95Thứ Năm, 23/11/2023, 15:56

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 22/11/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 8

ĐỀ XƯỚNG HIẾU ĐẠO VÀ SƯ ĐẠO

(BÀI 6)

Hòa Thượng nói: “Kính lão tôn hiền, hiếu thân tôn sư là một mỹ đức tốt đẹp của dân tộc. Hơn 3000 năm nay, từ các triều đại Hạ, Thương, Châu và mãi đến cuối thời nhà Thanh, tổ tiên của chúng ta đã đời đời tiếp nối truyền thống hiếu kính. Khổng Lão Phu Tử đã sáng lập giáo học tư thục, xây dựng nền tảng cho giáo dục gia đình. Nội dung giáo dục từ thời xưa cho đến thời cận đại đều không thay đổi”. Từ ngàn xưa hay đến ngày sau, truyền thống hiếu kính sẽ luôn được con người xem trọng.

Hòa Thượng nói: “Giáo dục xưa được xây dựng trên nền tảng hiếu thân tôn sư. Trong hiếu thân thì dưỡng lão là quan trọng nhất”. Trong hiếu thân thì dưỡng lão là quan trọng nhất vì khi Cha Mẹ già sẽ cần người chăm sóc. Giáo dục Thánh Hiền lấy hiếu đạo làm nền tảng. Phật đạo cũng lấy hiếu đạo làm nền tảng. Nhiều người niệm Phật cho rằng, việc đề xướng hiếu thân tôn sư là xen tạp thậm chí họ cản trở người khác học hiếu đạo. Ngày nay, người thế gian lơi là, xem thường hiếu đạo nên truyền thống tốt đẹp này đang dần mất đi. Nếu con cái không hiếu thảo Cha Mẹ, học trò không kính trọng Thầy Cô thì xã hội sẽ ra sao? Nếu trong xã hội, người già không được chăm sóc, người trẻ không được dạy dỗ thì xã hội đó không còn là xã hội của con người! Ngay đến con vật cũng biết hiếu đạo, con quạ con biết tha mồi về tổ cho Cha Mẹ của nó ăn.

Hòa Thượng nói: “Hiếu dưỡng phụ mẫu là thiên chức của con cái”. “Thiên chức” là sứ mệnh trời ban. Hiếu đạo là thiên tính, là người phải biết hiếu dưỡng Cha Mẹ, nếu người nào không biết hiếu dưỡng Cha Mẹ thì họ đã đánh mất đi tính người, họ sẽ là những phần tử nguy hiểm cho xã hội. Khi giảng bộ đĩa “Con đường đạt đến nhân sanh hạnh phúc”, Thầy Thái nói: “Khi chúng ta chọn vợ, chọn chồng thì chúng ta phải chọn người biết hiếu đạo”. Chúng ta chọn vợ, chọn chồng trên sắc đẹp, tiền tài thì chúng ta sẽ gặp hoạ.

Hòa Thượng nói: “Trong suốt 49 năm tại thế Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói gì? Những lời Ngài nói chỉ tóm gọn trong một chữ đó là chữ “Hiếu”. Trong “Kinh Vô Lượng Thọ”, Phật nói “Tịnh Nghiệp Tam Phước”, trong đó phước đầu tiên là: “Hiếu dưỡng Phụ mẫu, phụng sự Sư trưởng, từ tâm bất sát, tu Thập Thiện Nghiệp”. Trước tiên, chúng ta phải hiếu dưỡng Phụ mẫu, kính trọng Sư trưởng, sau đó mở rộng tâm để hiếu kính đối với tất cả chúng sanh. Chúng ta hiếu kính Cha Mẹ, kính trọng Thầy Cô thì chúng ta mới có thể phát khởi tâm đồng cảm với chúng sanh.

Chúng ta đã tổ chức các lễ tri ân hơn 10 năm nay, các buổi lễ ngày càng giúp được nhiều người có cảm xúc sâu sắc và mở được tâm. Nếu mọi người có thể mở được tâm thì họ sẽ đồng cảm được với tất cả chúng sanh. Chúng ta xem thường hiếu thân tôn sư thì chúng ta sẽ không thể khởi được tâm đồng cảm đại bi. Chúng ta không khởi được tâm đại bi thì tâm chúng ta không thể tương ưng với tâm Phật.

Hòa Thượng từng nói: “Ngày nay, chúng sanh thích nghe gạt không thích nghe khuyên”. Người ngày nay không tin lời Thích Ca Mâu Ni Phật mà tin lời của người thế gian đây là vì lời Phật dạy khó làm, lời của người thế gian thì dễ làm. Người thế gian nói, chỉ cần ngồi trong phòng nghêu ngao niệm Phật thì cũng có thể vãng sanh. Phật dạy, chúng ta mở rộng từ tâm hiếu kính với Cha Mẹ thành tâm hiếu kính với chúng sanh, đề khởi được tâm đồng cảm đại bi từ đó chúng ta từ tâm bất sát.

Hiện nay, có những tông phái nói rằng, người đứng đầu chỉ cần đưa tay ra thì có thể giúp mọi người giải thoát. Chúng ta ngày ngày tu học mà chúng ta vẫn còn đầy phiền não, vọng tưởng vậy mà có người chỉ cần đưa tay ra là có thể cứu được chúng sanh bất hiếu, vô đạo hay sao? Trước đây, có người nói, tôi dịch Kinh nhiều năm nên tay tôi chắc sẽ có rất nhiều công đức, họ nhờ tôi xoa đầu họ để họ thông minh hơn. Đây là họ đang mê mờ, công đức, phước báu phải do chính chúng ta tạo ra. Nếu tay của tôi có thể giúp mọi người thì tự tôi đã xoa đầu mình để tôi không bị bệnh khổ.

Hòa Thượng nói: “Giáo dục thời hiện đại hoàn toàn khác biệt với giáo dục thời xưa. Thanh niên thời nay rất xem thường hiếu kính, việc này chúng ta không thể trách họ, nếu chúng ta trách họ thì chúng ta đã sai! Chúng ta phải trách chính mình không dạy họ, chúng ta không làm ra tấm gương để họ nhìn thấy”. Trên “Kinh Vô Lượng Thọ” nói: “Người trước không dạy thì đừng trách người sau”. Người trước không nhận thức được tầm quan trọng của chuẩn mực đạo đức, không nhận thức được cần làm ra tấm gương thì đừng trách người sau. Đây là do người trước cũng không biết phải xem trọng, truyền thừa, tiếp nối đạo đức truyền thống. Hôm trước, có một vị Thầy lớn tuổi nói với tôi, hiện tại, có những người có học vị Tiến sĩ, Giáo sư nhưng họ muốn các trường học không treo dòng chữ: “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook