Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 17/11/2023
**********************************
TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC
Phần 3
Chương 8
ĐỀ XƯỚNG HIẾU ĐẠO VÀ SƯ ĐẠO
(BÀI 1)
Người học Phật nếu không bắt đầu sự nghiệp tu học trên nền tảng “hiếu đạo và sư đạo” thì cho dù có tiếp nhận giáo dục Phật Đà cũng không thể có thành tựu.
Đây chính là kết luận mà Hòa Thượng đưa ra sau nhiều năm đề xướng giáo dục Phật Đà với người tiếp cận rất đông và sách in rất nhiều nhưng thành tựu như mong muốn vẫn còn hạn chế.
Hòa Thượng nói nếu không cắm gốc trên nền tảng “Tịnh Nghiệp Tam Phước”, trong đó phước thứ nhất là “Hiếu Dưỡng Phụ Mẫu, Phụng Sự Sư Trưởng, Từ Tâm Bất Sát, Tu Thập Thiện Nghiệp” thì “Tu học bất kỳ pháp môn nào cũng không có kết quả”.
Hòa Thượng khẳng định: “Phật Pháp chú trọng ở chỗ dưỡng lão. Đây là thực tiễn Tịnh Nghiệp Tam Phước. Giáo huấn này là nền tảng căn bản của cả thảy Phật pháp. Nếu như không ở trên việc này mà hạ công phu thì bạn niệm Phật cũng không thể vãng sanh.”
Thế Giới Tây Phương Cực Lạc là thế giới của hiếu kính mà người tu học không xây dựng hiếu kính thì không thể về cõi Cực Lạc. Từ lâu, rất nhiều tông phái lơ là và chỉ nhắc qua loa tới việc này. Nếu thiếu nền móng thì càng xây dựng lên cao sẽ càng dễ bị sụp đổ.
Một trong những người học trò mà Hòa Thượng tâm đắc là Thầy giáo Thái Lễ Húc, người đã giảng 40 tập “Con Đường Dẫn Đến Hạnh Phúc Nhân Sinh” nói rõ về hiếu và kính, về chuẩn mực làm người. Tại các buổi giảng, Hòa Thượng đều ngồi dưới lắng nghe học trò mình. Ngài cho biết là đã nghe qua bộ giảng giải này 10 lần. Điều này cho thấy Hòa Thượng xem trọng “hiếu đạo và sư đạo” đến mức nào.
Những năm đầu, Hòa Thượng tích cực phát huy mạnh giáo dục nhân quả thông qua giảng giải Liễu Phàm Tứ Huấn và An Sĩ Toàn Thư.
Thời trung niên, Ngài mạnh mẽ đề xướng giáo dục Phật Đà với “Một câu A Di Đà Phật niệm đến cùng”. Ngài giảng nhiều bộ Kinh và luôn chỉ điểm người nghe hướng đến Tịnh Độ vì phù hợp với căn tính chúng sanh thời Mạt Pháp. Các pháp tu khác thì việc thực chứng gần như là không có.
Lúc lão niên, Ngài đã thấy tầm quan trọng của bộ Kinh Vô Lượng Thọ đối với chúng sanh thời hiện đại với điểm nhấn là nền tảng “hiếu đạo và sư đạo”. Ngài nói rằng nếu như có thể hoàn toàn quyết định thì Ngài chỉ giảng một bộ Kinh này. Tuy nhiên, các đạo tràng khắp nơi mời Ngài giảng Kinh Địa Tạng mà Kinh Địa Tạng nói về hiếu đạo nên ngài đồng ý. Có nơi mời Ngài giảng Kinh Bát Nhã, Ngài cũng đồng ý vì bộ Kinh này giúp hành giả tu Tịnh Độ phá chấp. Hơn nữa, trong quá trình giảng, Ngài khéo léo chỉ cho họ con đường đi sang Tịnh Độ.
Những năm cuối đời, Ngài tích cực đề xướng nền tảng “hiếu đạo và sư đạo”.
Cho nên trong nhiều năm qua, Hòa Thượng đã thực tiễn giáo dục của Phật Đà thông qua việc đề xướng xây dựng viện dưỡng lão. Điều này chính là đang thực hiện phước thứ nhất trong “Tịnh Nghiệp Tam Phước” bao gồm “Hiếu Dưỡng Phụ Mẫu, Phụng Sự Sư Trưởng, Từ Tâm Bất Sát, Tu Thập Thiện Nghiệp”
Trong tinh thần đó, nhân Ngày Hiến Chương Nhà Giáo Việt Nam, chúng ta đã tổ chức buổi Lễ Kỷ Niệm mang tên “Hạnh Phúc nghề Thầy” nhằm mang tâm thành kính nhất tri ân tất cả các vị Thầy ở quá khứ, hiện tại và tương lai.
Tháng 11 đến, mang lại rất nhiều niềm vui cho chúng ta. Đó là câu chuyện về một bác sỹ đã gửi thư xin giáo trình chữ Hán, hứa sẽ không bỏ cuộc và sẽ gặp Thầy đến bài học cuối cùng. Anh ấy nói: “Con thấy Thầy dạy chữ Hán nhưng lại dạy cả cách làm người và dạy cả Phật Pháp nữa!”
Hay câu chuyện về tinh thần “tôn sư trọng đạo” của một người học trò 62 tuổi quê mùa nhưng có tâm kính trọng Thầy một cách đặc biệt. Ông nói: “Con nghe rất nhiều người giảng, nhưng Thầy giảng rất có tâm, nên con nguyện học đủ 100 bài thì phải tìm Thầy. Không đi tìm Thầy thì chết không nhắm mắt.” Chúng tôi cũng thành toàn cho tâm cung kính của ông và chúng tôi cũng lặn lội tìm đến nhà ông nhằm khích lệ niềm tin đối với Phật Pháp và tinh thần sư đạo của ông.
Khi đến dự lễ kỷ niệm, ông mới biết tôi là ai. Ông chỉ gặp tôi trên mạng với dáng gầy gò vì khi đó tôi bệnh rất nặng, đứng mà vẫn phải vịn vào bàn. Ông và người bác sỹ đó đã cho chúng ta thấy tinh thần sư đạo đáng để chúng ta học tập. Một tinh thần cầu học không vụ lợi, hoàn toàn chân thành. Họ đến với bài học, nguyện phải học, tiến tới học tập rồi nhất quyết đi tìm Thầy của mình.