105Thứ Sáu, 24/11/2023, 15:51

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 23/11/2023

**********************************

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC

Phần 3

Chương 8

ĐỀ XƯỚNG SƯ ĐẠO VÀ HIẾU ĐẠO

BÀI 7

Người học Phật cần phát huy tâm thuần thiện, chân thành để thấy mọi người già đều chính là cha mẹ mình mà hiếu dưỡng và thấy những người trẻ như chính con em mình mà dạy dỗ cho đúng cách.

Đây chính là thực tiễn tinh thần từ bi bác ái”, Hòa Thượng nói. Làm được như thế mới nâng tầm của mình lên đúng với tâm của người học Phật Pháp Đại Thừa.

Tinh thần của Phật Pháp Đại Thừa cho rằng: “Tất cả thân nam nhân là cha ta thời quá khứ và là vị Phật tương lai. Tất cả thân nữ nhân đều là mẹ ta thời quá khứ và cũng là vị Phật tương lai”. Đã là Cha là Mẹ thì phải phụng dưỡng, phải y giáo phụng hành và phải “Hiếu Kính”.

Vậy phải phụng dưỡng và “Hiếu Kính” như thế nào cho đúng? Trước tiên phải xây dựng tâm hiếu trên nền tảng chuẩn mực của Thánh Hiền, phải làm tốt bổn phận trong mỗi vai trò mà mình đảm nhiệm. Cha phải ra Cha, con phải ra con, chồng phải ra chồng, vợ phải ra vợ, Thầy phải ra thầy, trò phải ra trò, người dưới và người trên rõ ràng bổn phận.

Ngoài việc chăm lo vật chất nhưng không chấp nặng vào đây, người làm con phải biết nghiêng nặng về tinh thần. Tức là ngoài dưỡng thân còn phải biết dưỡng tâm và dưỡng chí cho Cha Mẹ. Làm sao giúp Cha Mẹ mỗi ngày được trải qua đời sống an lạc, thanh tịnh và luôn ở trạng thái sẵn sàng giúp ích cho người khác.

Sau khi cắm gốc hiếu trên nền tảng chuẩn mực Thánh Hiền, chúng ta phải mở rộng nền tảng đó thành “Hiếu Kính” như lời Phật dạy, nghĩa là đem “Hiếu Dưỡng Phụ Mẫu, Phụng Sự Sư Trưởng” của thế gian hiếu dưỡng và phụng sự tất cả chúng sanh.

Hòa Thượng chia sẻ: “Khi 14 tuổi, tôi đã rời xa quê hương. Nhiều năm liền không có cơ hội đoàn tụ với Cha Mẹ cho nên ơn dưỡng dục của Cha Mẹ luôn canh cánh trong lòng. Mỗi giờ mỗi phút đều nghĩ đến giáo dục của Phật Tổ và Cổ Thánh Tiên Hiền” .

Câu nói này cho thấy tâm hiếu đã thúc đẩy Hòa Thượng dành thời gian trau dồi giáo huấn của Phật Tổ và Cổ Thánh Tiên Hiền. Cách làm này rất trí tuệ vì giáo huấn của các Ngài mới giúp chúng ta hiếu dưỡng Cha Mẹ đúng cách và làm lợi ích cho chúng sanh.

Người thế gian hiếu dưỡng theo cách riêng của mình, thuận theo tập khí phiền não chứ không thuận theo chuẩn mực của Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền. Hiếu dưỡng ở thế gian là hiếu của “tự tư tự lợi” chứ không phải hiếu của sự bao dung.

Có người khư khư dành trọn cuộc đời mình để phụng dưỡng Cha Mẹ nhưng lại không biết quan tâm đến người khác, tự thân cũng không nỗ lực vượt qua được phiền não. Đó là hiếu trên tướng chứ không phải hiếu trên tâm.

Thậm chí có người ngày ngày nuôi Cha Mẹ giống như nuôi một vật cưng. Cho nên đây không phải là thật hiếu, không phải là cách hành hiếu của bậc trí. Tuy nhiên, vẫn có người cho rằng phụng dưỡng như thế là thực hành phước thứ nhất trong “Tịnh Nghiệp Tam Phước”.

Việc đáng nói là ngày nay nhiều người học Phật vẫn hành hiếu như người thế gian, tùy thuận theo tập khí phiền não của Cha Mẹ và từ đó lại dẫn khởi phiền não của chính mình.

Phiền não của Cha Mẹ xuất phát từ việc Cha Mẹ chưa tu hành, chưa học Phật Bồ Tát Thánh Hiền nên khởi tâm động niệm đều là “tự tư tự lợi”, luôn ở trạng thái tình chấp nghiêm trọng, càng gần đến ngày cuối đời thì tình chấp càng nhân đôi, nhân ba.

Có những người Cha, người Mẹ thấy con giúp ích người khác hoặc cúng dường làm lợi ích chúng sanh thì lại nghĩ cách để can ngăn, thường hỏi sao không giúp anh chị em trong nhà mà cứ đi giúp người ngoài.

Do đó, việc hành hiếu ở thế gian là việc hệ trọng, không hề dễ dàng, đòi hỏi phải có tư duy. Trong quá trình hành hiếu, chúng tôi không nhận đất thừa kế, ngưỡng mong Mẹ về già sẽ có thêm khoản thu nhập, nhưng người thế gian – vốn đầy rẫy “tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần và tham sân si mạn” không cùng suy nghĩ như thế mà đã chuyển đất đai thành các cuộc nhậu.

Cho nên chúng ta phải có trí tuệ, mình học Phật Pháp thì phải tìm cách vươn lên, thoát ra và mở rộng tâm lượng của mình, vừa phụng sự “Hiếu Kính” Cha Mẹ lại vừa phụng sự “Hiếu Kính” tất cả chúng sanh. Làm được như thế thì may ra có được một chút phước báu cúng dường tới Cha Mẹ và giúp ích được cho thân bằng quyến thuộc.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook