45Thứ Hai, 20/11/2023, 07:05
226 · Đề Xướng Hiếu Đạo Và Sư Đạo - 3

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 19/11/2023

**********************************

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC

Phần 3

Chương 8

ĐỀ XƯỚNG SƯ ĐẠO VÀ HIẾU ĐẠO

BÀI 3

Người học Phật luôn mở rộng tâm “Hiếu Kính” Cha Mẹ mình đến với tất cả Cha Mẹ trên thế gian, làm sao để các Cha các Mẹ đều có sự an tĩnh, có niềm vui trong cuộc sống và có một sự tái sanh tốt. Viện dưỡng lão chính là thực tiễn tâm “Hiếu Kính” đó.

Trong thời gian hoằng pháp tại Xinh-ga-po, Hòa Thượng cực lực đề xướng xây dựng viện dưỡng lão nhưng có người cho rằng đó là công trình chờ chết. Ngài nói: “Họ không biết việc tôi đang chú trọng là sự tái sanh chứ không phải hiện sanh”.

Thế gian thường chú ý đến hiện sanh là chăm sóc người già ăn uống, nghỉ ngơi và chờ ngày ra đi. Nếu chỉ như vậy thì viện dưỡng lão quả thật là nơi không có hy vọng. Ngày nào người già cũng chứng kiến cụ nào đó ở phòng số mấy đã mất. Cuộc đời họ không khác gì một tử tù chờ ngày phán quyết.

Ý niệm tuyệt vời là Hòa Thượng chú trọng đến sự tái sanh nên viện dưỡng lão là nơi các cụ tiếp nhận Phật pháp hoặc tôn giáo mà họ kính ngưỡng. Không phân biệt là tôn giáo nào, một khi hiện đời các cụ có niềm tin, sống vui khỏe và an tịnh trong tâm hồn thì nhất định đời sau sẽ tái sanh tốt.

Cái thấy của Hòa Thượng rất cao xa rộng lớn và nếu các nhà làm những công trình phúc lợi này cũng có tầm nhìn giống như thế thì biết bao nhiêu người được lợi ích. “Như vậy thì viện dưỡng lão đã biến thành nơi có hy vọng,” Ngài khẳng định.

Chính phủ Xinh-ga-po thời điểm đó khích lệ mỗi một tôn giáo xây dựng viện dưỡng lão và cô nhi viện để thâu nhận người già cùng cô nhi. Ngài nói: “Xây dựng viện dưỡng lão và cô nhi viện là chúng ta thúc đẩy giáo dục tái sanh và giáo dục lai sanh

Để có một sự tái sanh tốt, người tin Phật thì nương tựa Phật và niệm Phật cầu sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Còn người tin Chúa thì nương tựa Chúa hướng đến sanh thiên để hưởng thiên phước. Người tin theo tôn giáo nào sẽ ở riêng theo khu vực đó mà tôn thờ tín ngưỡng tôn giáo của họ.

Hòa Thượng nói: “Người già phải có giáo dục tôn giáo. Mỗi ngày, chúng ta tạo cơ hội cho họ nghe Kinh, giúp đỡ họ giác ngộ. Mỗi ngày chúng ta dẫn dắt họ niệm Phật. Qua đó, họ mới ý thức đến đời sống tu học lúc tuổi già, nhờ vậy đời sống lúc xế chiều mới hạnh phúc nhất”.

Ngược lại, người lớn tuổi không có tu dưỡng sẽ sống hoàn toàn khác, chỉ chạy theo tập khí xấu của mình đến nỗi dù cho mắt mờ, tai điếc thì vẫn ham “Tài sắc danh thực thùy” không thiếu thứ gì.

Phản tình điều này chúng ta thấy lúc trẻ mà không tu thì khi về già càng khó thay đổi tập khí, phiền não. Hòa Thượng từng nói sau 40 tuổi đã khó, sau 50 tuổi càng khó hơn, sau 60 tuổi đặc biệt khó chứ chưa nói đến tuổi 70. Rất nhiều cụ tuổi đã 80 hằng ngày niệm Phật mà vẫn nói lời thô ác, trong tâm không khởi ý nghĩ rằng quanh mình là người tốt mà luôn sợ có người xấu, chỉ lo đóng cửa. Đây là tâm ngã quỷ. Hòa Thượng từng giảng: Địa ngục là hỏa đồ, Súc sanh là huyết đồ, Ngã quỷ là đao đồ tức là luôn cảm thấy bất an, có người muốn hại mình.

Cho nên khi còn trẻ, phải mở tâm rộng lớn, thiện đãi với tất cả chúng sanh. Bản thân chúng tôi, hằng ngày làm mọi cách để mở rộng tâm và thay đổi tập khí bỏn xẻn của chính mình như là tự thân phải làm việc hay trồng trọt tạo ra nhiều sản phẩm tặng cho mọi người.

Hay như Hòa Thượng thấy các tôn giáo bạn lập đoàn bác sỹ sang Châu Phi, Ngài giúp họ kinh phí đi lại, thuốc men và mua xe cứu thương. Đó chính là lắng nghe bằng tánh nghe của mình để thấy chúng sanh đang khó khổ mà kịp thời cứu giúp.

Chúng tôi hay quan sát đời sống của mấy huynh đệ nên có tâm đồng cảm và có những cách thức quan tâm đúng lúc. Sự đồng cảm đó, xuất phát từ tâm “Hiếu Kính”, đã khiến các huynh đệ ngày ngày trồng rau, trồng khoai cũng đồng lòng với chúng tôi mà nói: “Chúng con chờ Thầy ra để tặng mọi người”.

Từ thực tế tu học như vậy, chúng ta không chờ đến khi già mới tu hành. Hòa Thượng nói: “Sau khi những người lớn tuổi về hưu là lúc tốt nhất để dụng công niệm Phật. Cho nên viện dưỡng lão là tràn đầy hy vọng nhất định không phải là công trình không có hy vọng”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook