56Thứ Năm, 20/04/2023, 15:34
22 · Chương II - Nói Rõ Cách Đối Trị Phiền Não - 6

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 20/04/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“CHƯƠNG II: PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ NIỆM PHẬT”

NÓI RÕ CÁCH ĐỐI TRỊ PHIỀN NÃO (PHẦN SÁU)

Hòa Thượng nói: “Kinh điển của Phật Giáo Đại Thừa rất cao minh, trên “Kinh Bát Nhã” dạy chúng ta khởi tâm động niệm đều vì Phật pháp, vì chúng sanh”. Kinh điển Đại Thừa nhắc chúng ta mở rộng tâm lượng để chúng ta đối trị tâm bệnh tham lam, ích kỷ của mình. Nếu chúng ta không mở rộng tâm lượng thì chúng ta không thể rộng độ chúng sanh. “Vì Phật pháp” không phải là vì lợi ích của Phật pháp mà “vì Phật pháp” nghĩa là vì Phật pháp có thể giúp ích cho chúng sanh nên chúng ta phát dương, quang đại Phật pháp để chúng sanh có cơ hội được độ, được giải thoát.

Phật pháp chân chánh không có ý niệm tranh dành tín đồ với các tôn giáo khác. Mỗi người đều có nhân duyên, phước đức khác nhau. Nếu một người có nhân duyên với Phật thì dù gia đình, dòng tộc của họ không có ai theo Phật thì họ vẫn đến với Phật. Người không có duyên với Phật thì cho dù gia đình, dòng tộc của họ có duyên với Phật thì họ vẫn bỏ Phật pháp. Trên “Kinh A Di Đà” nói: “Đâu phải thiện căn, phước đức, nhân duyên ít mà về được nước kia!”. Chúng ta phải có thiện căn, phước đức, nhân duyên sâu dày thì chúng ta mới có thể gặp được pháp môn Tịnh Độ.

Phật pháp Đại Thừa dạy chúng ta “vì Phật pháp” nghĩa là chúng ta phải dùng Phật pháp để “tự hành hóa tha”. “Tự hành” là chúng ta tự tu hành, đem sự tu hành của mình để hóa độ chúng sanh, đây là chúng ta gieo duyên Phật pháp với chúng sanh. Trong tên gọi của “Thích Ca Mâu Ni Phật”, “Thích Ca” là năng nhân nghĩa là từ bi, là yêu thương, bao dung, tha thứ. “Mâu Ni” là tịnh mặc, nghĩa là thanh tịnh. Trong tâm thanh tịnh không có “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, “tham, sân, si, mạn”. Chúng ta làm được những điều này thì chúng sanh sẽ ngưỡng mộ, khi chúng sanh ngưỡng mộ thì chúng ta đã kết được duyên lành với họ. Chúng ta không thể kết duyên lành với chúng sanh vì chúng ta không làm ra được biểu mẫu cho chúng sanh. Phật dạy chúng ta: “Với người thì phải từ bi, với mình thì phải thanh tịnh”. Người khác có thanh tịnh hay không đó là việc của họ nhưng chính chúng ta phải thanh tịnh.

Người xưa nói: “Nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định”. Một bữa ăn, một ngụm nước đều do tiền định, nhân duyên đối với Phật pháp cũng như vậy. Phật pháp Đại Thừa dạy chúng ta phải vì Phật pháp, vì tất cả chúng sanh phát tâm rộng lớn, làm tất cả những việc cần làm để phục vụ chúng sanh. Tôi rất cảm động khi nghe Hòa Thượng nói đến hai từ “phục vụ”. Chúng ta “phục vụ” thì chúng ta sẽ không yêu cầu điều kiện, không phân biệt.

Các Thầy Cô giáo đang cùng nhau phát tâm mở trường học để áp dụng chuẩn mực của Thánh Hiền dạy các con. Nhiều người cũng đang phát tâm làm những vườn rau sạch tặng mọi người. Những người đã quen việc sẽ đào tạo cho người mới, để công việc được tiếp tục mở rộng. Chúng ta đang gánh vác sứ mạng vô cùng to lớn, chúng ta đang gánh vác sứ mạng làm gương!

Hiện tại, nhiều người trồng rau, hoa quả mang đi bán nhưng chính họ không dám ăn những thứ do mình trồng. Có những người trồng xoài nhưng họ phải đến nhà người khác để xin xoài sạch ăn. Họ xịt, phun rất nhiều thuốc để tạo ra những quả xoài căng mọng, họ không biết là họ đã tạo ra nhân quả rất nghiêm trọng. Mọi người cũng đang tích cực làm dây chuyền để sản xuất đậu sạch để tặng, hôm nay ở Sơn Tây sẽ bắt đầu làm đậu phụ sạch. Chúng ta làm ra chỉ để tặng, không bán. Nhiều người không tin rằng chúng ta thật cho đi mà họ cho rằng chúng ta đang làm hình ảnh. Mùa hè sắp đến, chúng ta sẽ tiếp tục tổ chức các trại hè, các lớp học cho các con. Nếu các con không được dạy, chúng sẽ đi theo bạn bè xấu làm những việc sai trái. Đó là chúng ta tập mở rộng tâm lượng, vì tất cả chúng sanh phục vụ.

Hòa Thượng nói: “Người thế gian luôn lo sợ, e ngại rằng họ cho đi thì cơm áo, gạo tiền của họ sẽ hết, đời sống của họ sẽ khó khăn. Đây là suy nghĩ sai lầm! Đó là do chúng ta chấp trước rất nặng vào “cái ta” và “cái của ta”. Người có ý niệm này không phải là người học Phật, họ không hiểu được ý nghĩa chân thật của những lời dạy của Phật”. Nhiều người không biết được cho đi chính là được. Chúng ta bố thí tiền tài thì chúng ta sẽ có tiền tài. Chúng ta bố thí năng lực thì chúng ta sẽ thông minh, trí tuệ. Chúng ta bố thí vô úy thì chúng ta sẽ khỏe mạnh, sống lâu. Hiện tại, người thế gian đều “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”. Nhiều người khuyên người khác bố thí nhưng họ thì tiền vào càng nhiều càng tốt.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook