46Chủ Nhật, 19/11/2023, 10:55

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 18/11/2023

**********************************

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC

Phần 3

Chương 8

 ĐỀ XƯỚNG HIẾU ĐẠO VÀ SƯ ĐẠO

BÀI 2

Người tu Đại thừa Phật giáo mà không bắt đầu thực tiễn từ “Hiếu thân Tôn sư” thì coi như chưa phải là người học Phật.

Hiếu thân Tôn sư” chính là tâm hiếu kính đầy đủ trong tự tánh của mỗi chúng sanh. Ta một mặt hiếu kính Cha Mẹ và Thầy mình, mặt khác ta đề khởi tâm hiếu kính đó cao hơn nữa, nghĩa là hiếu kính với tất cả chúng sanh.

Thích Ca Mâu Ni Phật từng nói không tu Tiểu thừa mà tu Đại thừa thì không phải là người học Phật. Tiểu thừa chính là nền tảng, chính là phải có gốc của “Hiếu thân Tôn sư”. Tu học Đại thừa trên nền tảng của “Hiếu thân Tôn sư” thì mới có căn bản.

Nếu mình không biết hiếu kính với Cha Mẹ và Thầy của mình thì mọi người thử nghĩ xem họ có thể hiếu kính với Cha Mẹ hay các vị Thầy trên thế gian hay không?

Cho nên “Hiếu thân Tôn sư” là vô cùng quan trọng, là nền tảng căn bản mà mỗi người học Phật phải làm được. Nhưng đáng buồn là vấn đề này ít ai nhắc đến! Số đông người học Phật thật sự đang lơ là, thậm chí không biết rằng tu học phải bắt đầu từ nền tảng này.

Tại sao vậy? Vì không có người dạy. Tại sao không có người dạy? Vì những người dạy cũng chưa từng khởi tâm hiếu kính hoặc nếu có thì chỉ là bề ngoài, làm cho dễ coi chứ không phải là khởi lên từ tâm chân thành, cung kính với Cha Mẹ, với Thầy và tất cả chúng sanh.

Có người chia sẻ rằng vì cha mình thích ăn thịt chó và uống rượu nên ngày ngày đều đi mua cho cha. Đây là ngu hiếu. Mình yêu thương Cha Mẹ thì mình xem ở tuổi của Cha Mẹ ăn cái gì mới thật sự bổ dưỡng, dễ tiêu, lành tính và không có tác dụng phụ. Nếu ăn mặn thì không nên ăn con vật không hiền hòa, không tinh sạch, hoặc ngu si quá. Đạo Hồi, người ta không ăn thịt lợn vì loài lợn ăn tạp lại ngu si. Chúng ta cũng nên thận trọng suy xét mình đang giúp cha mẹ tốt lên hay xấu đi vì có thể trong vô tình ta cung cấp tiền bạc quá nhiều sẽ là cơ hội để Cha Mẹ tạo ác nghiệp hoặc phung phí vào những bữa tiệc sát sanh hại vật.

Phật dạy chúng ta phải đề khởi tâm hiếu kính từ nơi tự tánh của mình chứ không phải là dạy chúng ta chỉ làm những chuyện ngay trước mắt. Chuyện trước mắt đương nhiên phải làm tốt nhất nhưng không phải theo cách mà chúng sanh ở thế gian vẫn thường làm, đó là thích ăn thịt chó thì mua thịt chó, thích ăn thịt dê thì mua thịt dê, thích hưởng thụ gì thì mua cho thứ đó.

Hiếu dưỡng Phụ Mẫu” là ta đối với Cha Mẹ một lòng tôn kính, chăm sóc tốt nhất có thể. Sau khi tâm hiếu kính được phát ra từ tự tánh, ta tiếp tục đề khởi tâm đó phục vụ tất cả chúng sanh trong tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Đây mới là dụng ý mà Phật dạy.

Ta hiếu dưỡng đối với Cha Mẹ, đối với Thầy thì phải nghĩ đến ngoài việc “dưỡng thân” - quan tâm đời sống ăn, mặc, ngủ, nghỉ của Cha Mẹ, chúng ta phải biết dưỡng tâm, luôn khiến Cha Mẹ thường hoan hỷ tự tại. Chúng ta còn phải dưỡng chí, là nuôi dưỡng tâm nguyện của Cha Mẹ.

Từ vô lượng kiếp đến nay chúng ta đã có rất nhiều Cha Mẹ và Thầy. Nếu chỉ biết đối đãi với Cha Mẹ và với Thầy hiện tại thì đã mắc vào tình chấp. Như câu chuyện một người chia sẻ rằng họ đã quy y với Thầy cho nên việc Thầy bảo mình làm thì mình phải làm cho dù việc làm đó bất thường, khiến mình nghi ngờ. Nếu mình không làm theo Thầy là bất kính với Thầy.

Đây hoàn toàn là cảm tình dụng sự, chứ không phải là người dùng trí tuệ để quán sát. Cho nên “Hiếu thân Tôn sư” ở đây là hướng đến việc mà Phật đã dạy, đó là hiếu kính bằng tâm chân thành, đề khởi hiếu kính từ nơi tự tánh của chúng ta chứ không phải là từ nơi tình chấp. Đa phần chúng ta làm từ tình chấp.

Phụng sự Sư trưởng” không phải là ngày ngày bóp chân bóp tay, chăm sóc ăn uống thuốc men hay chạy đôn chạy đáo để lo bổ dưỡng cho Thầy. Phụng sự là y giáo phụng hành, là đem lời dạy của Thầy phục vụ chúng sanh. Phụng sự là vâng theo lời dạy có sự truyền thừa của Thầy, chứ không làm theo ý riêng cá nhân ai. Thầy của mình được tiếp nhận từ các vị Thầy, rồi các vị Thầy được tiếp nhận từ Tổ sư, cao hơn là tiếp nhận từ Phật. Chúng ta không có cơ duyên được nghe trực tiếp từ Phật, từ Tổ sư, vậy thì ta tiếp nhận từ Thầy mình, có sự truyền thừa một mạch nguồn đến chúng ta.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook