105Thứ Sáu, 17/11/2023, 06:39
223 · Nói Rõ Giáo Dục Của Phật Đà - 28

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 16/11/2023

**********************************

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC

Phần 3

Chương 7

 NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ

(BÀI 28)

Người thế gian khác biệt với Phật Bồ Tát chính là mê và giác. Chúng sanh thì mê mờ mù mịt còn Phật thì hoàn toàn giác ngộ. Sự mê lầm ấy bị chi phối bởi tình chấp.

Hòa Thượng nói: “Phật Bồ Tát giác ngộ và có trí tuệ. Phàm phu thì mê hoặc, ngu si, không có trí tuệ. Tư tưởng kiến giải của phàm phu không thể thoát khỏi cảm tình.

Phật độ chúng sanh không phải vì thương cảm. Thương cảm chính là “cảm tình dụng sự”. Ngài đã rời xa điều này nên Ngài đạt được trí tuệ viên mãn.

Chúng sanh có cảm thì Phật liền có ứng. Cảm ứng đó tương thông qua tâm. Vậy thì chúng ta hãy bắt đầu từ tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Tuy nhiên, vì chúng sanh mê mờ nên cho rằng phải khởi cảm xúc và làm theo cảm xúc thì mới là đúng.

Người quá lộ liễu “cảm tình dụng sự” thì có biểu hiện là thuận ta thì được, nghịch ta thì không. Người giác ngộ thì thuận theo chuẩn mực.

Cho nên, chúng ta làm việc cho chúng sanh không nên vì xúc động hay vì cảm tình mà làm. Chúng ta phải dùng lý trí, trí tuệ, từ bi nhưng hết sức phương tiện. Người ta không tìm thấy con đường đạt đến hạnh phúc thì mình giúp họ nhận ra con đường đó.

Chúng sanh mê lầm chấp trước nên cảm thấy Phật, Chúa hay Thánh A La quan tâm đến người này mà không quan tâm đến người kia. Họ cho rằng người nào tin theo và cung phụng các Ngài thì sẽ được đối xử tốt. Nếu như thế thì các Ngài không phải là đấng tối cao.

Vì cái nhìn phiến diện, vọng tưởng và theo cảm tình nên chúng ta mới cho rằng các Ngài có sự thiên vị. Đó là cái nhìn sai lầm. Phật Bồ Tát và các đấng sáng tạo tôn giáo đã vượt qua ngưỡng đối đãi của cảm tình. Trong “Tứ Y Pháp” Phật dạy rằng “Y Trí Bất Y Thức” nghĩa là nương tựa vào trí tuệ chứ không nương tựa vào cảm tình.

Đã từ lâu vào ngày Hiến Chương Nhà Giáo Việt Nam 20-11, các Thầy Cô trong Hệ Thống Khai Minh Đức đã không nhận quà tặng. Phản tỉnh điều này nên tôi cũng làm như vậy. Đối với việc tri ân, cần phải nâng lên một tầm cao, tức là lấy việc hoàn thành tốt sứ mạng của mình ở mỗi cấp bậc quản lý hay vai trò công tác để tri ân, báo ân.

Hòa Thượng dùng cả đời nghe lời và thật làm theo Thầy của mình để tri ân. Hơn 90 tuổi mà Ngài vẫn nhắc lời của Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam: “Ngày xưa khi tôi cầu học ở Đài Nam. Lúc mới gặp, Thầy nói với tôi rằng: Một là từ nay về sau, chỉ nghe lời Thầy giảng, hai là tất cả những gì muốn đọc, muốn xem phải có sự cho phép của Thầy, ba là những gì đã học trước đây, xem như là đồ phế thải. Nếu đồng ý thì ở lại đây và tuân thủ trong năm năm.” Hòa Thượng đã chấp nhận các điều kiện này. Đúng là người học trò muốn thành công phải có người Thầy như vậy mà người Thầy muốn dạy thì phải có học trò nghe lời như vậy. Chúng ta thấy quan hệ thầy trò không phải là quan hệ “cảm tình dụng sự”.

Nếu chúng ta không thường xuyên phản tỉnh thì trong đối nhân xứ thế, đối người tiếp vật của mình chỉ là “thế tình dụng sự” tức là dùng tình cảm thế gian để làm việc. Tình cảm thế gian chỉ là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chỉ là “cái ta và cái của ta”.

Bà Cư sĩ Hứa Triết là tấm gương không phân biệt chấp trước. Bà từng nói: “Xung quanh tôi là những người đau khổ nên tôi phải là người gần gũi, tiếp cận với họ thì mới có thể giúp đỡ được họ.

Gần đây mọi người kháo nhau rằng thầy Thái nói chuyện với đồng tu Việt Nam rồi gửi đường link cho nhau xem. Hãy xét xem, mình có cảm tình dụng sự và chạy theo danh vọng lợi dưỡng không? Bản dịch lời thầy Thái dạy về “Con đường dẫn đến Hạnh phúc nhân sinh”, sao mình không nghe? Bây giờ lên đó nghe thầy giảng trực tiếp tiếng Hoa hay sao? Dù có người phiên dịch hiện trường, cũng không thể dịch hết ý.

Nói đến đây, tôi nhớ lời Hòa Thượng chỉ dạy khi có người hỏi: “Thưa Ngài, thế nào là thiện, thế nào là ác?” Ngài bảo ác chính là làm việc gì mà có khởi niệm “tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, ta và cái của ta”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook