49Thứ Bảy, 11/11/2023, 06:06

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 10/11/2023

**********************************

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC

Phần 3

Chương 7

 NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ

(BÀI 22)

Phật và đệ tử của Phật không hề nghỉ hưu mà làm việc đến khi sức cùng lực kiệt, tuy nhiên, các Ngài hoàn toàn tự tại đến đi như một lữ khách.

Trong nhiều bài giảng Hòa Thượng nhắc mọi người hãy tra trên Đại Tạng Kinh gồm Kinh, Luật, Luận ghi chép hết thảy lời giáo huấn của Phật, tìm xem Thích Ca Mâu Ni Phật có ngày nào nghỉ hè không? Không hề có!

Hòa Thượng trích dẫn thêm: “Trong Thích Ca Phương Chí, ghi chép những chuyện ký của Thế Tôn cho biết Ngài và các đệ tử của Ngài không hề có nghỉ hưu.

Cho dù còn một chút sức lực nhỏ có thể tận tâm tận lực vì chúng sanh thì phải nỗ lực”, Hòa Thượng nói và đã chứng minh bằng cả cuộc đời của Ngài. Lão Hòa Thượng Hải Hiền 112 tuổi còn trèo cây hái quả hồng đãi Phật tử. Cụ Bà Hứa Triết hơn 100 tuổi vẫn chăm sóc những người già bệnh khổ.

Khi còn khỏe, Hòa Thượng giảng một ngày 4 giờ, 2 giờ, rồi 1 giờ, về sau khi tuổi đã cao thì giảng hơn 20 phút. Về sau nữa, Ngài chỉ thu âm chứ không ghi hình vì lúc đó, tuổi Ngài quá cao thân thể tiều tụy và lời nói rất yếu ớt. Người ta không muốn cho các đồng tu nhìn thấy mà đau lòng. Có những đoạn ghi âm 20 phút, 10 phút rồi chỉ còn 5 phút.

Lần tôi đi dự pháp hội ở nước Anh, đến giờ giảng, họ chỉ phát lại video của Ngài được ghi hình trước theo chủ đề của buổi pháp hội đó. Đây là tinh thần không hề ngơi nghỉ, đều là tận tâm tận lực vì chúng sanh.

Trong các tự viện ngày nay, các Hòa Thượng lớn tuổi, khi thể lực đã suy yếu thì nhường lại công việc chấp sự, quản sự cho các học trò trẻ. Hòa Thượng nói: “Đây không phải là nghỉ hưu mà là giao việc cho các vị trẻ làm tốt hơn. Các vị lớn tuổi lo chuyên tâm tu tập, làm hướng đạo sư ở phía sau”.

Các Ngài không có tinh thần dưỡng lão còn chúng ta chưa già mà cứ nghĩ mình già, đã lo nghỉ ngơi. Phật, Bồ Tát đều luôn trân trọng thời gian sống ở thế gian nên các Ngài rất phấn phát, luôn ở trạng thái dũng mãnh tinh tấn.

Còn hành động và việc làm của chúng ta thì rề rà, chểnh mảng, nhếch nhác, dẫn đến nhiều hệ lụy, thậm chí không thể thành tựu đạo nghiệp. Việc chỉ giải quyết trong một buổi sáng thì mình làm đến ba ngày mà việc ba ngày thì mình làm đến ba tuần. Vậy thì những việc của cơ quan, đoàn thể và việc hệ trọng quốc gia thì mình sẽ để tệ hại hơn.

Chúng ta đang quá lãng phí thời gian của sinh mạng nên luôn hẹn ngày mai, rồi ngày mai nữa. Với tôi thì khác, việc gì cố gắng được trong hôm nay thì phải làm rốt ráo viên mãn trong hôm nay, phải luôn tự khích lệ rằng: “Đã gánh vác thì phải phấn đấu làm tốt phần việc mình được giao”.

Tôi được người ta khen là làm việc 12 tiếng mới nghỉ trong khi người khác là tám tiếng. Ai “vô công rồi nghề” mới ham thích tiếng khen. Còn mình thật làm, danh đúng với thực, cho nên dù không có những lời khen đó, mình vẫn làm y như vậy. Không phải một tháng, một năm mà trường kỳ nhiều năm qua đều là như thế.

Nếu không tự mình phấn đấu từng ngày thì ai cũng đầy đủ tập khí rề rà, chểnh mảng, nhếch nhác, lười biếng. Sáng nay tôi tỉnh giấc sớm nằm chờ chuông báo thức. Chợt tâm tôi hé lên ý niệm nghỉ thêm chút nữa vì mới có 3h40. Ngay đó, ý niệm thứ hai dấy khởi là bấy lâu nay làm gì có tiền lệ. Thế là tôi bật dậy.

Năm Hòa Thượng gần 80 tuổi, Cư sĩ Lý Mộc Nguyên muốn sắp xếp hai người giúp việc cho Ngài nhưng Ngài không nhận và nói: “Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam lúc hơn 90 tuổi vẫn là tự làm mọi việc kể cả giặt quần áo, nấu ăn.” Chúng ta hãy phản tỉnh, cố gắng làm theo. Lúc đầu thì chưa giống nhưng làm lâu dần thì sẽ giống các Ngài.

Có người rất muốn tinh tấn nhưng bản thân không tự nỗ lực mà suốt ngày xin Phật. Nếu ban được, Phật đã cho tất cả mọi người sự tinh tấn, sự thiện tâm và nỗ lực từ bỏ ác hạnh để chúng sanh không ai phải đọa lạc.

Phật không ban phát cho chúng sinh mà “Thế Tôn ở đời thuần túy là dạy học”, Hòa Thượng nói. Để có chỗ cho đại chúng an định, ngài tiếp nhận Tịnh xá Trúc Lâm do ông Trưởng giả Cấp Cô Độc và Thái tử Kỳ Đà cúng dường. “Thế Tôn chỉ tiếp nhận quyền sử dụng chứ không tiếp nhận quyền sở hữu,” Hòa Thượng khẳng định.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook