan tâm mọi thứ xung quanh phục vụ vọng tưởng của mình, chứ không thấy thứ bên ngoài. Mọi việc họ làm chỉ là để thỏa mãn phiền não tập khí chứ không phải vì chúng sanh.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook