120Thứ Ba, 14/11/2023, 19:02
221 · Nói Rõ Giáo Dục Của Phật Đà - 26

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 14/11/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 7

NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ

(BÀI 26)

Hòa Thượng nói: “Thế Tôn đã vì chúng ta làm ra tấm gương tốt nhất, Ngài xả bỏ sạch trơn nên đời sống của Ngài rất tự tại! Thế Tôn cả một đời không có đạo tràng, Ngài ngủ dưới gốc cây, nói pháp trên bãi cỏ. Đời sống của tăng đoàn đáng kính đến như vậy! Ngày nay, chúng ta không thể tìm được đoàn thể tăng đoàn nào thanh tịnh như vậy!”. Trước khi Phật xuất gia tìm đạo, Ngài là thái tử Tất - đạt - đa, con vua Tịnh Phạn trị vì thành quốc Ca-tỳ-la-vệ, một trong những quốc gia giàu mạnh nhất thời đại đó. Khi Phật sinh ra, Ngài A-tư-đà đã tiên đoán là thái tử sẽ trở thành một vị chuyển luân Thánh vương vĩ đại hoặc sẽ xuất gia, trở thành một vị Phật. Vua Tịnh Phạn muốn thái tử kế thừa ngôi báu nên ông đã xây dựng cung điện Bốn Mùa với rất nhiều quân lính, cung tần, mỹ nữ. Nhà vua không để bất cứ một người, một sự vật nào thể hiện về sự vô thường trong cung điện Bốn Mùa, khi cung nữ nào có điệu múa, giọng hát không còn trẻ trung thì họ sẽ bị thay thế, bông hoa nào có dấu hiệu của sự úa tàn thì sẽ bị ngắt bỏ. Thái tử Tất-đạt-đa kết duyên với nàng Da-du-đà-la vô cùng xinh đẹp và có một người con trai là hoàng tử La-hầu-la. Mặc dù sống trong cảnh sung sướng, vợ đẹp, con ngoan nhưng Ngài vẫn xả bỏ tất cả để tìm con đường tu hành, giải thoát.

Sau khi chứng quả vị Phật, hằng ngày, Đức Phật và tăng đoàn đi khất thực để gieo duyên lành với chúng sanh, giúp chúng sanh phát khởi tâm bố thí, cúng dường. Việc khất thực phải tuân theo những quy định rất nghiêm khắc, mỗi ngày, Phật và tăng đoàn phải đi theo một cung đường khác nhau, các Ngài chỉ được đến bảy nhà, nếu thức ăn còn dư thì phải bố thí cho chúng sanh, không được để dành đồ qua đêm. Nếu Phật và tăng đoàn đi khất thực qua bảy nhà không có người cúng dường thì các Ngài sẽ trở về tĩnh tọa. Đời sống của tăng đoàn cao cả, buông xả triệt để như vậy nên thể lực của các Ngài rất khoẻ mạnh. Các Ngài sống đời sống ba y một bát, nửa ngày ăn một bữa, dưới gốc cây ngủ một đêm. Thời xưa, thời tiết ở Ấn Độ rất khắc nghiệt, có khi thì nắng cháy da, có khi thì lạnh thấu xương nhưng Phật và tăng đoàn đi chân trần đến khắp các nơi. Mấy hôm nay, Hà Nội trở gió, tôi đang phải mặc bốn cái áo ấm, ngày nay, thể lực của chúng ta rất yếu kém. Hiện nay, chúng ta sống phụ thuộc vào các loại máy móc như máy sưởi, máy điều hoà nên cơ thể của chúng ta không thích nghi được với sự thay đổi của thời tiết.

Hòa Thượng nói: “Năm xưa, khi Thế Tôn còn tại thế, tăng đoàn không có tổ chức, mà chỉ có một người là thượng thụ, người làm biểu pháp. Trong đoàn thể mọi người cùng nhau chung sống, tu hành rất an vui, hạnh phúc. Mọi người được an vui như vậy vì hằng ngày họ được nghe pháp nên tư tưởng, kiến giải của mọi người dần dần giống nhau, không có sự chênh lệch, mỗi người đều bỏ đi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chính mình”.

Thời xưa, người trong tăng đoàn không có cấp bậc, chức danh. “Thượng thụ” là người làm biểu pháp. Thí dụ, khi 1200 đệ tử của Phật đến nghe thuyết pháp thì Phật là thượng thụ; Trong một đoàn thể nhỏ, người đáng kính nhất là thượng thụ. Khi chúng ta nghe Phật dạy, chúng ta phải bỏ đi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chính mình thì mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp. Bởi vì mỗi chúng ta đều có năng lực, tướng hảo giống như Phật, nếu chúng ta bỏ đi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì tự tánh thanh tịnh của chúng ta sẽ hiển lộ. Hòa Thượng từng nói: “Thích Ca Mâu Ni Phật không xỏ mũi chúng ta kéo đi!”. Chúng ta nghe lời giảng của Phật là để chúng ta bỏ đi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của mình, để chúng ta quay về với bản thể tâm thanh tịnh. Bản thể tâm thanh tịnh của chúng ta giống y như của Phật nhưng hiện tại, bản thể tâm thanh tịnh của chúng ta không thể hiển lộ nên chúng ta vẫn phiền não và khiến mọi người phiền não.

Một lần, khi các tôn giáo họp mặt, các tôn giáo khác nói, chúng ta giống nhau ở chỗ chúng ta đều có niềm tin. Hòa Thượng nói: “Tôi không có niềm tin như các Ngài, tôi tin chính mình, tôi tin tôi sẽ là Phật. Ngài có dám tin Ngài sẽ là Chúa không!” Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói: “Ta là Phật đã thành tất cả chúng sanh là Phật sẽ thành”. Trước tiên, chúng ta tin “tự”, kế đó, chúng ta mới tin “tha”. Tin “tự” là chúng ta tin chính mình có đủ bản năng để thành Phật.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook