42Thứ Năm, 16/11/2023, 19:22
222 · Nói Rõ Giáo Dục Của Phật Đà - 27

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 15/11/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 7

NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ

(BÀI 27)

Bài học hôm qua, Hòa Thượng nhắc, nếu chúng ta không có chánh tri, chánh kiến thì chúng ta nhất định sẽ gặp chướng ngại. Chúng ta muốn có chánh tri, chánh kiến thì chúng ta phải dựa vào giáo dục của Phật Đà. Trong ngàn vạn người chỉ có một người vừa sinh ra đã có chánh tri, chánh kiến, người này chính là hoá thân của Phật Bồ Tát. Chúng ta là phàm phu tập khí, phiền não của chúng ta đã kết tập từ vô lượng kiếp nên những nhận biết của chúng ta đều sai lầm.

Hòa Thượng nói: “Phật pháp nói một cách viên mãn, thấu triệt, chúng ta phải tu học vô lượng kiếp mới có thể đạt đến cứu cánh viên mãn, từ sơ phát tâm thẳng đến quả vị Phật. Sau khi đạt được quả vị Phật, chúng ta sẽ có đầy đủ năng lực phục vụ, giúp đỡ chúng sanh”. Chúng ta học Phật không phải thành tựu cho chính mình. Nếu người nào có suy nghĩ, học Phật là để thành tựu cho chính mình thì người đó vĩnh viễn không thể có thành tựu. Chúng ta muốn chứng được quả vị trong nhà Phật thì chúng ta phải xa lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.

Hòa Thượng nói: “Mục đích của việc học chính là phục vụ chúng sanh, phục vụ đại chúng, từ phạm vi nhỏ mở rộng ra phạm vi rộng lớn. Trước tiên chúng ta phục vụ gia đình, dòng tộc, làng xóm, sau đó mở rộng ra đến phục vụ quốc gia và tất cả chúng sanh. Nếu chúng ta không có sự học dưỡng thì chúng ta không thể làm được điều này”. “Học dưỡng” là học tập và nuôi dưỡng, dưỡng thành. Chúng ta học mà chúng ta không làm thì chúng ta chỉ mang đến chướng ngại, tai ương cho người.

Người xưa nói: “Học chí ở Thánh Hiền”. Người xưa học với mục tiêu trở thành Thánh Hiền. Người ngày nay học để có được bằng cấp và có được công việc thu nhập cao. Mục tiêu của người học Phật là để thoát khỏi sinh tử. Đây là kết quả viên mãn, rốt ráo nhất. Chúng ta làm vì chúng sanh, không có “cái ta” thì chúng ta nhất định sẽ không có chướng ngại. Có người hỏi Hòa Thượng, trong quá trình Ngài giảng Kinh, nói pháp, làm lợi ích chúng sanh, Ngài có gặp chướng ngại nào không. Hòa Thượng suy nghĩ trong thời gian ngắn và nói: “Tôi hoàn toàn không có chướng ngại!”. Nhiều năm qua, những việc làm của chúng ta cũng đã chứng thực sự dạy bảo của Hòa Thượng là đúng đắn. Chúng ta làm tất cả mọi việc là để phục vụ người nên mọi việc đều diễn ra một cách tốt đẹp.

Hằng năm, các sư Thầy và các Phật tử đều mong chúng ta về tổ chức ngày “Lễ Vía Phật A Di Đà” ở tỉnh Vĩnh Long vì chúng ta luôn mang điều tốt đẹp đến cho mọi người. Chúng ta thật làm thì nơi nào cũng hoan nghênh chúng ta. Chúng ta có chướng ngại là do chướng ngại ở nơi chính chúng ta. Chúng ta không có ý niệm “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng” hay nói rõ hơn là chúng ta có “cái ta”, “cái của ta” thì chúng ta nhất định có chướng ngại.

Chiều hôm qua, chúng tôi ngắt rất nhiều rau để mang tặng mọi người. Hai vườn rau của chúng ta đều có người tặng điện 3 pha để chúng ta sử dụng, khi nhà các cụ có chuối, mít chín thì các cụ đều mang tặng chúng ta. Chúng ta luôn sẵn lòng, không nề hà khó khăn mang sự tốt đẹp cho người thì mọi người luôn hoan nghênh chúng ta. Chướng ngại chính là từ ở nơi chính mình! Chúng ta vận dụng tâm từ bi của nhà Phật thì chúng ta đến bất cứ nơi đâu cũng không có chướng ngại! Hòa Thượng từng nói: “Bố thí pháp là chúng ta làm ra tấm gương thật tốt để mọi người sinh tâm ngưỡng mộ, từ đó họ tự tìm đến học tập”. Chúng ta chỉ ngồi nói mà chúng ta không làm thì mọi người sẽ không tin chúng ta.

Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta không có sự học dưỡng tốt đẹp thì chúng ta cho rằng chúng ta đang vì người phục vụ nhưng thật ra chúng ta đang tạo nghiệp. Chúng ta tạo nghiệp thì chúng ta sẽ mang đến tai nạn cho quốc gia, thế giới”. Trước đây, khi chúng ta đến tổ chức sự kiện ở một nơi mọi người rất cẩn trọng nhưng sau khi chúng ta đã làm thành công thì họ đều hoan nghênh chúng ta. Tâm của Phật là từ bi, yêu thương, tha thứ, tinh thần của Chúa là thần ái thế nhân, tình yêu rộng lớn, chúng ta làm tốt lời dạy của Chúa, của Phật thì chúng ta sẽ làm lợi ích cho chúng sanh.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook